Chuyên viên tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tự nghỉ việc giữa bão sa thải: Chuẩn bị thế nào để một năm nghỉ ngơi không mang áp lực tài chính?

Vân Anh - Design: Anh Nhân - Ảnh: NVCC, Theo Nhịp sống thị trường 20:11 17/04/2024

Anh chàng đã có sự chuẩn bị kỹ trước khi nộp đơn xin nghỉ việc.

Làm việc quá 8 tiếng ngày, không nghỉ cuối tuần chắc không còn là điều xa lạ với các bạn trẻ. “Không làm thì lấy gì mà ăn?”, “Tuổi trẻ là thời gian hết mình cho sự nghiệp?”, hay “Nghỉ ngơi là chuyện của sau này khi mình đã bước sang tuổi trung niên”,... cũng là những quan điểm phổ biến.

Song, có một thực tế là ngày càng nhiều nhân sự sau thời gian dài làm việc dễ bỏ quên bản thân, đánh mất niềm đam mê riêng hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau đó, nộp đơn xin nghỉ việc trở thành lựa chọn của họ, để chữa lành cho chính mình.

Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng gặp Phạm Thành Thiện (SN 1991, TP.HCM) - một Chuyên viên cấp cao về tiếp thị thương hiệu tại tập đoàn đa quốc gia lớn. Cách đây 1 năm, anh chọn bước vào trạng thái thất nghiệp chủ động. Tức là giữa làn sóng sa thải nhân sự, anh tự nộp đơn xin nghỉ để có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân.

Nhìn lại một năm nhiều biến động của mình, Thành Thiện tổng kết ngắn gọn: “Mình tự hào và vui vẻ với những cột mốc đạt được”

Chuyên viên tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tự nghỉ việc giữa bão sa thải: Chuẩn bị thế nào để một năm nghỉ ngơi không mang áp lực tài chính? - Ảnh 1.

Thành Thiện

Nghỉ việc nhưng mở mang về kinh doanh và đầu tư

Thành Thiện tự nhận là một workaholic, luôn muốn nỗ lực làm việc để nhanh chóng đạt được thăng tiến. Ba năm vừa qua, anh dành nhiều thời gian, tâm trí và một phần cuộc sống cá nhân dành cho công việc.

“Sau thời gian làm việc, mình đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, mình chợt nhận ra, bản thân chỉ có một cái hài lòng là đang làm tại tập đoàn đa quốc gia lớn và có social status tốt. Điều này vừa khiến mình cảm thấy đủ rồi, nhưng cũng đánh mất đi động lực thực sự bên trong.

Đó cũng là khoảnh khắc, mình quyết định dừng công việc hiện tại để nghỉ ngơi và tìm hiểu hơn về bản thân. Mặc dù tại thời điểm đó, cấp trên và môi trường làm việc đều phù hợp với mình. Đồng thời, trước khi nghỉ việc, mình cũng được trao cơ hội thăng tiến ở vị trí cao hơn, có scope of work (phạm vi công việc) lớn và thể hiện được nhiều thứ trước doanh nghiệp và phát triển khả năng lãnh đạo", Thành Thiện chia sẻ.

Trong một năm nghỉ việc nhưng không nghỉ ngơi, đầu tiên, anh thực hiện ước mơ của mình, đó là xách balo lên và một mình đi du lịch vòng quanh Việt Nam. Cuộc hành trình của Thành Thiện kéo dài gần 3 tháng và đặt chân đến khoảng 8 thành phố.

Sau khi kết thúc chuyến du lịch, Thành Thiện quay trở về TP.HCM, bắt đầu nghiêm túc đầu tư phát triển bản thân. Bước đầu tiên của anh là quyết tâm niềng răng và tiếp tục tập gym để lấy lại vóc dáng cân đối và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, anh cũng tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn và chuyên sâu hơn về đầu tư chứng khoán.

Nghe có vẻ như Thành Thiện đã tốn nhiều tiền cho hơn 1 năm gap year đấy, nhưng thực tế, anh thấy mình lãi nhiều hơn mất.

Chuyên viên tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tự nghỉ việc giữa bão sa thải: Chuẩn bị thế nào để một năm nghỉ ngơi không mang áp lực tài chính? - Ảnh 2.

Anh có một năm gap year nhiều bận rộn

- Thứ nhất, sức khỏe thể chất và tinh thần được nâng cao

Thành Thiện đã bỏ được chứng rối loạn giấc ngủ - một điều mà anh luôn khao khát khi còn làm nhân viên văn phòng. Anh tâm sự: “Trong vòng 5 năm trở lại, mình ít có được giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, giờ đây mình không chỉ ngủ sâu mà khi đi ngủ còn không mang nỗi sợ hãi, lo toan về cuộc sống, hoặc deadline công việc ngày mai sẽ thế nào”.

Có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân nên so với thời điểm còn làm dân văn phòng, Thành Thiện không chỉ giảm gần 11kg mà giờ giấc sinh hoạt cũng trở lại bình thường. Điều này kéo theo sức khoẻ thể chất và tinh thần của anh đã tốt hơn trước rất nhiều.

Quan trọng hơn cả, Thành Thiện còn bước ra khỏi vùng an toàn, đó là thực hiện được ước mơ đi du lịch, có thời gian nhìn nhận lại bản thân và học được thêm những kiến thức mà anh muốn tìm tòi từ lâu.

- Thứ hai, mở mang mindset về kinh doanh và đầu tư

“Khi đến thành phố mới, mình ở lại ít nhất 1 tuần. Nhờ đó, mình học được thêm cách họ làm kinh doanh, người dân sinh sống thế nào và hành vi của họ ra sao. Đồng thời, mình phát hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, rất hay, gọn và hoạt động hiệu quả. Lấy ví dụ ở Huế, mình rất nể cách người dân nơi đây làm trong mảng dịch vụ và du lịch. Đồ ăn tươi ngon nhưng giá trẻ, trong khi ở khâu service, họ coi khách hàng là thượng đế.

Những kiến thức và trải nghiệm trong suốt chuyến đi sẽ giúp mình nhiều hơn nếu sau này có cơ hội đầu quân vào tập đoàn lớn, hoặc tự phát triển mô hình kinh doanh riêng", Thành Thiện nhận định.

Bên cạnh đó, thời gian 1 năm thất nghiệp qua cũng giúp anh nghiên cứu và thực hành sâu hơn về đầu tư chứng khoán. “Nói là đi du lịch vậy thôi, nhưng thực ra mỗi ngày mình đều mở bảng điện để soi về chứng khoán và một vài kênh đầu tư liên quan khác", anh chia sẻ thêm.

Chuyên viên tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tự nghỉ việc giữa bão sa thải: Chuẩn bị thế nào để một năm nghỉ ngơi không mang áp lực tài chính? - Ảnh 3.

Hiện tại, Thành Thiện vẫn chưa vội đi tìm công việc mới

Tiền đâu để thất nghiệp chủ động?

Trong khoảng một năm qua, Thành Thiện vẫn có nguồn thu nhập từ công việc freelancer và đầu tư. Ngoài ra, Thành Thiện còn đang chi tiêu bằng quỹ Rainy Days. Đây là một khoản được xây dựng từ cách đây 3 năm và nằm trong quỹ tiết kiệm - dự phòng - đầu tư của anh chàng.

Thành Thiện chia sẻ: “Quỹ tiết kiệm - dự phòng - đầu tư của mình được xây dựng từ 5 khoản, tạo nên từ thu nhập hàng tháng và tiền đầu tư sinh lời. Khoản 1 là tiền tiết kiệm, tương ứng 20% thu nhập. Khoản 2 là tiền dự phòng hay quỹ Rainy Days, tương ứng 10% thu nhập. Khoản 3 là quỹ đầu tư, tương ứng 8-10% thu nhập. Khoản 4 là tiền đi du lịch (và cũng là sở thích cá nhân), được mình trích 5% từ thu nhập.

Cuối cùng là một khoản đầu tư, được sinh lời từ khoản tiền rất nhỏ thôi. Từ cách đây 2 năm, mỗi tháng mình đưa 500 ngàn - 1 triệu đồng để nhờ mẹ giữ hộ hoặc mang đi đầu tư. Đến khi thất nghiệp, số tiền nhận lại cũng khiến mình bất ngờ vì giá trị của chúng đã tăng lên".

Thành Thiện nhấn mạnh thêm, trước khi thất nghiệp, anh đã nỗ lực chuẩn bị trước tài chính, ít nhất là trong vòng 1 năm tới để nếu không đi làm thì cũng vẫn sống thoải mái. Bởi anh không muốn rơi vào vòng luẩn quẩn, nghỉ việc để chữa lành nhưng sau đó lại càng gặp nhiều căng thẳng vì hết tiền, trong khi bản thân còn chưa tìm được công việc phù hợp.

Với những người trẻ dự định nghỉ việc, Thành Thiện gửi gắm lời khuyên từ trải nghiệm cá nhân của mình: “Thứ nhất, bạn cần hiểu rõ mục tiêu sau khi nghỉ việc và con đường sắp tới. Thứ hai, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng tài chính, để vừa có thể nghỉ ngơi mà không gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Ngoài ra, sau khi nghỉ việc, mình nhận ra với bản thân và nhiều người trẻ khác sau tuổi 25, sức khỏe là thứ rất quan trọng. Tiền thì bạn có thể kiếm suốt đời, nhưng sức khỏe của mình thì từ 25 tuổi sẽ đi xuống. Một ngày bạn có thể phát hiện mình lòi ra những căn bệnh không thể tưởng tượng được. Chẳng hạn mình từng đi cấp cứu, bị chứng mất ngủ, hạ canxi hay gan nhiễm mỡ,... Và sức khỏe ở đây, với mình không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần.

Bên cạnh đó, career break (khoảng nghỉ sự nghiệp) là một điều bình thường. Chúng có thể trở thành bước đệm cho con đường sắp tới, chứ không phải là cú trượt dài. Thậm chí career break còn rất cần thiết nếu bạn cần đi chậm lại, để hiểu rõ bản thân hơn. Đó là lý do mà mình chọn nghỉ việc, dành gần 1 năm để phát triển bản thân, kết nối sâu hơn về bên trong và đi tìm câu trả lời cho chặng đường sắp tới".