Nhiều người có lẽ không để ý, nhưng cuộc sống này chính là một vòng lặp mà trong đó, ở mỗi một giai đoạn, chúng ta lại phải đóng một "vai" nhất định, lúc nhỏ ta là trẻ con, rồi trưởng thành, rồi trở thành phụ huynh.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, làm sao để con cái tự giác lắng nghe là một thách thức vô cùng khó khăn. Thực ra, đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong đời họ.
Khả năng lắng nghe rất quan trọng với trẻ
Khả năng biết lắng nghe đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển đầu đời của mỗi đứa trẻ, giúp chúng biết cách lĩnh hội thông tin và giữ được sự an toàn cho bản thân. Ngoài ra, khả năng này còn giúp chúng xây dựng các mối quan hệ và đạt được những thành công trong nghề nghiệp về sau.
Thế nhưng, chúng ta thường cảm thấy dường như trẻ em không thể, hoặc không muốn lắng nghe người lớn, và điều này dẫn tới những sự tranh cãi, những sự tức giận, khiến cha mẹ và con cái ngày càng xa cách nhau hơn.
Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn vì không biết làm sao để con có thể lắng nghe mình thì có thể tham khảo những gợi ý của chuyên gia dạy con tới từ Anh, Camilla Miller - tác giả của mô hình dạy con Language of Listening (Ngôn ngữ Lắng nghe). Theo chuyên gia Miller, có 3 cách để giúp cha mẹ và con cái xóa bỏ những mâu thuẫn, giúp các con biết cách định hướng và vươn tới mục tiêu của mình.
"Bạn sẽ có được điều bạn muốn và bọn trẻ cũng vậy. Đó là phương án đôi bên cùng có lợi", chuyên gia Miller, người sáng lập trang web dạy con https://keepingyourcoolparenting.com/ phát biểu với phóng viên của CNBC.
Cũng theo chuyên gia Miller, có 3 bước mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con họ trở thành người biết lắng nghe.
Khi trẻ con cảm thấy chúng không được lắng nghe, chúng sẽ cảm thấy như bạn đang bỏ qua các nhu cầu và mong muốn của chúng.
Camilla Miller - Chuyên gia dạy con tới từ Anh
Bước đầu tiên trong Ngôn ngữ Lắng nghe rất đơn giản: Hãy nói điều bạn thấy. Thay vì áp đặt quan điểm và sự phán xét của bạn lên hành vi của con bạn, hãy nói điều bạn đang thấy.
Ví dụ, có thể bạn thấy con mình không sẵn sàng chia sẻ, và bạn thì muốn điều ngược lại, nhưng trong mắt chúng, chỉ là chúng đang bận chơi mà thôi. Hãy nói càng nhiều càng tốt: "Con đang bận chơi với món đồ chơi đó".
(Ảnh minh họa)
Tương tự như vậy, trong một tình huống khác, bạn nghĩ chúng đang có "thái độ", còn thực ra là chúng cảm thấy thất vọng. Hãy nói, "Con đang cảm thấy thất vọng trong tình huống này".
"Con bạn cần cảm giác chúng đang được lắng nghe trước khi chúng lắng nghe bạn. Khi trẻ con cảm thấy chúng không được lắng nghe, chúng sẽ cảm thấy như bạn đang bỏ qua các nhu cầu và mong muốn của chúng", chuyên gia Miller nhắc nhở.
Điều này không có nghĩa là bạn phải "đầu hàng" trước các đòi hỏi của con. Nhưng nó giúp bạn có cơ hội đứng vào vị trí của con và tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra hành vi của chúng.
"Thường các bậc cha mẹ như chúng ta sẽ luôn yêu cầu con điều này điều khác, nhưng lại không thừa nhận những mong muốn của con trước. Nếu chúng ta không quan tâm là chúng muốn gì thì chúng cũng không quan tâm chúng ta muốn gì", chuyên gia Miller nhấn mạnh.
Một khi bạn đã hiểu và thông cảm với hành vi của con bạn, bạn sẽ dễ dàng giúp chúng đi tới việc tìm ra giải pháp hơn.
Nếu con bạn có những hành vi mà bạn không thích, hãy giúp chúng chuyển sự chú ý sang việc khác tích cực hơn.
(Ảnh minh họa)
Ví dụ, bọn trẻ đang nhảy nhót trên ghế sofa và bạn thì không thích thế. Hãy thừa nhận mong muốn được nhảy nhót, được thư giãn của con, nhưng hãy giúp con chuyển địa điểm sang một không gian khác, ví dụ như sàn nhà hoặc ngoài sân chẳng hạn.
Tương tự như vậy, nếu con bạn đang đòi mua một món đồ chơi mới và ngày sinh nhật của chúng thì vừa trôi qua. Bạn hãy nghĩ ra một vài cách giúp chúng có thể tự mua món đồ đó cho mình, như là việc chúng tự kiếm tiền chẳng hạn.
"Đây là việc bạn phải nhìn ra được nhu cầu đằng sau hành vi đó và giúp chúng đáp ứng được nhu cầu đó theo một cách mà bạn có thể chấp nhận được", chuyên gia Miller nhận định.
Khi tình huống đã đạt cao trào và đi đến sự thỏa hiệp giữa bạn và con, hãy kết thúc cuộc thảo luận bằng cách nhấn mạnh vào một thế mạnh mà con bạn vừa thể hiện.
Bạn cũng nên tránh để mình trở thành trung tâm của câu nói, kiểu như "Mẹ rất vui vì con đã làm việc đó". Thay vào đó, nên nhấn mạnh vào con, ví dụ: "Con đúng là một người biết giải quyết vấn đề. Con đã tìm được cách giải quyết xong rồi".
Bằng cách lắng nghe những tâm tư của con, bạn sẽ giúp con biết củng cố những hành động tích cực.
Camilla Miller - Chuyên gia dạy con từ Anh
Cứ như thế, chúng sẽ nhận ra rằng chúng đóng vai trò chủ động trong tình huống ấy, rằng chúng có khả năng đưa ra quyết định và điều này rất có thể sẽ được lặp lại trong thời gian tới.
"Bằng cách lắng nghe những tâm tư của con, bạn sẽ giúp con biết củng cố những hành động tích cực và xây dựng lòng tự tôn của mình", chuyên gia Miller kết luận.
Tất nhiên, để quá trình con trẻ lắng nghe cha mẹ trở nên dễ dàng hơn thì còn có một điều mà các bậc phụ huynh nên làm, đó là thay đổi cách họ phản ứng.
Trong khi mô hình "Ngôn ngữ Lắng nghe" được thiết lập chủ yếu cho trẻ nhỏ thì nó cũng có thể được áp dụng cho các nhóm tuổi khác và tình huống khác, bao gồm trẻ vị thành niên, đồng nghiệp hay các mối quan hệ yêu đương.
(Ảnh minh họa)
Ví dụ, trong các trường hợp con bạn là trẻ vị thành niên, khi bạn nói điều bạn thấy có thể giúp chúng hiểu rõ hơn về bản thân, khi có thể chúng đang cư xử theo một cách bất thường, đồng thời mở ra những kênh đối thoại với bạn.
"Thông thường, lý do mà một người thích la hét hay cáu giận là bởi họ cần được thể hiện sức mạnh và chúng ta cần phải tôn trọng nhu cầu đó", chuyên gia Miller kết luận.
Đó chính là lý do nếu như bạn thường có những phản ứng tiêu cực, thì giờ đã đến lúc bạn thay đổi cách phản ứng của mình.
Việc thực sự lắng nghe và thấu hiếu hiểu những suy nghĩ của người khác còn có thể giúp bạn trở nên chu đáo hơn.
"Thực ra nó cũng giúp bạn hiểu thêm về hành vi của mình. Cách nhanh nhất để thay đổi phản ứng của bản thân là thay đổi cách ta nhìn nhận sự vật, sự việc", chuyên gia Miller đưa ra lời khuyên.
Theo: CNBC