Trong giai đoạn tuổi dậy thì, không ít ba mẹ đã gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc cũng như những nỗi lo khi nhận thấy khoảng cách vô hình với con ngày một lớn dần. Ở độ tuổi dậy thì, con trẻ không những cần có được những chăm sóc, quan tâm về mặt tâm lý cảm xúc, mà việc trang bị cho con những kỹ năng phòng ngừa các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như HPV để con có thể tự bảo vệ bản thân cũng là điều mà các bậc phụ huynh không nên né tránh.
Vậy làm thế nào để phụ huynh có thể nối liền khoảng cách với con cái, có những cách trao đổi, tiếp cận vấn đề một cách hợp lý? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường ĐH Kinh tế tài chính TP. HCM) và Bác sĩ Nguyễn An Nghĩa (Phó Khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng I TP. HCM) từ talkshow về chủ đề “Bí quyết phòng ngừa HPV và chăm sóc sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì”.
Talkshow đã giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến HPV và trả lời cho câu hỏi làm sao để bảo vệ trẻ tốt nhất về tâm lý và sức khỏe trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này
Bác sĩ An Nghĩa cho biết HPV (Human papilloma virus) là tác nhân siêu vi gây nên những bệnh lý gây u nhú ở người. Cho đến thời điểm hiện tại chúng ta đã biết đến hơn 100 chủng HPV gây bệnh, được chia thành những nhóm HPV nguy cơ cao và HPV nguy cơ thấp.
Bác sĩ Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 – trực tiếp giải đáp các vấn đề sức khỏe liên quan đến HPV
Những chủng nằm trong nhóm HPV nguy cơ cao thường liên quan đến những bệnh lý ác tính gây ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn, ung thư tế bào gai đường hô hấp… Nhóm nguy cơ thấp, gọi là thấp nhưng cũng sẽ gây ra một số căn bệnh ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống. Một trong số đó là mụn cóc sinh dục. Mụn cóc sinh dục chỉ lành ở một góc độ. Bệnh nhân sẽ phải gánh chịu rất nhiều hệ luỵ do phải tái khám và bệnh tái phát nhiều lần.
Bác sĩ An Nghĩa cũng cho biết thêm, khi nói đến HPV, chúng ta thường chỉ biết đến HPV gắn liền với ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, HPV không chỉ gây ra ung thư cổ tử cung mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác. Ví dụ như người mắc ung thư hậu môn nguyên nhân do HPV cũng chiếm tỷ lệ khá cao từ 90 - 95%. Với ung thư âm đạo, âm hộ, đến 70% trường hợp ung thư có thể liên quan đến HPV. Đây đều là những con số cần được báo động.
Trung bình, trên thế giới mỗi năm có khoảng 690.000 trường hợp ung thư liên quan đến HPV được chẩn đoán ở cả nam và nữ. (1) Bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm HPV, với ước tính xác suất nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời của nữ giới là 85%, nhưng với nam giới, con số đó lên đến 91%. (2) Từ đây chúng ta thấy rằng, nếu nói HPV chỉ là tác nhân gây bệnh ở nữ thì chúng ta chỉ có thể nhìn được 50% sự thật. Vì một nửa sự thật còn lại là những bệnh lý nguy hiểm khác liên quan tới nam giới.
Con trai cũng có khả năng đối mặt nguy cơ từ HPV trong tương lai
Theo nghiên cứu, sau nhiễm HPV tự nhiên, tỷ lệ nam giới có kháng thể HPV là thấp. (3) Đặc biệt, cho đến thời điểm hiện tại, tuy ở nữ giới đã có các biện pháp tầm soát tổn thương sớm của ung thư cổ tử cung, ở nam giới vẫn chưa có biện pháp nào để sàng lọc, khiến việc phát hiện bệnh sớm trở nên khó hơn. (4)
Chính vì vậy, đây sẽ là hồi chuông khiến chúng ta hiểu đây không phải bệnh lý dành riêng cho nữ và hoàn toàn có thể xảy ra ở phái nam. Việc dự phòng HPV quan trọng không chỉ ở nữ mà còn quan trọng ở nam.
Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019, tỷ lệ học sinh THCS & THPT Việt Nam có quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,48% (năm 2013) tăng lên 3,51%. Cũng trong khảo sát đó, chỉ khoảng 20,7% trẻ sử dụng biện pháp phòng ngừa an toàn trong quan hệ tình dục lần đầu tiên. (5) Những con số đó đã giải thích rất nhiều hệ luỵ mà trong đó có việc HPV ngày càng gia tăng tỷ lệ mắc ở trẻ vị thành niên. Đặc biệt, độ tuổi mắc HPV cao nhất là từ 15 - 24 tuổi.
Lúc con bắt đầu cảm xúc rung động là lúc con cần dự phòng HPV
Mặc dù vậy, quan hệ tình dục không phải là con đường duy nhất lây nhiễm. HPV vẫn có thể lây nhiễm thông qua niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục, đường hậu môn và dịch tiết từ đó. Ngoài ra, HPV còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Người mẹ nhiễm HPV ở đường âm đạo, khi sinh thường khiến bé tiếp xúc với dịch tiết từ đường âm đạo sẽ có nguy cơ nhiễm HPV. Ngay cả những trường hợp bản thân cá thể vệ sinh kém cũng có thể di chuyển HPV từ vị trí này đến vị trí khác. Như di chuyển HPV từ âm đạo lên tới khẩu hầu miệng hoặc từ trước vùng âm đạo ra phía sau hậu môn.
Bác sĩ An Nghĩa cho biết, thường các bậc phụ huynh có quan niệm rằng con còn ngây thơ nhưng lại không biết con đã có những rung động đầu đời, nụ hôn đầu đời hay những hành động thân mật hơn nữa. Dưới góc nhìn tâm lý, Tiến sĩ Tô Nhi A còn cho biết một số phụ huynh từng vô tình hoặc từ chối trò chuyện về những chủ đề nhạy cảm. Từ đó dẫn đến việc lựa chọn những phương pháp không an toàn cho cơ thể, nguy cơ lây nhiễm ảnh hưởng tương lai. Do đó, để đảm bảo cho con một nền tảng tương lai vững chắc, trẻ em cần dự phòng HPV từ sớm.
Tuy nhiên, việc trang bị những kiến thức này từ phía nhà trường và gia đình thường bị coi là “vẽ đường cho hươu chạy”
Cho đến hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên dự phòng cho các bé gái từ 9 tuổi, trước giai đoạn có quan hệ tình dục. Đồng thời cũng đề cập thêm, một số quốc gia đã bắt đầu dự phòng cho trẻ em trai, hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư hậu môn liên quan đến HPV ở nam giới (6). Ở độ tuổi vị thành niên, các bé có thể có nồng độ kháng thể cao hơn lứa tuổi lớn hơn và cũng có thể giúp bảo vệ tốt khi phát sinh quan hệ tình dục lần đầu tiên.
Bên cạnh đó, còn có các cách dự phòng khác như chế độ sinh hoạt điều độ, thể dục thể thao hợp lý, quan hệ an toàn và giáo dục cho trẻ về sức khỏe giới tính. Nữ giới có thể tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ nhằm phát hiện sớm các thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Trên hết, bác sĩ vẫn khuyến cáo nên tiến hành phòng ngừa HPV cho trẻ càng sớm càng tốt vì khi đó đáp ứng miễn dịch của trẻ tốt hơn và hiệu quả của thuốc cũng được tăng cường.
Xem các chuyên gia giải đáp bí quyết dự phòng HPV và chăm sóc sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì cho trẻ tại https://www.facebook.com/watch/?.
Nội dung này do Hội Y học Dự phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục. VN-GSL-00324 10082025
Tài liệu tham khảo
(1) Chesson HW, Dunne EF, Hariri S, Markowitz LE. The estimated lifetime probability of acquiring human papillomavirus in the United States. Sex Transm Dis. 2014 Nov;41(11):660-4
(2) Petca A, Borislavschi A, Zvanca ME, Petca RC, Sandru F, Dumitrascu MC. Non-sexual HPV transmission and role of vaccination for a better future (Review). Exp Ther Med. 2020;20(6):186. doi:10.3892/etm.2020.9316
(3) Giuliano AR et al. Papillomavirus Res. 2015;1:109-115.
(4) Centers for Disease Control & Prevention (CDC). HPV Screening.
(5) Báo Cáo Khảo Sát Hành Vi Sức Khỏe Học Sinh Toàn Cầu Tại Việt Nam 2019 [Report of the 2019 global school-based student health survey in Viet Nam] (who.int). https://apps.who.int/iris/handle/10665/353552 (Truy cập 21/5/2023)
(6) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer (Truy cập 21/5/2023)