Chủ nhật vừa qua (24/03) không phải là một ngày tuyệt vời, với riêng Bùi Tiến Dũng. Phải thành thực, đó là màn trình diễn đáng quên và suýt chút nữa U23 Việt Nam đã phải trả giá đắt.
Dưới sự chứng kiến của hơn 2 vạn khán giả tại Mỹ Đình, trong trận đấu buộc phải thắng, Tiến Dũng như một người xa lạ. Thay vì trở thành chỗ dựa đáng tin cậy, cho phép các đồng đội an tâm tiến lên phía trước, anh lại mang đến sự lo lắng mỗi khi các cầu thủ Indonesia có bóng trước khung thành.
Phút 30, Dũng xử lý không tốt cú đá phạt của Indonesia. Cú đấm khiến bóng vút lên rồi rơi thẳng xuống… vị trí cũ, buộc anh vất vả để đấm nó ra xa một lần nữa. Phút 54, Indo phản công. Dũng thiếu quyết đoán giữa việc lao lên hay dừng lại, cuối cùng xoạc bóng để rồi đối thủ tiếp tục có cơ hội uy hiếp khung thành. Một cú sút được tung ra và Dũng không thể bắt dính. Bóng đi thẳng vào đầu gối anh và dội ra. Thật may là lần này Hồ Tấn Tài đã nhanh chân giải nguy, đưa nó khỏi khu vực nguy hiểm.
Tất cả vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Phút 60, nhận bóng trả về từ đồng đội, Tiến Dũng có đủ thời gian và không gian để chuyền cho Tấn Sinh bên cánh phải. Nhưng thay vì đó, anh lại đưa bóng đến chân Marinus Wanewar.
Điều kỳ lạ là, ngay sau sai lầm, thay vì sẵn sàng để sửa sai, Dũng lại khá thờ ơ. Hệ quả là anh không thể khống chế quả bóng, và mất thêm nhịp nữa để ôm gọn nó trong tay. Cũng cần biết với thủ môn, kỹ năng bắt dính rất quan trọng để vô hiệu hóa hoàn toàn đợt tấn công.
Một chuỗi những lúng túng và sai lầm, nhưng may mắn là nó không đưa tới hậu quả lớn. Đặt giả thiết nếu đối thủ không phải Indonesia, hoặc trước mặt Dũng là những chân sút thiện nghệ hơn, hẳn U23 Việt Nam đã thủng lưới. Và trong thế trận như hôm Chủ nhật, thật khó để đội quân của Park Hang-seo có thể lật ngược tình thế và rời sân với tư thế chiến thắng.
Vậy, điều gì đã xảy ra với Tiến Dũng, thủ môn trẻ đầy triển vọng và là người hùng trong chiến tích vĩ đại ở Thường Châu?
Điều dễ nhận thấy là thủ môn mới chuyển sang khoác áo Hà Nội FC đang có vấn đề về mặt tâm lý, đặc biệt là sự tự tin. Vì thiếu tự tin, anh dễ bị xao lãng và có những khoảnh khắc mất tập trung. Đồng thời, dẫn đến việc không thể đưa ra các quyết định chính xác tức thì. Chỉ cần nửa giây phân vân, hiểm họa đã ập đến. Và như vậy, Dũng không thể chơi dưới áp lực lớn.
Nhưng sự tự tin cũng không tự nhiên sinh ra. Để hình thành yếu tố này, thủ môn cần được ra sân nhiều. Như đã thấy, Tiến Dũng không trở thành người hùng ở VCK U23 châu Á 2018 sau một đêm. Anh vẫn có những sai lầm. Nhưng càng vào sâu trong giải, thời gian đứng trong khung gỗ tăng lên cũng tỷ lệ thuận với sự tự tin. Anh bắt ngày càng hay và cho thấy sự chững chạc, kỹ năng phản xạ, phán đoán và làm chủ khu cấm địa.
Tiếc là sau giải đấu, Dũng chỉ bắt chính 11 trận tại V-League 2018. Mùa này trong màu áo Hà Nội FC và hưởng lương 40 triệu mỗi tháng, anh vẫn đang chờ đợi lần ra sân đầu tiên. Ở cấp độ đội tuyển, Dũng cũng ngồi dự bị từ AFF Cup đến Asian Cup.
Với thủ môn, ranh giới giữa người hùng và tội đồ hết sức mong manh. Manuel Neuer đã sa sút rất nhiều kể từ khi trở lại sau chấn thương dài hạn. Gianluigi Buffon cũng mắc sai lầm trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League với MU vì phải chia sẻ thời gian thi đấu với Alphonse Areola. Vì vậy, việc Tiến Dũng mất cảm giác bóng không khó lý giải, đồng thời loại trừ các cáo buộc liên quan tới năng lực kém.
Chúng ta biết rằng Tiến Dũng mới bước sang tuổi 22 cách đây không lâu, trong khi với một thủ môn, tuổi đạt độ chín thường là 28-30 (điều này lý giải cho việc sự nghiệp thủ môn thường rất dài). Anh vẫn còn một tương lai dài phía trước. Điều cần thiết bây giờ là thủ môn xứ Thanh phải nhanh chóng bỏ lại những sai sót sau lưng, thư giãn và tin vào khả năng bản thân.
Tỏa sáng rực rỡ khi mới 20 tuổi, từng phô diễn những phẩm chất ưu việt cũng như sự bản lĩnh khi chiến đấu với sức ép ngàn cân, Tiến Dũng hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này để lại được tôn vinh một lần nữa. Đó mới là nơi anh thuộc về, không phải trong vai kẻ tội đồ.