Sự tự tin của trẻ ngay từ khi còn nhỏ chính là yếu tố giúp con có thể hòa nhập với bạn bè, gia đình và xã hội một cách thích hợp. Đây cũng là chiếc chìa khóa vàng để dẫn tới thành công trong tương lai của những "mặt trời" bé con.
Tuy nhiên, không phải trẻ nhỏ nào cũng có được sự tự tin, dù đây là một trong những "thuộc tính" cần thiết để trẻ trưởng thành trong xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc các bậc phụ huynh thực hiện vai trò, cũng như tiến hành những chiến lược giúp con phát triển sự tự tin và lòng tự trọng ngay từ khi còn nhỏ.
Một đứa trẻ khi có được sự tự tin sẽ luôn tin tưởng vào bản thân, tin vào khả năng và hành động của chính mình. Từ đó luôn chủ động hơn trong mỗi tình huống, có chính kiến riêng. Trái ngược hoàn toàn với những đứa trẻ thiếu tự tin, lúc nào cũng rụt rè, nhút nhát, thiếu bản lĩnh. Không những thế, lòng tự trọng được xây dựng trên cơ sở của sự tự tin. Chính vì vậy, khi trẻ có được sự tự tin cũng đồng nghĩa với việc trẻ có được lòng tự trọng.
Theo đó, Tiến sĩ Jennifer Smith một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi dạy và chăm sóc trẻ em, bà không chỉ là người cung cấp những kiến thức và kỹ năng cho các bậc phụ huynh, mà còn có những nghiên cứu và phân tích, chỉ ra cũng như phân loại các nhóm tính cách của cả cha mẹ lẫn con trẻ.
Từ đó tìm ra được phương pháp nuôi dạy phù hợp cho mỗi gia đình. Theo bà, để có thể phát triển sự tự tin cho con nhỏ, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bước đầu cần được xây dựng trên sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Điều này chắc chắn sẽ giúp trẻ tự tin hơn và ý thức được bản thân.
Sau đây là 3 bước giúp con "vượt qua" sự tự ti, nhút nhát để trở thành một đứa trẻ dũng cảm, tự tin và có lòng tự trọng.
Mỗi khi trẻ cư xử lễ phép hay hoàn thành tốt một nhiệm vụ nhỏ được giao, cha mẹ hãy ghi nhận và khen ngợi trẻ một cách nghiêm túc và chân thành. Điều này khiến trẻ cảm thấy mình được cha mẹ quan tâm và công nhận khi làm được việc tốt hoặc hoàn thành một nhiệm vụ bất kỳ.
Ví dụ từ việc nhỏ nhất, hãy khen ngợi khi bé biết cúi chào hay khoanh tay lễ phép với những người lớn tuổi hơn mình. Điều này sẽ giúp bé nhận định được đây là điều cần thiết và có ý thức hơn mỗi khi thực hiện.
Ngoài ra, bắt đầu khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ đã có thể chia phần nhỏ việc nhà vừa sức để cho trẻ thực hiện như vứt rác vào thùng, lấy đồ hộ cha mẹ, cất quần áo, cất đồ chơi... Khi trẻ lên 5 tuổi, để có thể tiếp tục xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng cho bản thân. Các bậc phụ huynh hãy cho trẻ thực hiện những việc nhỏ mà bé có thể tự làm trong tầm kiểm soát như cho trẻ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, dạy trẻ nấu và thực hành những món ăn đơn giản,v.v...
Việc cha mẹ nhờ trẻ giúp đỡ những việc này khiến trẻ cảm thấy mình đã "lớn" và được cha mẹ tôn trọng, công nhận. Việc để trẻ cảm thấy mình được công nhận và tôn trọng là viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng sự tự tin lẫn tự trọng cho trẻ sau này.
Khi nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ, các bậc phụ huynh hãy thể hiện tình cảm và sự tín nhiệm để con thấy rõ được. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy trẻ trên con đường trưởng thành và trong quá trình xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng.
Sự tín nhiệm của cha mẹ được thể hiện qua việc cha mẹ tôn trọng quyết định và lựa chọn của trẻ ở một số trường hợp nhất định. Vì vậy, trong một số việc trước khi đưa ra quyết định, cha mẹ có thể hỏi ý kiến của con xem con lựa chọn như thế nào. Đặc biệt khi trẻ bắt đầu bước sang độ tuổi nhi đồng và thiếu niên, cha mẹ cần dành cho con những sự tín nhiệm và tôn trọng quyền quyết định của con.
Việc rất quan trọng bởi cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, việc cha mẹ dành sự yêu thương và tín nhiệm cho con sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được ủng hộ. Điều này sẽ giúp trẻ đặt những viên gạch thứ hai cho sự tự tin để trẻ thể hiện năng lực sau này.
Tuy nhiên, ở bước này cha mẹ cần lưu ý phân biệt rõ ràng giữa việc nói lời yêu thương và sự tín nhiệm đúng lúc đúng chỗ, đồng thời phải phân biệt được cho con biết việc gì là đúng đắn việc gì là sai trái. Tránh trường hợp con cho rằng cha mẹ luôn ủng hộ cho mình bất cứ việc gì, từ đó hình thành tính cách kiêu căng tự phụ.
Sau khi giúp trẻ có được sự tự tin trên "phương diện tinh thần" cha mẹ hãy giúp trẻ thể hiện sự tự tin trên "phương diện hành động" bằng cách thể hiện năng lực cá nhân thông qua những việc mà con làm giỏi nhất hoặc những việc mà con yêu thích nhất.
Qua đó, cha mẹ cần dạy cho con hiểu rằng, để có thể thực sự tự tin cần hiểu được "ưu điểm" của mình, biết cách thể hiện "ưu điểm" đó và biến nó thành hiện thực.
Nếu con bạn là một đứa trẻ yêu thích vẽ tranh, hãy khen ngợi và ủng hộ con theo đuổi đam mê vẽ tranh. Trong quá trình theo đuổi con đường hội họa, nếu con gặp khó khăn hãy giúp con vượt qua khó khăn đó. Đây có thể nói là bài học cuộc sống đầu tiên dành riêng cho con. Có cha mẹ chỉ dẫn vượt qua khó khăn giúp con học được cách đứng lên và dũng cảm đương đầu với những sóng gió sau này.
Chiến lược trên áp dụng phong cách nuôi dạy con nhẹ nhàng mang lại kết quả tích cực, được rất nhiều các bậc phụ huynh áp dụng và đã thành công.
Nếu muốn nuôi dưỡng sự tự tin trong con, cha mẹ cũng cần tránh không nên nuôi dạy con theo phong cách quá "độc đoán". Thay vào đó, cha mẹ nên bình tĩnh, trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ với con. Thông cảm và thấu hiểu, dạy con cách thể hiện cảm xúc, cách san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Không phải lúc nào cũng nhất thiết trừng phạt bằng "tác động vật lý" hay những lời nói mang ý nghĩa không tốt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều khi lớn lên trong một ngôi nhà luôn có tiếng mắng chửi và sự trừng phạt đến từ phía phụ huynh. Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ có thể dễ dàng quan sát hoặc nhận thấy được sự khác biệt trong cách cư xử và hành động của con cái ở những thời điểm, trường hợp khác nhau. Từ những yếu tố đó, ta có thể dễ dàng nhận ra và tìm cách xử lý.
Để xây dựng được sự tự tin cho con vốn đã phải trải qua một quá trình dài vun đắp. Để giữ vững được sự tự tin của con lại càng khó hơn. Đôi khi có thể chỉ vì một lời nói hay hành động, cũng có thể khiến cho một đứa trẻ trở nên nhạy cảm, rụt rè, tự ti hơn. Sau đây, có một số điều lưu ý mà cách bậc phụ huynh nên tránh:
Tôn trọng con cũng là tôn trọng chính bản thân mình. Các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với bất kỳ ai khác. Đứa trẻ của bạn có những tố chất riêng mà người khác không có và ngược lại. Nên khi bị so sánh quá nhiều, con bạn có thể đánh mất chính bản thân mình, chỉ để sống theo một khuôn mẫu khác.
Những lời góp ý, khuyên nhủ sẽ tốt hơn việc chỉ trích, mắng chửi, đánh đập, v.v... khi con làm sai. Nếu thực sự nghiêm túc và muốn cho con một bài học khắc sâu trong lòng, phụ huynh thay vì trừng phạt hãy chỉ nghĩ đến kỷ luật. Việc kỷ luật cũng mang ý nghĩa răn đe nhưng không tác động tiêu cực như việc trừng phạt. Kỷ luật giúp con nhận ra lỗi sai của bản thân, ý thức được việc mình làm là không đúng. Trừng phạt mang nghĩa tiêu cực hơn, điều đó khiến con cảm thấy mình là người xấu.
Ảnh minh họa.
Việc để trẻ san sẻ việc nhà với cha mẹ giúp chúng ý thức được vai trò và trở thành người có trách nhiệm. Việc để trẻ làm những việc phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ cảm thấy được năng lực làm việc của bản thân. Học cách làm quen với việc trở nên độc lập cũng như tự chủ khi cố gắng hoàn thành xong công việc của bản thân.
Tình cảm mẹ cha dành cho con là vô bờ, nhưng đừng cố trở thành vệ sĩ lúc nào cũng ở bên con, bảo vệ con quá mức. Hãy cho phép con trải nghiệm, trau dồi và tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc sống này. Có như vậy, khi lớn lên và bước tiếp cuộc hành trình trên đường đời. Con mới có đủ sự tự tin về khả năng đối phó, tùy cơ ứng biến linh hoạt với bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Sự tự tin là không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ. Các bậc phụ huynh hãy là một hoa tiêu sáng suốt dẫn lối cho con trên bước đường theo tháng năm.