Bài 1: Đếm từng giờ
Khi nghe thông tin sẽ có chuyến bay từ Việt Nam sang đưa công nhân về nước, anh em công nhân ôm nhau nhảy múa trên công trường.
7 giờ sáng ngày 28/7 tại Guinea Xích đạo, trao đổi với PV Tiền Phong, anh Đoàn Diện, công nhân Công ty Lilama 10 cho biết, đa số nhóm công nhân sang đây làm công việc như hàn, đổ bê tông, lắp giàn giáo, xây dựng. Họ làm việc trên công trình thủy điện Sendje từ giữa tháng 11/2019. Có 219 công nhân Việt Nam làm cho 3 nhà thầu, công ty của Việt Nam là Lilama 10, CM Vietnam và Tân Đại Lợi. Tổng thầu là Công ty Duglas Alliance của Anh.
Trên đường ra sân bay, anh Diện kể về những trường hợp lao động Việt Nam tại đây mắc COVID-19. Anh được xét nghiệm COVID-19 lần 1 vào ngày 3/7. “Lúc đó trong đoàn lần lượt có anh em dương tính với SARS-CoV-2 nên chúng tôi rất lo lắng và hoang mang. Thậm chí, gia đình ở quê cũng lo lắng và thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên, anh em công nhân động viên nhau vượt qua khó khăn và cũng động viên gia đình bớt lo lắng. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với những anh em bị nhiễm đang được cách ly và điều trị”, anh Diện kể.
Ngày 10/7, khi nghe thông tin sẽ có chuyến bay từ Việt Nam sang đưa công nhân về nước, anh Diện và anh em công nhân ôm nhau vui mừng, nhảy múa trên công trường. Anh em công nhân đếm từng ngày, từng giờ trôi đến thời khắc được đưa về Việt Nam, nhất là những người đã nhiễm SARS-CoV-2. “Ngày 27/7, nhóm công nhân tại công trường bàn giao thiết bị cho chủ đầu tư và làm những thủ tục, giấy tờ cần thiết. Chúng tôi không gặp khó khăn gì khi làm thủ tục”, anh Diện nói.
Sáng 28/7, tất cả công nhân dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đồ đạc ra sân bay. Theo thông báo trước đó, nhóm công nhân có kết quả âm tính được di chuyển đến sân bay làm thủ tục trước. Xe đón công nhân lúc 11 giờ sáng tại nơi ở. “Cả đêm hôm qua tôi mất ngủ, cứ nghĩ đến ngày được trở về quê hương. Anh em trong phòng trò chuyện rôm rả vui mừng. Mặt trời vừa lên, mọi người vội dậy thu dọn hành lý và mong mau đến giờ để đi ra sân bay. Dù chưa đến giờ xe đón, anh em đã đứng sẵn ngoài cửa”, anh Diện kể.
Lúc đã lên xe buýt ra sân bay ở Guinea Xích đạo, anh Nguyễn Ngọc, công nhân Công ty Lilama 10, kể với PV Tiền Phong rằng, ngày 3/7, anh được xét nghiệm và kết quả âm tính, tuy nhiên, từ đó đến nay, nhóm công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn chưa được xét nghiệm lại trước khi về nước. “Lịch trình chuyến bay từ Việt Nam sang đón chúng tôi được cập nhật liên tục, vì thế chúng tôi bớt lo lắng. Chúng tôi cũng được hướng dẫn tuân thủ những quy định an toàn trên chuyến bay. Điều lo lắng của tôi bây giờ là khi về Việt Nam liệu xét nghiệm có dương tính với SARS- CoV-2 hay không?”, anh Ngọc nói.
Đoàn công nhân của Lilama 10 có 34 người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, 10 trường hợp dương tính lúc đó đã được cách ly ở khách sạn còn 5 trường hợp được điều trị ở bệnh viện.
Tâm lý người bệnh ổn định khi lên máy bay
Anh N.T (sinh năm 1985, mắc COVID-19) kể với PV Tiền Phong, sau khi có kết quả xét nghiệm ngày 3/7, chính quyền nước sở tại đưa anh ra khách sạn cách ly (2 người/phòng). Hằng ngày, có nhóm 3 người đến hỏi thăm sức khỏe rồi phát vitamin cho người mắc COVID-19 uống. Công ty nơi anh T làm việc có 10 người dương tính với SARS-CoV-2 phải cách ly tại khách sạn. Tới giờ ăn, nhân viên đưa cơm vào tận phòng cho người bị cách ly. Ăn sáng vào lúc 9h30, ăn trưa 15h30, ăn tối 21h30.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài
“Ở đây chúng tôi rất đoàn kết, anh em công nhân ở ngoài khu cách ly chuẩn bị đồ ăn thêm để tiếp tế cho người nhiễm, ví như mì tôm, nước hoa quả nên không có ai bị thiếu đồ ăn uống. Công nhân bị nhiễm COVID-19 cách ly ở khách sạn hằng ngày vẫn mở cửa ban công trò chuyện để hỏi han tình hình. Hiện tại, mọi người ổn định sức khỏe, được về nước, anh em vui lắm”, anh T nói.
Vừa xuống sân bay Nội Bài chiều 29/7, liên lạc với PV Tiền Phong, anh N.T chia sẻ: “Suốt quãng đường bay gần 14 tiếng, tôi và những người công nhân khác được chăm sóc y tế rất tốt. Đội ngũ bác sỹ, tiếp viên phối hợp rất nhịp nhàng nên chúng tôi không còn lo lắng mình đang là bệnh nhân COVID”.
Không giấu được niềm vui mừng khi máy bay hạ cánh, anh Đoàn Diện cho biết: “Cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên quê hương sau nhiều ngày lo lắng. Chúng tôi đã giơ những tấm biển tỏ lòng biết ơn với Đảng, Chính phủ, đội ngũ y tế và hãng hàng không khi ra khỏi tàu bay. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển trên ô tô về bệnh viện. Mọi việc cứ như trong mơ. Từ lúc xuống sân bay, ai cũng gọi điện cho người nhà để thông báo tin vui. Nhiều anh em công nhân không kìm được nước mắt khi gọi cho người thân, vì quá vui mừng”.
(Còn nữa)
Về muộn 4 tiếng
Đúng 15h chiều 29/7, chuyến bay số hiệu VN6 đón 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), trong đó có 129 người được xác định nhiễm COVID-19. Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, do chờ đợi tiếp nhiên liệu tại sân bay Bata nên chuyến bay về trễ hơn 3 tiếng 35 phút so với dự kiến. Cùng với đó, tại sân bay Bata, khi hạ cánh, trời đổ mưa to, khiến hoạt động triển khai các công việc khó khăn hơn. Trong số 219 lao động được đón về, có 129 người được xếp ngồi ở khoang dành cho người đã nhiễm bệnh, số còn lại được xếp ngồi khoang riêng. Suốt hành trình bay về kéo dài 13 giờ, mọi việc đều thuận lợi, sức khỏe lao động đều tốt. Chỉ có 2 hành khách ở khoang người nhiễm bệnh gặp vấn đề về đường ruột, bị mất nước, các bác sĩ đi cùng chuyến bay phải hỗ trợ. Các trang thiết bị y tế mang theo như máy thở, bình ôxy, cáng cứu thương... đã không phải dùng tới.
Lê Hữu Việt
Chuyên cơ đón 140 lao động từ Brunei về nước an toàn
Ngày 29/7, được sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cùng cơ quan chức năng Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) thuê chuyên cơ riêng đón 140 lao động từ Brunei về nước an toàn. Đây là chuyến bay Lilama thuê riêng, ngoài lao động thuộc Lilama còn có một số kiều bào sinh sống tại Brunei có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do sức khỏe cần về nước điều trị…
Minh Đức