“Tôi đang xem xét xem liệu có nên bán đứa bé này đi hay không, khoảng 50/50”, Lucia vừa nói vừa chỉ vào chiếc bụng bầu đang ngày một sưng to của mình. Cô dự sinh trong vòng 2 tháng tới.
“Phụ nữ Philippines không cần phải lo liệu có ai đồng ý mua con mình hay không. Chỉ cần tôi muốn bán, chắc chắn sẽ có một cặp nào đó sẵn sàng mua con tôi và chờ đợi mong ngày đứa trẻ chào đời” - Lucia cho biết đây là thực tế những người dân ở Tondo, khu ổ chuột lớn nhất thành phố Manila.
Một khi số phận của đứa trẻ được định đoạt, người mua sẽ đến gặp Lucia ngay tại bệnh viện ngay cô lâm bồn. Và rồi họ sẽ rời đi cùng với đứa trẻ vừa mới lọt lòng mẹ. Lucia hiện đã là mẹ của 5 đứa con. Đây sẽ là đứa con thứ 2 cô đem đi bán.
Câu chuyện của Lucia cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người phụ nữ khác sống ở Tondo, nơi hoạt động buôn bán trẻ em diễn ra vô cùng mạnh mẽ.
Trên khắp châu Á, có đến hàng trăm nghìn đứa trẻ được bán đi với giá rẻ bèo chỉ 6 đô la (gần 140 nghìn đồng). Tại Philippines, em bé được đăng bán rộng khắp trên các trang mạng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram…, trong bệnh viện công hoặc tại các khu ổ chuột với tỉ lệ lên đến 6/10 phụ nữ từng bán con hoặc quen biết các bà mẹ chấp nhận bán con. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh nghèo khó, dưới đáy xã hội.
Văn hóa Philippines luôn khuyến khích các gia đình sinh nhiều con và việc buôn bán những đứa trẻ bị kỳ thị sâu sắc. Đạo giáo và luật pháp nước này cũng ủng hộ những đứa trẻ khi chúng còn chưa chào đời. Phá thai vẫn được xem là bất hợp pháp. Dù vậy, ở Philippines mỗi năm đều có khoảng 1000 phụ nữ qua đời do phá thai bất hợp pháp và sử dụng các loại thuốc phòng ngừa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hệ thống nhận nuôi ở Philippines hoạt động một cách quan liêu khiến các bà mẹ nghèo khó cảm thấy bất công. Họ bị đồn bản thân bị nghiện khiến con cái cũng trở thành con nghiện nên chẳng ai dám nhận nuôi những đứa trẻ ở khu ổ chuột. Thêm vào đó, quá trình nhận nuôi khá phức tạp và mất nhiều thời gian, có thể là vài năm.
Chính vì lẽ đó nên những người phụ nữ nghèo khó không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bán con bất hợp pháp. Các khu ổ chuột ở Manila thường có diện tích rộng lớn và thiếu ổn định về mặt dân số. Điều này giúp ích cho các gia đình quyết định bán con có thể ngụy tạo bằng một sự cố mất tích và những đứa trẻ ấy sẽ không bao giờ được tìm thấy một lần nào nữa.
Bác sĩ bên trong bệnh viện phụ sản ở Manila thường xuyên móc nối với các công ty thu mua trẻ em. Đây là ngành công nghiệp hiện đang vô cùng bùng nổ và người hưởng lợi nhiều nhất chính là các công ty đứng giữa và bác sĩ. Sự thiếu hụt về an ninh và camera an ninh khiến những giao dịch này càng khó phát hiện.
“Chúng tôi rất kín đáo và chỉ trao đổi qua tin nhắn. Chúng tôi không cần biết danh tính của nhau, đó được xem như một bí mật mở” - Lynn, một người mua trẻ em, hành nghề ở Navotas. Nhiều người tin rằng chính phủ Philippines cũng cho qua mọi chuyện, vì “họ biết rằng trong xã hội chúng tôi, chuyện này là bình thường. Nếu họ có nghe, có thấy được thì họ cũng sẽ tự động im lặng, không hé môi với bất kỳ ai”.
Đứa con đầu tiên được Lucia bán với giá 193 đô la (gần 4,5 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) vào tháng 5/2018. Cô nhận được một nửa số tiền đó và số còn lại phải chia cho “cò” giúp cô tìm được người mua, và cặp đôi “nhận nuôi” đứa trẻ.
“Tôi sinh non con trai ngay trên đường ở Tondo, khi mới mang bầu được 8 tháng và thằng bé lúc đó vô cùng nhỏ nhắn. Tôi đi cấp cứu ở bệnh viện và nằm đó suốt 13 ngày” - Lucia nói.
Đứa trẻ vừa chào đời đã gặp vấn đề tim mạch và bác sĩ khuyên Lucia hãy từ bỏ đứa trẻ nếu như cô không thể lo liệu tiền viện phí và thuốc men. Khi đó, Lucia đứng giữa 2 sự lựa chọn: cho con đi nhận nuôi và giúp nó có được cuộc sống tốt hơn hoặc là giữ thằng bé bên mình rồi nhìn nó chết dần chết mòn. 1 năm trước, Lucia đã mất 1 đứa con vì bệnh viêm phế quản cấp tính.
Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa ra cho Lucia một lựa chọn khác là bán con trai cho ông ấy. Cô từ chối lời đề nghị và mượn tiền một người bạn để trả viện phí. Khi con trai được 3 tháng tuổi, Lucia đến cầu cứu Mercy, hàng xóm và cũng là người thường đi mua bán trẻ con. Mercy đã giúp Lucia liên hệ với 1 cặp đôi ở Palawan để nhận nuôi con trai của cô vì họ bị vô sinh.
Thỉnh thoảng, những người mua sẽ từ chối “nhận nuôi” nếu đứa trẻ không có diện mạo giống như họ mong muốn. Theo lời Lynn, rất nhiều người phụ nữ muốn bán con đã chấp nhận quan hệ tình dục với đàn ông ngoại quốc để sinh ra những đứa trẻ mắt xanh, dễ bán và cao giá hơn, đôi khi lên đến 1938 đô la (gần 45 triệu đồng).
“Thông thường một người phụ nữ mang thai 3 tháng sẽ nảy ra ý định phá thai nhưng tôi luôn cổ vũ họ sinh con ra để đem đi bán. Tôi chỉ muốn giúp đỡ những đứa trẻ tìm được một môi trường sống tốt hơn mà thôi” - Mercy nói. Nếu như không có giấy khai sinh, đứa bé chỉ có thể bán được với giá 7 đô la (khoảng 162 nghìn đồng).
Hình ảnh của con Lucia sẽ được chụp và gửi đến cho người mua. Trong khi đó, mọi giấy tờ bao gồm giấy đồng bán từ bỏ quyền nuôi dưỡng con cái và người mẹ hoàn toàn ý thức được việc làm của mình sẽ được chuẩn bị. Khi đó, Lucia phải ký vào mọi thể loại giấy tờ ngay lập tức. 8 ngày sau, Lucia mang con đến địa điểm đã được hẹn trước để gặp “cò”.
“Cảm giác như tôi đang đi qua cổng địa ngục vậy. Con gào khóc dữ dội khiến tôi cũng khóc theo. Lúc đó, tôi không đủ tỉnh táo để suy nghĩ gì cả, trái tim thì nặng trĩu. Dù rằng rất đau lòng nhưng tôi biết mình đang làm điều tốt nhất cho con” - Lucia kể lại.
Cô đưa giấy tờ bệnh viện, khai sinh và đứa con cho người mua trung gian. 3 ngày sau, đứa trẻ được đưa đến đảo Palawan để gặp được bố mẹ và tổ ấm mới. Lucia nhận được tiền ngay sau đó và giao dịch hoàn tất.
Vào tháng 9 vừa qua, 1 người phụ nữ Mỹ đã bị bắt khi đưa 1 bé trai 6 tuổi rời khỏi Philippines và bị buộc tội buôn người. Người này đưa ra toàn bộ giấy tờ chứng thực mình có quyền nuôi dưỡng đứa trẻ nhưng tất cả lại không có chữ ký của mẹ ruột bé. Cuối cùng, bố mẹ đứa trẻ bị buộc tội vi phạm luật bảo vệ trẻ em và bé trai ấy được giao lại cho dịch vụ xã hội chăm sóc.
Dù rất phát triển nhưng ngành công nghiệp này vẫn tồn tại góc tối, trả giá bằng chính sự an toàn và mạng sống của những đứa trẻ. Đó là nội dung khiêu dâm của trẻ em và đặc biệt là dịch vụ livestream khai thác tình dục trẻ em ngày càng phổ biến. Lẽ tất nhiên, Philippines trở thành nguồn cung cấp các thể loại nội dung đồi trụy cho ngành công nghiệp tỷ đô này.
Khi không được “nhận nuôi”, những đứa trẻ có thể bị đưa vào trại trẻ mồ côi bất hợp pháp và dính líu đến hoạt động buôn bán tình dục. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Philippines nhận được ít nhất 3000 báo cáo mỗi tháng từ các quốc gia khác về việc trẻ em nước này bị khai thác tình dục trực tuyến.
Đứa con thứ 2 của Lucia chào đời vào ngày 13/1/2019 tại 1 bệnh viện ở Tondo. Thời điểm đó có 2 người mua trung gian chực chờ trước cửa bệnh viện vì 1 trong số đó vừa mất đi giao dịch vì đứa trẻ bị chết lưu. Chồng của Lucia không có mặt ở đó. 2 tuần trước, anh ta đã bị cảnh sát bắt ngồi tù vì tàng trữ súng.
Sau khi chồng bị bắt, Lucia chuyển nhà vì sợ liên lụy. Từ sau đó, họ không còn liên lạc với nhau nữa và chồng Lucia đã có người khác.
Đêm đến, Lucia ra ngoài để nhặt vụn phế liệu đem đi bán. Số tiền kiếm được không thể trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình và dần dần cô lâm vào cảnh nợ nần. Và tất nhiên, rất nhiều phụ nữ ở khu ổ chuột Tondo có hoàn cảnh hệt như Lucia.
Với đứa trẻ thứ 2, Lucia bán với giá 388 đô la (hơn 9 triệu đồng) và người mua phải chịu trách nhiệm chi trả viện phí. Nếu như họ muốn cho thêm tiền, Lucia sẵn sàng nhận bởi vì cô vẫn còn phải nuôi những đứa con khác.
Đã có rất nhiều người đến hỏi mua con gái của Lucia nhưng tất cả bọn họ đều không đạt được thỏa thuận với bà mẹ 5 con. Hiện tại, đứa trẻ đã được 10 tháng tuổi và đang phải vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu kém. Em gặp nhiều khó khăn trong việc thở.
Mercy tìm được 1 cặp đôi đồng ý trả 97 đô la (hơn 2,2 triệu đồng) nhưng Lucia từ chối. Cô muốn tìm được khách nước ngoài nhận nuôi để bán được giá hơn, đồng thời có cơ hội tái ngộ đứa trẻ trong tương lai.
“Tôi không muốn sinh con nữa. Thỉnh thoảng một vài người nói họ nhìn thấy thằng bé (con trai đầu tiên mà Lucia bán đi) trên Facebook nhưng tôi không biết. Khi tôi nhìn thấy ảnh con trai, tôi tự hỏi không biết có nên tìm lại thằng bé hay không” - Lucia nói.
“Đó là cái giá mà cô ấy phải dành cả đời để trả. Cô ấy sẽ bị cắn rứt lương tâm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay” - Mercy nói.
Dù Lucia có muốn biết con mình ở đâu thì cũng không ai có thể trả lời được cho cô ấy.