Chỉ trong 2 ngày, dư luận bàng hoàng khi xảy ra 2 vụ án mạng nghiêm trọng. Tại quận 12, TPHCM, một người đàn ông và một phụ nữ đã tới quán trà sữa (đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12) để uống nước. Trong lúc nói chuyện, 2 người nảy sinh cự cãi, người đàn ông bất ngờ dùng dao được thủ sẵn đâm nhiều nhát liên tục vào người phụ nữ khiến nạn nhân gục ngay tại chỗ. Sau khi gây án, người đàn ông dùng dao tự sát. Cả nạn nhân và người đàn ông đều tử vong tại chỗ.
Các nạn nhân đó không hề đề phòng vì đối tượng gây án lại chính là người thân quen, người chồng của mình.
Động cơ gây án được hình thành bởi sự bức xúc tâm lý cao độ
Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý tội phạm, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), chia sẻ rằng: "Người xưa có câu "Ái tình điền thổ, vạn cổ chi thù", cho nên động cơ gây án của thủ phạm được hình thành bởi sự bức xúc tâm lý cao độ, do lòng ghen tuông , đố kỵ, mong muốn độc tôn chiếm hữu tạo nên.
Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, chính trạng thái tâm lý tiêu cực đến đỉnh điểm như vậy đã biến thành lòng thù hận giày vò hung thủ. Để giải tỏa khỏi trạng thái tâm lý này, với một người có bản tính nóng nảy, nhận thức pháp luật hạn chế hoặc lệch lạc về nhân cách..., họ dễ lựa chọn cách hành xử bạo lực. Đó là dùng vũ lực tấn công trực tiếp vào nguồn gây ra bức xúc - là người tình của mình.
Làm sao để giảm thiểu mâu thuẫn?
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo (chuyên gia tham vấn tâm lý Đại học VinUni) cho rằng, mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ giữa các cá nhân khác nhau là điều khó tránh khỏi, ngay cả trong mối quan hệ thân mật giữa các cặp đôi. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trường hợp những mâu thuẫn này leo thang dẫn đến bạo lực nghiêm trọng, thậm chí án mạng.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo, có không ít yếu tố dẫn đến hiện trạng đáng lo ngại này như: Thiếu kỹ năng giao tiếp dẫn đến hiểu lầm và bất mãn; Thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc dẫn đến sự giận giữ và mất kiểm soát hành vi; Thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến bình thường hóa hành vi bạo lực; Sai lệch về nhận thức dẫn đến tâm lý ghen tuông, kiểm soát quá mức hoặc níu kéo các mối quan hệ độc hại. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ môi trường gia đình bạo lực hoặc lối sống thiếu lành mạnh như sử dụng chất kích thích, bia rượu cũng là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ tái diễn bạo lực.
Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra giải pháp: để giảm thiểu những vấn đề này là điều không đơn giản và cần có sự chung tay của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Một số giải pháp có thể kể đến như trang bị các kỹ năng mềm về giao tiếp phi bạo lực và giao tiếp hiệu quả, kỹ năng quản lý hành vi và cảm xúc; Xây dựng chế tài chặt chẽ và phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình, đời sống hôn nhân cho cộng đồng.
Cặp đôi cũng nên có kế hoạch ứng phó trước cho những thay đổi lớn trong cuộc sống, đặt ra những kỳ vọng và mục tiêu thực tế với bạn đời của mình, lắng nghe và giải quyết mâu thuẫn một cách tôn trọng, cũng như tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tham vấn tâm lý trước khi sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.