Cả làng cùng "chạy" hàng chục km để làm dây thừng
Nằm cách trung tâm Sài Gòn gần 20km, "làng dây thừng" được hình thành từ 20 năm nay trên một bãi đất trống ở khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. HCM). Khu đất rộng thênh thang với dây rợ nối dài hoặc đan xen ngang dọc, ngày ngày vẫn phát ra tiếng máy rì rì đặc trưng từ máy se dây. Có thể nói, đây là xóm "chạy dây" duy nhất còn tồn tại ở Sài Gòn đến ngày hôm nay...
Những khu đất trống thuộc khu Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) từ lâu đã trở thành "đường chạy" của những người dân làm nghề "chạy" dây. Đa phần những người làm nghề này từ dưới miền Tây lên Sài Gòn để kiếm sống.
Cánh đồng dây lớn nhỏ được giăng dày đặc, dài gần 300m.
Rời vùng miệt vườn Tây Nam Bộ rồi dắt díu lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, người miền Tây chọn đủ ngành nghề để kiếm sống và tụ tập thành từng khu vực riêng rồi hình thành làng nghề truyền thống, làng chạy dây cũng từ đó mà phát triển.
Dù "đóng quân" trên một khu đất bỏ hoang nhưng những người đến đây phải thuê mỗi lô đất rộng gần 4m, dài hơn 270 mét với giá 750.000 đồng/tháng. Để làm ra được một sợi dây thừng thì người thợ phải kéo dây chạy xa 270 mét, luồn qua những cọc gỗ để tách các dây không bị rối nhau, sau đó quay trở lại chiếc máy quấn dây. Một lượt chạy hơn nửa cây số.
Để sản xuất ra một sợi dây thừng, người thợ phải chạy nhiều lượt, mỗi lượt có khi hơn 500 mét.
Chiếc máy căng dây nằm ở cuối đường chạy dây, khi dây quấn thì độ dài sẽ co lại, máy sẽ di chuyển theo độ dài của dây.
Mùa hè Sài Gòn, việc đứng dưới trời nắng đã là một điều không dễ dàng chút nào, vậy mà họ - những "vận động viên chạy dây" ngày nào cũng phải chạy từ 15-20km để làm ra những sợi dây thừng thành phẩm và bán lại với giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg dây. Dân trong làng đùa với nhau rằng, khi nào máy se còn phát ra tiếng, người dân còn chạy, thì họ vẫn còn kiếm được miếng cơm để ăn qua ngày.
Trời càng nắng thì người chạy dây càng mau mệt hơn, nhưng ngược lại sẽ cho ra những bó dây bền chắc hơn, bán được giá hơn. Đàn ông, phụ nữ ai cũng khăn trùm mũ kín để se dây, chạy dây dưới nắng nóng nhưng tinh thần mọi người đều hăng hái hơn những ngày mưa - những ngày mà họ biết rằng sẽ không thể chạy được một mét dây nào cho gia đình.
Làm việc cả ngày dưới cái nóng oi bức của Sài Gòn nhưng người dân nơi đây đều rất hứng khởi. Làng chạy dây không sợ nắng mà chỉ lo mưa.
Mỗi khi máy chạy, tiếng ro ro vang cả cánh đồng, những bó dây sẽ tạo thành những "con sóng" uốn lượn trông rất thú vị.
20 năm kẻ ở người đi
Từ lúc làng nghề hình thành nhộn nhịp, trải qua hơn 20 năm, số hộ còn ở lại gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ bảo, nghề này bấp bênh, không chỉ phụ thuộc vào thời tiết may rủi mà còn trông vào người chủ giao dây tơ. Họ giao nhiều, thợ "chạy" được nhiều dây, thì họ còn ở lại. Nếu không ai giao việc, tự khắc từng người phải đổi nghề hoặc đi kiếm trại của chủ khác để làm.
Những người chạy dây này tuổi nghề đều trên chục năm, có người gần 20 năm như vợ chồng ông Nguyễn Văn A và bà Thủy.
Ông Nguyễn Văn A, năm nay đã 61 tuổi.
"Nhờ cái nghề này mà vợ chồng tui nuôi con khôn lớn, 2 đứa đều có gia đình, công việc hết cả rồi" – Ông A chia sẻ.
Bà Thủy - nay đã ngoài 60 nhưng vẫn khoẻ mạnh như một vận động viên điền kinh, ngày nào cũng chạy hơn 20km.
Dù đã ngoài 60, hai vợ chồng vẫn tay nhanh thoăn thoắt, buộc dây, cắt dây, đứng máy, chạy dây… Hơn 20 năm qua, ông A và bà Thủy chia nhau ra mà làm, người này chạy thì người kia đứng máy, không ai bảo ai câu nào, đã từ lâu họ đã hiểu công việc của mình là phải hết sức thì người còn lại sẽ đỡ vất vả hơn. Vợ chồng cùng nhau chạy dây với đích đến cuối cùng là để cho con cái có điều kiện được ăn học thành tài.
Sau khi quấn xong dây sẽ được cắt đi và lặp lại công đoạn.
Những sợi dây đã thành phẩm sẽ được bó lại, dồn vào một góc nhà chờ đến cuối ngày nhân viên các xưởng sẽ đến thu, trung bình mỗi ngày các hộ dân kiếm được 400.000 đồng.
"Mai mốt vợ chồng tui già, không làm nổi nữa thì chỉ còn cách nghỉ, con cái nó đâu có chịu theo nghề này, đến thanh niên chạy được 2-3 ngày thì nghỉ vì chịu không nổi mà" – Ông A cho hay.
Theo ông, nghề này chẳng thuê mướn ai được vì rất cực, phải đội nắng cả ngày và chạy nhiều. Cả khu đất trống ngày trước có gần 20 hộ làm nghề chạy dây, mà nay chỉ còn vỏn vẹn 7 hộ với 14 lô đất để chạy...