Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia

Bảo Sam, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/08/2018
Chia sẻ

Từ bến tàu tham quan, xuôi dòng Biển Hồ khoảng 20 phút, đoàn chúng tôi có mặt tại điểm trường dành cho trẻ em nghèo sinh sống tại đây.

Tonle Sap hay theo cách gọi của người Việt là Biển Hồ, thuộc địa phận tỉnh Siem Reap, cách trung tâm khoảng 25 km và mất khoảng 30 phút di chuyển bằng ô tô. Thêm 20 phút ngồi tàu, chúng tôi có mặt tại điểm trường đặc biệt.

Chuyến thăm trường học hoàn toàn nằm ngoài lịch trình đã ấn định. Lênh đênh trên Biển Hồ, thả trôi suy nghĩ theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên người bản xứ, chúng tôi được biết có một lớp học hoàn toàn miễn phí cho những em nhỏ nơi đây - trong đó có nhiều con em của kiều bào người Việt.

Đoạn sông dẫn tới trường học nổi bị bao phủ dày đặc bởi những cây lục bình - hình ảnh quen thuộc gợi nhắc đến vùng sông nước miền Tây Nam Việt Nam. Đang là giờ ra chơi nên hầu hết học sinh từ các lớp học tràn ra phía mạn tàu chạy nhảy, nô đùa. Đám trẻ nhìn đoàn khách lạ vừa bỡ ngỡ, tò mò nhưng không giấu nổi vẻ thích thú.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 1.

Đường tới điểm trường cho trẻ em nghèo Biển Hồ.

Đón tiếp chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Minh Luân (32 tuổi). Thầy cho biết hiệu trưởng của trường, thầy Nguyễn Văn Tư (81 tuổi) hiện đang về Việt Nam lấy thuốc chữa bệnh vì căn bệnh tai biến từ ba năm nay.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 2.

Nhà bè đầu tiên được sử dụng làm phòng hội đồng của trường.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 3.

Bên trong phòng hội đồng.

Hiện tại, sĩ số của trường là 265 em (sĩ số của năm học trước là 314 em). Học sinh của trường đều được miễn học phí và nuôi ăn 3 bữa mỗi ngày. Thầy Luân cho biết: "Hàng ngày, nhà trường đều có xuồng đưa rước các em đi học và về nhà. Một số em khác thì tự bơi đến trường". 

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của đoàn khách, thầy nói vui: "Trường học cũng ra điều kiện là chỉ nhận những em nào biết bơi, vì mùa nước nổi, nước hồ dâng lên cao lắm!".

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 4.

Bên ngoài bếp ăn của nhà trường.

Vì điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực có hạn, các lớp học vẫn theo hình thức học ghép: Một giáo viên quản lý hai lớp học có trình độ sát nhau (lớp 1-2, lớp 3-4 và lớp 4-5). Thầy Luân cho biết: "Những lớp học ở đây chỉ giúp xóa mù chữ cho các em thôi, chứ muốn học cao hơn thì không có lớp".

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 5.

Các lớp học hoàn toàn đơn sơ với bàn ghế cũ đóng thủ công.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 6.

Nền lớp học còn là nơi tích trữ củi đốt.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 7.

Kệ đựng đồ được đóng ngay gần cửa ra vào lớp học.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 8.

Bục giảng và bàn giáo viên.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 9.

Thời khóa biểu lớp 1.

Nói về sự thành lập của nhà trường, thầy Luân cho biết, bắt đầu từ năm 1993, dưới sự giúp đỡ của đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các nhà hảo tâm, thầy Trần Văn Tư đã rời quê hương Tây Ninh đến Biển Hồ mở trường nuôi dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. Sau này Quân khu 7 của Quân đội Việt Nam tài trợ cho nhà trường thêm 2 nhà bè. Hiện tại, sau khi sửa sang, hoàn thiện, trường có tổng cộng 05 phòng học.

Các em nhỏ đa số xuất thân từ những gia đình ngụ tại Biển Hồ, một số mồ côi. Hoàn cảnh khó khăn, trường học trên bờ lại ở quá xa nên không ai trong số các em được đi học, chỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Vì vậy, thầy Tư phải tới từng nhà vận động bố mẹ cho các em được đi học rồi lại loay hoay tìm nguồn tài trợ để có đủ tiền duy trì lớp học và nuôi ăn học sinh.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 10.

Tấm biển cũ kĩ thông báo hỗ trợ học liệu cho học sinh nghèo.

Thầy giáo Luân, khi nghe câu chuyện cảm động về trường học đặc biệt ở Biển Hồ cũng tình nguyện đến nơi này dạy cái chữ cho những học sinh nghèo.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 11.

Học sinh của trường đều là con em của những hộ dân sinh sống tại Biển Hồ, không có giấy tờ tùy thân, không quốc tịch.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 12.

Tập vở môn Mỹ thuật của một học sinh lớp 1.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 13.

Sách tiếng Campuchia. Ngoài môn tiếng Việt, học sinh cũng được học song song tiếng Campuchia.

Chùm ảnh: Lớp học của những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch ở Biển Hồ Campuchia - Ảnh 14.

Giờ học tiếng Campuchia.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Luân tâm sự: "Người dân sinh sống trên Biển Hồ do ít học nên suy nghĩ của họ về cuộc sống rất đơn giản. Nói ra thì nghe khó tin nhưng ở đây có chị 49 tuổi mà sanh những 25 đứa con, mỗi năm một đứa, với suy nghĩ rằng càng đẻ nhiều con thì càng có người đi xin tiền về cho, mà có ngờ đâu càng đẻ càng cực, không có tiền nuôi, rồi phải đem đi cho hết".

Phút thư giãn hiếm hoi trong giờ ra chơi của những học sinh Biển Hồ.

Chia tay thầy Luân và các em nhỏ tại ngôi trường đặc biệt, mang theo ấn tượng về tình cảm thầy trò gắn bó, về tình người ấm áp nhưng chúng tôi vẫn không khỏi day dứt với những câu hỏi chưa thể giải đáp.

Liệu rằng ngôi trường sẽ duy trì được bao lâu khi không có một nguồn thu đều đặn, mà chỉ trông chờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân? Liệu còn có thêm cơ hội cho những em nhỏ hiếu học tiếp tục đến lớp sau khi đã hoàn thành chương trình "xóa mù chữ" của nhà trường?

Tonle Sap hay Biển Hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.

Thường thì vào mùa khô từ Tháng 11 đến Tháng 5, hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1m với diện tích 10.000km². Vào mùa mưa bắt đầu từ Tháng 6, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước Biển Hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km².

Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9m, làm ngập đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến Tháng 10 thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.

Theo Hội Việt kiều Campuchia, trên Biển Hồ Campuchia hiện có trên 2.000 hộ dân gốc Việt đang sinh sống tại các làng nổi bên hồ. Những người này sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên Biển Hồ. Hầu hết bà con có nguyên quán thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang... Đời ông, cha theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con, đẻ cái sống lay lắt đến nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày