Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức

THANH HẢI, Theo Tiền Phong 11:35 21/02/2024

Andreas Brehme, cựu hậu vệ mới qua đời ở tuổi 63, lẽ ra không phải người hùng nước Đức trong trận chung kết World Cup 1990. Và tên tuổi ông có thể rơi vào lãng quên, nếu không vì sự mê tín của các tuyển thủ Die Mannschaft.

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 1.

Trận chung kết World Cup 1990 vẫn được nhớ đến là một trận chung kết tồi tệ nhất lịch sử giải đấu, lý do vì có tới hai cầu thủ bị đuổi khỏi sân cũng như lối đá tiêu cực của Argentina. Dù có Diego Maradona trong đội hình nhưng đại diện Nam Mỹ trung thành với chiến thuật phòng ngự bằng mọi giá. Albiceleste chỉ giành 2 chiến thắng và ghi 5 bàn trong hành trình đến chung kết, nơi họ trở thành đội đầu tiên có duy nhất một cú sút trúng đích.

Trong khi đó, Đức miệt mài tấn công và có tới 23 cú sút. Tiếc là tất cả đều không trở thành bàn thắng, và khi thời gian dần trôi về những phút cuối, người Argentina chắc mẩm họ sẽ vô địch. Sự tự tin này đến từ việc Albiceleste vượt qua tứ kết và bán kết bằng loạt luân lưu, với thủ môn xuất sắc Sergio Goycochea cản phá thành công tới 4 quả 11m.

Phút 84, bước ngoặt đã tới khi hậu vệ Roberto Sensini phạm lỗi với tiền đạo Rudi Voeller, và trọng tài Edgardo Codesal cương quyết chỉ tay vào chấm phạt đền. Còn phải nói, khi thấy công sức cả trận sắp đổ sông đổ biển, các cầu thủ Argentina vây lấy Codesal, cáo buộc ông này thiên vị. Cuộc tranh cãi kéo dài tới 7 phút, trong lúc người Đức bận bịu sắp xếp ai sẽ đá quả phạt đền quyết định này.

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 2.

Andreas Brehme được chỉ định là người thực hiện quả phạt đền...

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 3.

...dù trong đội vẫn còn Rudi Voeller và đội trưởng Lothar Matthaeus.

Trong bóng đá Đức tồn tại sự mê tín rộng rãi, rằng người kiếm được phạt đền không nên thực hiện quả 11m sau đó. Vì vậy, ngôi sao đã ghi hơn 365 bàn trong toàn sự nghiệp, Voeller, đương nhiên từ chối cầm quả bóng. Lúc này mọi con mắt đổ dồn vào đội trưởng Lothar Matthaeus. Thế nhưng người sẽ giành Quả bóng Vàng 1990 cũng lắc đầu. Anh thay giày sau hiệp một và không cảm thấy thoải mái với đôi giày mới.

Cuối cùng hậu vệ trái Andreas Brehme được chỉ định là người thực hiện quả phạt. “Cậu mà ghi bàn chúng ta sẽ vô địch thế giới”, Voeller nói với người đồng đội. Câu nói đầy áp lực này có thể tác động tiêu cực tới tâm lý cầu thủ sút bóng. May thay Brehme không chú ý mấy, bởi anh đang mải suy tính việc khác.

Số là Brehme là một trong những cầu thủ hiếm hoi thuận cả hai chân. Tại World Cup 1990, anh ghi bàn vào lưới Hà Lan ở vòng 1/8 bằng cú cứa lòng điệu nghệ bằng chân phải, chọc thủng lưới tuyển Anh ở bán kết bằng cú sút chân trái. Lúc ở Inter, Brehme thường tập đá phạt đền với thủ môn Walter Zenga và cứ sau mỗi lần sút lại đổi chân. “Chân trái của tôi mạnh hơn còn chân phải thì chính xác hơn”, anh cho biết.

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 4.
Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 5.
Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 6.

Giây phút vỡ òa của Brehme sau khi đánh bại thủ môn Goycochea, giúp Đức đánh bại Argentina và vô địch thế giới.

Bây giờ, đứng trước mặt là chuyên gia bắt phạt đền Goycochea, Brehme phải quyết định. Và anh nhớ lại trận tứ kết World Cup 1986 gặp Mexico. Trận đó phải đá luân lưu và anh thành công với lượt sút của mình bằng chân trái. Có thể Goycochea đã nghiên cứu cú sút này. Vậy nên Brehme chọn chân phải, phần cũng vì chân này chính xác hơn.

Brehme đã chọn đúng. Bóng từ chân phải đã găm thẳng vào góc trái cầu môn, dù cho Goycochea đoán đúng và bay người hết cỡ cũng không thể chạm tới. Những phút còn lại Argentina với 9 người trên sân không thể đảo ngược kết quả thua 0-1. Rời sân trong nước mắt, Maradona vừa khóc vừa đổ lỗi cho trọng tài khiến đội anh thua trận.

Với Brehme, còn phải nói, được tung hô là người hùng đã mang về chức vô địch thế giới lần thứ ba, nhưng là lần đầu tiên khi nước Đức thống nhất.

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 7.

Diego Maradona bật khóc sau thất bại...

Chuyện ít biết về quả phạt đền khiến Maradona phải khóc, còn Andreas Brehme từ thợ máy trở thành người hùng nước Đức - Ảnh 8.

...còn Brehme về nước với chiếc Cúp vô địch thế giới trên tay.

Trước đó, Brehme không được đào tạo để trở thành cầu thủ bóng đá. Có người cha là cầu thủ của đội nghiệp dư HSV Barmbek-Uhlenhorst (trụ sở tại Hamburg), cậu bé 5 tuổi Brehme thường ra tâng bóng vào giờ nghỉ giải lao. Nhưng lớn lên, anh đã sẵn sàng cho một tương lai khác khi hoàn thành khóa đào tạo nghề thợ máy.

Tuy nhiên đam mê bóng đá đã đưa Brehme tới đội hạng hai Saarbrucken vào năm 1980. Chỉ sau một mùa chơi ở đó, đội bóng hàng đầu nước Đức khi ấy, Kaiserslautern, đã tới và mang anh đến Bundesliga. Thêm 5 năm nữa, Bayern Munich trả 2 triệu Deutschmarks, mức giá chuyển nhượng cao thứ hai lịch sử giải đấu, để sở hữu hậu vệ thuận hai chân, chạy chỗ thông minh và thường ghi những bàn quan trọng.

Trong sự nghiệp hiển hách, Brehme còn chơi cho Inter Milan (Italia), Real Zaragoza (Tây Ban Nha) trước khi về lại Đức, tái gia nhập đội bóng cũ Kaiserslautern. Tại đây anh nếm trải nỗi đau khi Kaiserslautern xuống hạng sau trận hòa 1-1 với Leverkusen mùa 1995/96. Khoảnh khắc gây xúc động với cả nước Đức là khi Brehme khóc nức nở trong vòng tay Voeller, người chơi cho Leverkusen.

Thời điểm này Brehme đã 36 tuổi và tính chuyện giải nghệ. Thế nhưng việc Kaiserslautern rớt hạng buộc anh nghĩ lại. Anh tiếp tục xỏ giày để cùng đội bóng vượt khó. Quyết định này một lần nữa chính xác, như khi anh chọn chân phải để đánh bại Goycochea. Sau một mùa ở hạng hai, Kaiserslautern tái xuất ở Bundesliga và vô địch ngay mùa đầu tiên trở lại 1997/98. Đây là đội đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử bóng đá Đức làm được điều này. Và Brehme có thể yên tâm giải nghệ, sau câu chuyện cổ tích đẹp như mơ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày