Chuyện lúc 0h: Alexis Sanchez và câu chuyện điển hình của “người giàu cũng khóc”

THANH ĐÌNH, Theo Trí Thức Trẻ 23:56 19/08/2019

Alexis Sanchez sắp sang Inter, khép lại một chương tồi tệ ở MU. Anh đã sai ngay từ đầu khi đặt tiền bạc lên trên tất cả, cuối cùng phải trả giá bằng 1 năm rưỡi vứt đi. Nhưng muộn còn hơn không, ở tuổi 30, Sanchez vẫn còn cơ hội để sửa sai, và bắt đầu lại.

Vào những kỳ chuyển nhượng, rất nhiều cầu thủ sẽ ra mắt CLB mới, cầm chiếc áo và nói về tình yêu dành cho nó, đồng thời tiết lộ đây là một giấc mơ. Phần lớn trong số đó đều không thể hiện thực hóa giấc mơ ấy. 

Benoit Assou-Ekotto, cựu hậu vệ Tottenham, là một người có sao nói vậy. Và trong một cuộc phỏng vấn, anh chia sẻ rằng, nếu chỉ chơi bóng vì đam mê, tôi đã ở Pháp, thay vì đến Anh, một nơi xa lạ, nói một ngôn ngữ khác và không bạn bè.

Khá thô, nhưng thật, Assou-Ekotto thẳng thắn, anh chơi bóng, chuyển đổi CLB, khoác lên mình chiếc áo mới, đơn giản vì tiền. "Nếu một cầu thủ ký hợp đồng và nói về tình yêu, hay giấc mơ, họ đang nói dối", Assou-Ekotto nói, "Thế giới bóng đá chẳng tốt đẹp gì, và đừng tin những gì đám cầu thủ nói".

Nhưng, người hâm mộ, trong sự phấn khích vì bản hợp đồng mới, thường dễ cả tin. Đó là lý do các cầu thủ mới đến không ngại gì thốt ra những lời nói dối có cánh.

Chuyện lúc 0h: Alexis Sanchez và câu chuyện điển hình của “người giàu cũng khóc” - Ảnh 1.

Alexis Sanchez cũng vậy. Ngoài clip lãng mạn ngồi chơi piano, anh ta còn khiến các manucian phát điên vì sung sướng khi nói rằng, MU là đội bóng anh hâm mộ từ nhỏ, và việc tới Old Trafford chẳng khác nào giấc mơ thành hiện thực.

Chỉ những người trong cuộc mới biết sự thật. Một nguồn tin trong nội bộ MU đã nói với Bleacher Report, "chúng ta phải nhớ rằng, Alexis chọn Quỷ đỏ vì tiền". Chỉ đội bóng này mới có thể trả mức lương cao khổng lồ lên đến 24 triệu bảng mỗi năm, hay 500.000 bảng mỗi tuần và 0,83 bảng mỗi giây.

Sanchez vốn mong muốn gia nhập Man City, CLB tốt nhất bóng đá Anh và có triển vọng giành danh hiệu. Cầu thủ người Chile cũng nhận thức rõ, Pep Guardiola là HLV thích hợp nhất để khai thác các thế mạnh của anh, không phải Jose Mourinho, một chuyên gia phòng thủ và tư duy bắt đầu lạc hậu so với xu thế phát triển của bóng đá.

Nhưng Man City không kham nổi mức lương tương tự. Và Sanchez chuyển hướng đến MU.

Có một điều cần lưu ý ở đây, Sanchez đã sống trong cảnh nghèo khó quá lâu khi còn là một cậu bé lớn lên trên đường phố Tocopilla, trong một gia đình đông anh chị em và một bà mẹ bán cá trên bãi biển.

Chuyện lúc 0h: Alexis Sanchez và câu chuyện điển hình của “người giàu cũng khóc” - Ảnh 2.

Sanchez thời niên thiếu cùng mẹ của mình.

Anh nhìn thấy bóng đá như một công cụ để thoát nghèo vào lúc nhận 45 bảng, khoản lương đầu tiên ở đội trẻ Cobreloa. Và khi bắt đầu có tiền, đã dùng nó để cải thiện cuộc sống gia đình cũng như hỗ trợ người dân quê nhà, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thật ra thì chơi bóng vì tiền không có gì là xấu, nhất là với mục đích cao thượng kiểu Sanchez. Chỉ có điều các cầu thủ phải đảm bảo sự cân bằng giữa mọi yếu tố để phát triển đồng bộ trong nghề nghiệp. Sanchez đã bỏ qua vấn đề đó.

Trong trường hợp mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Sanchez tất nhiên không bao giờ phải hối tiếc về quyết định của mình. Thật không may, cuộc sống tại MU lại khó khăn hơn anh tưởng. Vốn đã quen làm việc với các HLV có tư tưởng tấn công, Sanchez vật lộn để thích ứng triết lý của Mourinho trong một hệ thống cứng nhắc. Tệ hơn, MU ngày một đi xuống trong khi Man City lại thăng hoa rực rỡ. Và đó là lúc để anh nhận ra sai lầm.

Chuyện lúc 0h: Alexis Sanchez và câu chuyện điển hình của “người giàu cũng khóc” - Ảnh 3.

Thay vì trở thành nhà vô địch Premier League, Sanchez lạc trong sự hỗn loạn ở MU. Thay vì tiến lên cấp độ mới, ghi hàng tá bàn thắng và được tung hô, anh lại chìm nghỉm rồi dần đánh bạn với băng ghế dự bị.

Mức lương chót vót cùng vị thế ngôi sao lớn cũng khiến cầu thủ người Chile không dành được thiện cảm của các đồng đội mới. Thậm chí nhiều cầu thủ còn khó chịu mỗi khi Sanchez giơ tay xin bóng. Cuối cùng anh bị cô lập, không khác gì giai đoạn cuối cùng ở Arsenal, bị đồng đội ghẻ lạnh và chỉ mong anh đi sớm cho khuất mắt.

Công việc đã vậy, đời tư của Sanchez còn tệ hơn sau cuộc chia tay cô bạn gái Mayte Rodriguez. Tất cả, bao gồm những lời chỉ trích, chế giễu, đã đẩy ngôi sao từng ghi 80 bàn cho Arsenal, 47 cho Barca vào ngõ cụt.

Tuy nhiên, một người từng vươn lên từ nghèo khó để trở thành danh thủ, kiếm được hàng chục triệu bảng mỗi năm hẳn phải rất mạnh mẽ. Sanchez vẫn còn nguyên sự khao khát, lòng ham muốn để mơ về một sự trở lại.

Lần đầu tiên trong đời cầu thủ luôn nhận mức lương sau cao hơn mức lương trước, anh sẵn sàng cắt giảm mức lương 500.000 bảng mỗi tuần để có thể thoát khỏi vũng lầy MU. Nếu không có gì thay đổi, anh sẽ đến Inter vào thứ Ba theo thỏa thuận cho mượn trong 2 năm.

Khi đồng tiền không còn quá quan trọng và Sanchez chấp nhận hy sinh, có thể tin vào sự thay đổi. Bởi một ngôi sao không thể đột nhiên tàn lụi theo cách này, và rốt cuộc, bóng đá vẫn nên được xây dựng bởi những giá trị căn bản, không phải tiền bạc.

Chuyện lúc 0h: Alexis Sanchez và câu chuyện điển hình của “người giàu cũng khóc” - Ảnh 4.