Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 7/1, Hà Nội có 8 quận/huyện "vùng cam" (nguy cơ cao), gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàng Mai và Long Biên.
Những địa phương này đã yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Từ 8h ngày 10/1, quận Cầu Giấy dừng bán hàng ăn uống tại chỗ. Anh Phạm Văn Đông, 28 tuổi, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, buộc phải di chuyển sang quận Đống Đa và Tây Hồ để ăn uống.
"Dù khá lo lắng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng bản thân cũng tuân thủ các quy định phòng chống dịch như quét mã QR Code, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn... để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người", anh Đông nói.
Theo anh, việc tìm hàng quán những ngày này rất khó khăn. Hiện những quận/ huyện "vùng cam" đều đóng cửa toàn quận để phòng dịch, chỉ trừ quận Hoàn Kiếm "linh hoạt" hơn cho phép 5 phường "vùng vàng" bán hàng tại chỗ trở lại. Ngoài ra, người dân sống tại những quận/ huyện "vùng vàng" cũng phải mỏi mắt tìm phường ở cấp độ dịch tương ứng.
Các vùng cam ở Hà Nội đều yêu cầu cửa hàng ăn uống dừng bán tại chỗ (Ảnh: Đặng Thủy)
Đi cùng nhóm bạn từ quận Nam Từ Liêm sang quận Đống Đa uống cà phê, Trần Văn Vương (28 tuổi) nói, tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp ở Hà Nội nên tâm lý chung của mọi người đều hoang mang.
Tuy nhiên, người dân đều xác định "sống chung với dịch" nên anh cố gắng hạn chế tiếp xúc, không đến chỗ đông người tối đa nhất có thể. Đồng thời, anh tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
"Tôi cho rằng, việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ theo từng quận không có tác dụng phòng dịch", anh nói.
Nhiều hộ kinh doanh bất an vì không biết tuần sau quận mình chuyển màu gì
Những ngày này, nhiều hộ kinh doanh ở Hà Nội bán hàng trở lại trong tâm thế "bất an". Bởi cứ mỗi thứ 6 hàng tuần, họ lại thấp thỏm và theo dõi, sắp xếp cửa hàng để chờ UBND TP công bố cấp độ dịch và tính toán phương án kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Lâm, chủ quán cà phê số 17 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa chia sẻ, việc kinh doanh từ đầu tháng bị ngắt quãng rất nhiều. Mỗi khi quận "đổi màu", thực phẩm đã mua trong nhà phải bán rẻ, việc kinh doanh đình trệ.
Theo chị Lâm, không chỉ liên tục phải đóng – mở, thuê mặt bằng đắt đỏ, mà còn là việc quản lý nhân viên. Khi phải đóng cửa, nếu cho nhân viên về quê thì sau khi hàng quán được mở, lại không có người làm. Còn nếu giữ và trả đủ lương cho nhân viên thì cửa hàng sẽ chịu lỗ nặng.
"Việc yêu cầu đóng cửa trước 21h cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì thời gian mở cửa kinh doanh quá ngắn, chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của thực khách", chị Lâm kiến nghị.
Tại quận Cầu Giấy, chị Nguyễn Thị Hiền cũng phấp phỏng chờ đợi địa bàn chuyển vàng để tiếp tục kinh doanh. Theo chị, việc đóng mở liên tục như vậy không khác gì "bắt cóc bỏ đĩa". Trên cùng một tuyến phố, nhưng khác quận, nên một bên hàng quán vẫn bán bình thường, bên còn lại phải đóng.
Chị Hiền cho rằng, việc đóng cửa hàng quán tại những địa phương cấp độ 3 không còn phù hợp như giai đoạn trước. Niềm vui của quán được mở sẽ là nỗi buồn cho những chỗ phải đóng cửa, nhất là dịp cuối năm. Nếu khách hàng có ý thức tuân thủ 5K, chủ quán đảm bảo an toàn trong từng quán thì dịch bệnh chẳng thể lây lan. Ngược lại nếu để dân từ quận này kéo sang quận khác ăn uống, đi lại giao thương nhiều thì dịch lại dễ bùng phát.
"Nỗi lo thường trực về tiền thuê nhà, nhân viên và nguyên liệu đã trở thành gánh nặng của các cửa hàng kinh doanh ở vùng cam như chúng tôi. Trong khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán khiến chúng tôi rất lo lắng", chị Hiền nói và kiến nghị thành phố cần cân nhắc và xem xét các biện pháp hạn chế thực sự có hiệu quả, nâng cao thói quen phòng ngừa của người dân thay vì "tạo thêm khó dễ".
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, địa giới hành chính chia "vùng xanh - vàng - cam - đỏ" không còn tác dụng, bởi chỉ cách nhau vài bước chân, các quận/huyện đã khác cấp độ dịch.
Theo ông Nhung, Hà Nội nên cho phép cửa hàng ăn uống bán tại chỗ trở lại, "không thể đóng cửa mãi được". Điều quan trọng nhất là các hàng quán phải đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt đeo khẩu trang, giãn cách, sát khuẩn tay, quét mã QR và kiểm tra PC Covid về tiêm vaccine đủ 2 mũi trở lên.
"Ngoài ra, Hà Nội nên có quy định yêu cầu hàng quán kiểm soát, chịu trách nhiệm bằng việc ai đã tiêm đủ liều vaccine mới được vào hàng quán, ai chưa tiêm đủ 2 liều trở lên thì tạm dừng đón tiếp", ông Nhung nói.
Chuyên gia khuyến nghị Hà Nội nên xem xét cho cửa hàng ăn uống được bán tại chỗ trở lại
Theo ông Nhung, điều tiên quyết trong phòng chống dịch là ý thức chủ động của người dân và năng lực chống dịch chủ động của các xã, phường. Cụ thể phường phải có năng lực kiềm chế số ca mắc mới, khuyến khích người dân khai báo và cách ly bao gồm những người tiếp xúc gần, tự làm xét nghiệm nhanh nếu có nguy cơ hoặc có triệu chứng, hỗ trợ người dân ở theo dõi điều trị tại nhà. Nếu không có đủ điều kiện theo dõi cách ly tại nhà thì được đến trạm y tế lưu động để đảm bảo điều kiện cách ly và quản lý điều trị.
"Chính quyền xã, phường biết chăm sóc người bị nhiễm Covid-19, xác định người có nguy cơ bị lây nhiễm, hướng dẫn để người dân chủ động xét nghiệm, chỉ cần nguy cơ tự mình cách ly, đeo khẩu trang thật tốt thì đó là cách phòng chống dịch bệnh lây lan rất tốt", ông Nhung khuyến cáo.
Đồng thời, chính quyền các xã, phường phải có năng lực về vaccine, đảm bảo toàn bộ những người dễ bị tổn thương (người lớn tuổi, có bệnh nền) được ưu tiên tiêm vaccine. Đi từng ngõ gõ từng nhà, vận động và liên hệ một số bệnh viện Trung ương để người dân tin tưởng đảm bảo an toàn khi tiêm chủng.
"Đã đến lúc Hà Nội nên cho phép cửa hàng ăn uống bán tại chỗ trở lại tại những vùng cam để hoạt động kinh doanh. Hãy đưa ra mô hình cửa hàng an toàn cụ thể rõ ràng để người dân thực hiện", ông Nhung nói.