Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 14/02/2021

30 năm qua, ông Được "Đen", 75 tuổi - thủ lĩnh xóm liều bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội không nhớ nổi đã "tranh cơm với Hà Bá", vớt được bao nhiêu xác người chết. Ông còn che chở cho lũ trẻ "vô danh", giúp chúng được khai sinh và đến trường. Ông còn mở thêm thư viện và sân chơi cho chúng.

Người đời vẫn thường gọi ông Nguyễn Đăng Được, 75 tuổi, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội là "kẻ cướp miếng cơm của Hà Bá", còn ông đơn giản tự gọi mình là "thằng Được Đen".

Ông Được quê gốc Huế, trải qua bao thăng trầm biến cố, số phận lênh đênh, không ngờ bến đỗ cuộc đời ông là bãi giữa sông Hồng. Xóm phao, xóm liều hay xóm "ngụ cư", được dựng lên bởi một trong những người đầu tiên tìm đến "khai hoang", chính là ông Được.

Gần 30 năm gắn bó với người dân xóm chài, cuộc sống của 35 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu, đến từ nhiều tỉnh thành, dần ổn định và nề nếp hơn. Nguồn kinh tế chủ yếu của họ dựa vào trồng trọt, chăn nuôi hoặc chài lưới. Để kiếm thêm thu nhập, họ vẫn thường đi nhặt rác hoặc bốc vác thuê ở chợ Long Biên.

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Được, người dân dưới bãi sông Hồng vẫn thường gọi ông là lão Được "Đen"

Chuyện "kẻ cướp cơm Hà Bá" giúp những đứa trẻ xóm liều "vô danh" được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi dưới bãi sông Hồng (Thực hiện: Minh Nhân)

Sự tích cái tên "kẻ cướp miếng cơm của Hà Bá"

Cách đây 30 năm, một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng, không may một em tụt xuống hố cát rồi bị dòng nước cuốn trôi. Ròng rã cả ngày trời, gia đình nạn nhân thuê người ngụp lặn khắp sông nhưng không tìm thấy thi thể cậu bé.

Ông Được khi đó chèo thuyền xung quanh vị trí nạn nhân gặp nạn, bất ngờ phát hiện... đầu người nhô lên khỏi mặt nước. Cảm giác lạnh toát, đặc biệt mùi thi thể khiến ông ớn lạnh. "Ai yếu bóng vía có thể bị ám ảnh, sợ hãi", ông nhớ lại.

Người "hiệp sĩ" lấy hết can đảm, tiến gần và vớt cậu bé vào bờ. Cũng từ đó, vớt xác người chết như một cái "nghiệp" gắn với cuộc đời ông. Người ta bắt đầu gọi ông là "kẻ cướp miếng cơm của Hà Bá".

Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra. Họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá. Riêng ông Được, mỗi lần vớt được xác người, ông lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chưa bao giờ có ý định "bỏ mặc" nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 3.

Ông Được có mảnh đất rộng dùng để canh tác, nhưng ông đã "cắt" một phần xây thư viện và khu vui chơi cho lũ trẻ xóm liều

Hơn 30 năm qua, ông Được đã tự tay vớt và chôn cất hàng trăm xác chết trôi dạt vào bãi giữa sông Hồng. Ông cũng cứu sống những người nhảy cầu Chương Dương hoặc cầu Long Biên khi họ bế tắc quyên sinh, tìm đến cái chết, rồi cho họ nương tựa qua những tháng ngày khó khăn sau đó.

Theo ông Được, vớt xác người chết ngoài cái "duyên", còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt, tránh bị Hà Bá mang đi. Việc quan sát dòng nước chảy, xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên xuống rất quan trọng để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi, phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn nếu nạn nhân là đàn ông thì sẽ nằm úp.

Những xác chết trên người có giấy tờ tùy thân, ông tìm cách liên hệ để người nhà đến nhận lại, đưa về làm đám tang. Còn những người xấu số vô thừa nhận, ông đem chôn cất, hương khói. Nhiều năm trước, nghĩa trang bãi giữa đã chôn đến 40-50 người nhưng do đất lở, lũ tạt nên không còn nữa.

