Chuyên gia lý giải nguyên nhân người dân không nên tự xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2

Hà Minh, Theo Tiền phong 15:12 18/07/2021
Chia sẻ

Trưa 18/7, bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo người dân không nên tự ý đi mua và thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19.

Liên quan đến hiện tượng một số người dân tự đi mua dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.

"Hiện Bộ Y tế quy định rõ, các cơ sở y tế là những đơn vị thực hiện các xét nghiệm nhanh này. Do đó, người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng chính xác", TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Theo đó, các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp như có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt...; sau khi nhiễm từ 2 - 7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với SARS-CoV-2.

Theo ông Phu, việc xét nghiệm COVID-19 thực hiện miễn phí, theo quy định của Bộ Y tế với các trường hợp có nguy cơ mắc (có triệu chứng, trở về từ vùng có nguy cơ...); xét nghiệm nhanh có giá trị chứng nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Sau thời điểm đó, người được xét nghiệm không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K, vẫn có nguy cơ nhiễm virus.

Trước vấn đề có nên khuyến khích người dân xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, hiện tại, nước ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công phòng, chống dịch, tăng cường truy vết bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm và tự xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

"Chúng tôi nhắc lại, Bộ Y tế không có quan điểm '5K + vắc xin + xét nghiệm', mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra là 5K + vắc xin", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc vừa tiếp xúc với người có nguy cơ thì đến trạm y tế phường hoặc liên hệ ngay với cơ quan y tế của địa phương để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 miễn phí theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Người dân không nên ồ ạt tự ý mua kit xét nghiệm được rao bán trên mạng xã hội về sử dụng.

"Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý việc buôn bán tràn lan kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 trên mạng xã hội. Nếu để tình trạng này tồn tại sẽ rất nguy hiểm", PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày