Tiên nữ băng giá Siberia, hay còn được gọi là "Công chúa của Ukok", "Công chúa Altai" của Ochi-Bala, là những cái tên người ta dùng để gọi một xác ướp phụ nữ 2.500 tuổi được tìm thấy vào năm 1993 trong một kurgan (gò đất) của nền văn hóa Pazyryk ở Cộng hòa Altai, Nga. Việc khám phá ra xác ướp này được coi là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của Nga vào cuối thế kỷ 20.
Xác ướp được khai quật năm 1993.
Phát hiện xác ướp thì đương nhiên là mang về để nghiên cứu, các nhà khoa học đã làm vậy nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra. Vào ngày 31/7/2012, đúng 19 năm sau khi xác ướp công chúa được khai quật, một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter xảy ra ngay tại nơi đó. Người dân địa phương cho rằng đó là "sự trả thù của xác ướp"!
Ngày 31/7/1993, các nhà khảo cổ đã tình cờ khám phá được xác ướp Công chúa Altai trong một hầm chôn cất dưới lòng đất trên Cao nguyên Ukok gần biên giới Trung Quốc, ngày nay là Cộng hòa Tự trị Altai. Cao nguyên này là một phần của Eurasian Steppes có khí hậu khắc nghiệt, khô cằn, một yếu tố góp phần cho việc bảo quản xác ướp tốt.
Bên cạnh cỗ quan tài chứa xác ướp, người ta tìm thấy 6 con ngựa được trang bị yên cương và dây đai và 2 chiến binh. Điều này cho thấy người phụ nữ đến từ một gia tộc cao quý. Công chúa Altai và 2 chiến binh được tìm thấy cùng cô được cho là người Pazyryk, một bộ tộc du mục được nhà sử học Hy Lạp Herodotus mô tả vào thế kỷ thứ thứ 5 trước Công nguyên.
Kể từ khi được phát hiện, xác ướp này đã được đưa về nghiên cứu chuyên sâu tại Bảo tàng của Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk, bao gồm cả việc tái tạo khuôn mặt, xét nghiệm DNA và các dự án nghiên cứu khác.
Theo Siberian Times, kết quả phân tích MRI do 2 nhà khoa học Andrey Letyagin và Andrey Savelov thực hiện và được công bố trên tạp chí Science First Hand, cho thấy "Công chúa Altai" có một khối u nguyên phát ở vú phải và các hạch bạch huyết ở trục bên phải có di căn. Không rõ liệu bệnh ung thư có phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô hay không vì cô cũng bị viêm tủy xương, nhiễm trùng xương và chấn thương đáng kể, bao gồm cả vỡ xương sọ, có thể do ngã ngựa. Nhưng có một điều chắc chắn là vị công chúa này đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn.
Thổ dân Altai bản địa coi xác ướp 2.500 tuổi này chính là tổ tiên của mình. Họ gọi nàng là Công chúa Kadyn (hoặc Kydyn). Trong câu chuyện của họ, công chúa là một nữ tu sĩ và đã tự nguyện hi sinh để bảo vệ Trái đất khỏi những linh hồn ma quỷ.
Những câu chuyện xung quanh xác ướp "Công chúa Altai" chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Điều bí ẩn thứ nhất là những hình xăm trên tay cô gái trẻ, mới chỉ chừng 25 tuổi. Theo các tài liệu lịch sử, xăm mình là điều không xa lạ với dân tộc Pazyryks, nhưng vẫn chưa ai hiểu nổi bức họa trên tay xác ướp gửi gắm thông điệp gì.
Theo tờ Ancient Origins, một trong những điểm đặc biệt nhất của xác ướp này là những hình xăm của cô. Cô có hình xăm trên cả 2 cánh tay, từ vai đến tay nhưng chỉ có hình xăm trên cánh tay trái được bảo quản tốt để các nhà khoa học nghiên cứu. Nó là hình vẽ một con vật thiêng của dân tộc Pazyryks: con nai 2 đầu với mỏ của kền kền, chân cừu, trên lưng bị một con báo đuôi dài cắn.
Bí ẩn thứ 2 liên quan đến sự kiện năm 2012, đúng 19 năm sau khi xác ướp được khai quật, một trận động đất lớn xảy ra ở khu vực tìm thấy xác ướp.
Những thổ dân Altai luôn cho rằng việc các nhà khoa học khai quật và đưa công chúa đi đã khiến các vị thần thịnh nộ, trút giận xuống con người. Đó cũng được cho là nguyên nhân gây ra trận địa chấn 5,3 độ Richter.
Sở dĩ có người tin vào "sự trả thù của xác ướp" là vì một câu chuyện tương tự đã xảy ra. Vào năm 2001, một người phi công điều khiển máy bay chở xác ướp công chúa này tới thành phố khẳng định rằng vào ngày người ta đào xác công chúa lên, một trận động đất đã xảy ra nhưng không ai tin lời anh chàng này cả.
Tới ngày 27/9/2003, địa chấn 6,6 độ Richter, lớn nhất trong hơn 70 năm đã xảy ra và người ta vẫn không nhận ra mối liên hệ.
Tới ngày 31/72012, trận động đất đã làm rung chuyển dãy Altai, người ta mới dấy lên nhiều nghi ngờ về lời nguyền của “Công chúa Altai”. Liệu rằng lời nguyền của “công chúa Altai” là có thật hay chỉ là một sự trùng hợp kỳ lạ? Điều này vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Nguồn: Ancient Origins, Pravda.ru, RIA Novosti