Tự nhận mình là người thần kinh thép và quen với cảnh chết chóc nhưng không ít lần, ông Được phải uống vài chén rượu để lấy dũng khí trước khi bắt đầu "công việc". Có người trả ơn hàng chục triệu đồng, nhưng ông không nhận.

"Tôi làm theo lương tâm, không xem đây là công việc, bởi chẳng ai kiếm tiền trên thân xác những người đã chết", ông nói. Bất kể khi nào có người báo tin, kể cả nửa đêm, ông Được vẫn xông xáo giúp đỡ nhiệt tình dù mưa gió, giá rét.

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 4.

Khung cảnh ngập nặng tuyệt đẹp của khu vui chơi

Nơi đây đa dạng về các trò chơi và rộng rãi về không gian trải nghiệm

Giúp những đứa trẻ "vô danh" có giấy khai sinh, mở thư viện và sân chơi dưới bãi sông Hồng

Các gia đình dưới xóm liều hầu hết đều sống trong kiếp người "vô danh", có những người đã sống ở đây 2-3 thế hệ. Những đứa trẻ không được đến trường do không có giấy khai sinh. Kinh tế khó khăn, chúng lớn lên tiếp tục vòng tuần hoàn nghèo đói của bố mẹ.

"Không biết chữ, nghĩa là chúng sẽ không có tương lai", ông Được nói, rồi quyết định để dành một phần mảnh đất thuê mướn vốn làm nông nghiệp, để dựng lán, nhặt thêm vài chiếc ghế nhựa từ bãi phế liệu, mở lớp học xoá mù chữ cho lũ trẻ xóm liều.

Trong căn lán nhỏ, ánh đèn leo lét, tiếng ê a của lũ trẻ văng vẳng mỗi cuối tuần. Ông Được tích tiền, mở thêm một thư viện sách miễn phí cho chúng. Mỗi lúc rảnh, ông tranh thủ đi thu gom sách truyện cũ, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/cân, hoặc ai có thì xin. Từ một vài cuốn sách dần dần lên tới cả trăm cuốn, được xếp ngay ngắn, gọn gàng và phân loại thành nhiều nhóm khác nhau với dòng ghi chú cẩn thận: sách lịch sử, truyện tranh, sách khoa học, tập vở...

Riêng những cuốn các cháu đã đọc hết, ông Được gom lại rồi gửi lên vùng cao cho trẻ em, rồi lại đi thu gom, nhặt nhạnh sách mới. "Cũ người mới ta, chẳng vứt đi đâu", ông nói.

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 6.

Thư viện sách "đồ sộ" ông Được dành cả tâm huyết cho lũ trẻ xóm liều

Ông chăm chút từng cuốn sách, như cách 30 năm qua ông thương yêu người dân và lũ trẻ xóm liều

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 8.

Không gian phòng đọc sách

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 9.

Ông Được viết tấm bảng nhỏ "đọc xong, để lại chỗ cũ" để hướng dẫn các em nhỏ

Trăn trở về cuộc đời của lũ trẻ, người "thủ lĩnh" xóm liều quyết tâm giúp chúng thoát kiếp "vô danh", để được đến trường và hoà nhập với cộng đồng. Ông chở che và ôm lũ nhỏ gõ cửa từng phòng ban. Được sự hỗ trợ của chính quyền phường Ngọc Thuỵ, những đứa trẻ dần được công nhận và cầm trên tay tấm giấy khai sinh.

Ngày chúng được đến trường, lớp học xoá mù chữ của ông Được cũng đóng cửa. Riêng thư viện miễn phí vẫn duy trì đến tận ngày nay.

Bên cạnh thư viện sách, ông lão 75 tuổi với nước da ngăm đen còn tự mở một sân chơi phiêu lưu cho trẻ nhỏ, đưa trẻ về với thiên nhiên giữa lòng thành phố chật hẹp. Ông cắt thêm một phần đất trồng trọt, san phẳng rồi dựng rào, tận dụng lốp xe,... chế tạo một sân chơi đa dạng, từ cầu tuột, xích đu hay lớp mộc, vẽ, trồng cây,...

Hễ ai bỏ đi vật dụng gì, ông lại xin về vì muốn trẻ nhỏ có thêm khu vui chơi "chứ lên phố lại tốn tiền, mà gia đình ở đây làm gì có". Lo sợ trẻ nhỏ có thể bị ngã, xây xát trong quá trình chơi, ông còn chuẩn bị thêm hộp thuốc, bông băng để sơ cứu mỗi khi cần.

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 10.

Sân chơi phiêu lưu bãi giữa sông Hồng của người "thủ lĩnh"

Trẻ em thỏa mãn hòa mình vào thiên nhiên và các trò chơi dân gian

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 12.

Lũ nhỏ có thể tập vẽ tranh, chơi đồ mộc

Để duy trì thư viện và sân chơi, ông Được kêu gọi đóng góp đồ cũ như nồi, niêu, xoong, chảo, gỗ vụn,...

Mỗi năm ông Được mất hơn chục triệu đồng tiền thuê đất làm nông nhưng chẳng ngần ngại trích hẳn một phần đất để không cho trẻ em chơi miễn phí. Nhiều người nghĩ ông gàn dở, khùng điên, "rảnh quá mới nghĩ ra việc". Nhưng ông bỏ ngoài tai, vì "tôi yêu trẻ con, tôi thích thì làm".

Đáp lại tình cảm của ông Được, lũ trẻ xem ông như người thân. Có món ăn ngon, bát canh chua, lại mang tới biếu ông.

"Ngày trước một đứa con của tôi từng chết đuối ngoài sông, tôi không muốn các cháu nhỏ vì không có chỗ chơi cũng bị như vậy, nên có bỏ một phần đất hay bỏ hết tôi cũng cam lòng. Mình già rồi, làm đủ ăn thôi, tiền nhiều cũng chẳng được gì", ông nói.

Mỗi sáng lão ông thường dậy sớm, đạp xe tập thể dục vài vòng quanh bãi nâng cao sức khỏe rồi mở cửa khu vui chơi đến tối muộn mới đóng để trẻ em có thể ra vào tự do. Ngoài việc làm nông, canh tác cây trồng, cứ rảnh ông lại chạy ra khu vui chơi để cải tạo thêm. Nay trồng thêm vài luống hoa mới, mai lại chế tạo thêm đồ chơi hoặc sửa chữa những đồ dùng bị hỏng khiến ông bận tối ngày.

"Giờ bọn nhỏ đi học nên chỉ cuối tuần mới đông, ngày thường ít lắm. Ngày nào có tiếng bọn nhỏ thì vui, chúng cứ tíu tít suốt, nhưng nếu không có lại buồn, nhìn khu sân chơi chẳng có người chán lắm", ông cười.

Các em nhỏ được bố mẹ, thầy cô, đưa đến sân chơi phiêu lưu của ông Được vào những ngày cuối tuần (Ảnh: NVCC)

Sân chơi phiêu lưu này không chỉ dành cho những đứa trẻ hoàn cảnh dưới xóm liều, mà ông Được đón chào tất cả trẻ em trên khắp cả nước cùng trải nghiệm. Ông làm tất cả không mưu cầu đền đáp cũng chẳng cần ai ghi nhận. Không ồn ào, cũng chẳng màu mè hoa mỹ. Ở tuổi 75, hàng ngày vẫn bới đất vặt cỏ nhưng ông luôn thấy vui và yêu công việc mình làm. Ông nói nếu bây giờ chỉ ngồi một chỗ và xem ti vi thì "chóng chết", được vận động mỗi ngày giúp ông sống thọ, năm nay hơn 70 tuổi nhưng "gánh 50-60 cân vẫn bình thường".

"Tôi còn sống là còn phải duy trì, làm đến khi nào chân đứng không vững, mắt mờ, tay run thì mới buông", lão nông cười.

Ông Lê Đăng Lễ, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: "Mô hình thư viện miễn phí của ông Nguyễn Đăng Được rất có ý nghĩa tới cộng đồng. Việc xây dựng thư viện này đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục, mở mang tri thức, lan tỏa, xây dựng thói quen đọc sách cho các em nhỏ".

Chuyện “thủ lĩnh xóm liều” giúp những đứa trẻ vô danh được đến trường, mở thư viện sách và sân chơi phiêu lưu miễn phí dưới bãi sông Hồng - Ảnh 15.

Ông Được "Đen" - lão nông 75 tuổi với tấm lòng chất phác và giàu tình thương!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày