Tính đến sáng ngày 3/2/2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới ở Vũ Hán gây ra đã giết chết 362 người, chính thức vượt qua số người tử vong trong dịch SARS năm 2003. Cùng với đó, thế giới đã ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm bệnh ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khi nhà chức trách Trung Quốc đang gồng mình chống dịch, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng đã nhìn ra một vòng quay của dịch bệnh: Lịch sử chỉ đang lặp lại chính nó.
Trở lại 17 năm trước, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng đã bùng phát và lây lan ở Trung Quốc, và nó cũng gây ra bởi một chủng virus corona. Những đại dịch xảy ra với loài người thường bắt nguồn từ những zoonoses, thuật ngữ để chỉ những virus lây nhiễm trên động vật.
Mọi chuyện tồi tệ sẽ bắt đầu khi một zoonoses tình cờ xâm nhập được vào cơ thể một người, và chúng lấy một số DNA của người đó để tiến hóa thành một chủng virus mới, sau đó lan truyền từ người này sang người khác.
Trong thế kỷ trước, ít nhất 10 bệnh truyền nhiễm đã lây nhiễm từ động vật sang người.
Lây nhiễm virus lệch loài xảy ra ở tần suất rất rất thấp. Nhưng một khi diễn ra, nó lại châm ngòi cho những thảm họa. Các chuyên gia y tế cho biết có hơn 75% các bệnh mới nổi trên người đều bắt nguồn từ động vật.
Trong thế kỷ trước, ít nhất 10 bệnh truyền nhiễm đã lây nhiễm từ động vật sang người. Và hầu hết các đại dịch của thế giới, từ HIV, cúm gia cầm, cúm lợn, cho tới SARS, Ebola và Zika đều nằm trong số đó.
Các nhà khoa học cho biết trong nhóm virus có khả năng lây truyền từ động vật sang người, số lượng các chủng chưa biết có thể lên tới 1,67 triệu. Và họ hiện mới chỉ phân loại được trên dưới 600 loài virus zoonoses để theo dõi và cảnh báo về sự tiến hóa của chúng.
Virus corona mới ở Vũ Hán cũng là một zoonoses. Mặc dù các nhà virus học chưa thể xác định được nó đã nhảy từ vật chủ ban đầu nào sang con người. Nhà nghiên cứu Vincent Munster đến từ Phòng thí nghiệm Rocky Mountain nhận định nhiều khả năng, virus corona mới này đã lây nhiễm ban đầu trên dơi.
SARS trước đây cũng đến từ những con dơi, các chuyên gia nói, và họ không cho rằng hai vụ dịch này chỉ là những tai nạn tình cờ hiếm gặp. Một số nhà khoa học tin rằng con người sẽ còn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh bắt nguồn từ zoonoses trong những năm tới.
"Các bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục xuất hiện và tái phát. Tôi nghĩ đó là một phần của thế giới chúng ta đang sống", Eric Toner, một nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói. "Chúng ta đang sống trong thời đại của các dịch bệnh, và đó là hệ quả từ quá trình toàn cầu hóa, vì sự xâm lấn [của chúng ta] vào môi trường hoang dã".
Sau dịch bệnh này sẽ còn nhiều dịch bệnh nữa
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới đã bùng phát ở Vũ Hán từ giữa tháng 12 năm 2019. Trong một bài đăng trên tờ Thời báo New York hôm thứ Hai, nhà văn khoa học David Quammen đã viết rằng nạn buôn bán động vật hoang dã ở châu Á, châu Phi và Mỹ phải chịu trách nhiệm một phần cho dịch bệnh hiện tại.
Đặc biệt là khi các hoạt động của những thị trường này thường diễn ra bên trong những ngôi chợ, hoặc không gian nhỏ, nơi động vật sống được nhồi nhét chung với con người, và hoạt động giết mổ cũng diễn ra trực tiếp ở đây một cách mất vệ sinh.
Bên trong những ngôi chợ ẩm ướt, chật hẹp, nơi động vật sống được nhồi nhét chung với con người, và hoạt động giết mổ cũng diễn ra trực tiếp mất vệ sinh, virus tìm được cơ hội lớn nhất của chúng để nhảy sang người.
Trong trường hợp của chủng virus corona mới ở Vũ Hán, một số chuyên gia nghĩ rằng zoonoses đã nhảy từ dơi hoặc rắn sang người ở một khu chợ hản sản ẩm ướt có tên là Huân Nam. Chợ hải sản Huân Nam được mô tả là một khu vực bẩn thỉu và lộn xộn, với hơn 1.000 gian hàng.
Ngoài hải sản, chợ còn bán cả gà, sóc, thỏ, dơi, rắn và các động vật hoang dã khác. Nó có điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nhồi nhét hàng ngàn con người với động vật sống và động vật đã giết mổ - một cơ hội vàng giúp những con virus trên động vật nhảy sang, tiến hóa và lây nhiễm trên người.
Trước đây, virus SARS và các chủng cúm H7N9 và H5N9 cũng đã được phát tán từ những khu chợ ẩm ướt. Nhưng mọi việc vẫn cứ thế lặp lại. Chỉ một ngày sau khi chính thức công bố dịch bệnh bùng phát, chính quyền thành phố Vũ Hán đã đóng cửa chợ Huân Nam và tiến hành phun khử trùng toàn bộ khu vực. Họ cũng cấm hoạt động buôn bán động vật sống trong toàn bộ thành phố.
Nhưng ngoài thị trường buôn bán động vật hoang dã, sự gia tăng dân số của con người cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật sẽ lây lan từ động vật sang chúng ta. Khi ngày càng có nhiều người xâm phạm vào môi trường sinh thái trong cuộc tìm kiếm thức ăn và tài nguyên của họ, các chủng virus từng chỉ lây nhiễm trên động vật sẽ càng có nhiều cơ hội nhảy sang loài chúng ta.
"Đầu tiên, virus sẽ nhảy từ động vật sang người, sau đó từ người sang người, đôi khi ở quy mô đại dịch", Quammen viết. Bởi vậy, trong khi nhiều người đang mải lo lắng về đợt bùng phát dịch này, có những chuyên gia đã kịp lo lắng về các đại dịch tiếp theo, ông nói thêm.
Các siêu đô thị như Vũ Hán dễ trở thành điểm bùng phát
Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới bùng phát ở Vũ Hán, nhiều người đã tự hỏi tại sao đó lại là Vũ Hán? Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nơi thành phố Vũ Hán trực thuộc vẫn là một tâm dịch lớn với 11.177/17.373 ca nhiễm bệnh, 350/362 ca tử vong.
Các chuyên gia cho biết mật độ dân số của Vũ Hán và sự hiện diện của thị trường động vật sống ở đó biến thành phố này trở thành một địa điểm lý tưởng cho dịch bệnh bùng phát.
Mật độ dân số của Vũ Hán và sự hiện diện của thị trường động vật sống ở thành phố này biến nó trở thành một địa điểm lý tưởng cho dịch bệnh bùng phát.
Trên thực tế, Vũ Hán là một siêu đô thị với 11 triệu dân, một thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc. Trong số đó, 8,8 triệu dân tập trung ở vùng nội đô có diện tích 1,528 km2 đã đẩy mật độ dân số lên tới 5.760 người/ km2.
Một nghiên cứu của Đại học Geneva, Thụy Sĩ cho thấy: Các điều kiện dân số đông đúc sẽ làm tăng khả năng xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm. Trở lại một nguy cơ nữa đến từ Vũ Hán, đó là thành phố này có rất nhiều những khu chợ ẩm ướt, mặc dù các quan chức hiện đã cấm bán động vật sống ở đó.
"Các thị trường động vật sống được quản lý kém, kết hợp với nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã cung cấp một cơ hội ngàn năm có một cho virus lây lan từ vật chủ động vật hoang dã vào quần thể con người", Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cho biết.
Adrian Hyzler, giám đốc y tế tại Healix International (chuyên cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro cho khách du lịch), nói với Business Insider rằng các đại dịch bệnh "nhiều khả năng bắt nguồn từ vùng Viễn Đông, vì sự tiếp xúc gần gũi của người dân với động vật sống, mật độ dân số của họ, và hiện ngày càng có nhiều các trung tâm trung chuyển hành khách và thương mại, với rất nhiều chuyến bay sẵn có ở đó”.
Mối đe dọa độc nhất từ loài dơi
Dơi là vật chủ ban đầu đã lây truyền Ebola, SARS, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), và có lẽ cả virus corona mới sang cho con người. Nhưng virus không chỉ truyền trực tiếp từ dơi sang người, mà còn có thể qua các động vật trung gian khi chúng ăn phải phân hoặc nước bọt của dơi.
Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, nói với Quammen rằng các virus chủng corona "đang thực hiện các bước nhảy, liên tục, từ dơi sang người". Những con virus corona nhìn dưới kính hiển vi giống hệt những bánh răng cưa. Vành tròn bên ngoài của chúng găm đầy những protein hình mũi nhọn, giúp nó gắn vào được tế bào vật chủ.
Nếu hình dạng của những mũi gai đó không phù hợp với các thụ thể trên các tế bào của vật chủ tiềm năng, virus không thể tràn sang. Nhưng đặc thù của virus là một “dạng sống” liên tục biến đổi và tiến hóa với tốc độ rất nhanh. Một khi quá trình đó làm thay đổi các protein nhô ra bề mặt của chúng, cơ hội virus lây qua được một vật chủ mới, là con người, lại tăng lên.
Nếu bạn là một con virus, dơi sẽ trở thành một "chuyến uber lý tưởng" để đi đó đây và lây nhiễm sang các loài động vật khác, bao gồm cả con người.
Theo một nghiên cứu năm 2017, dơi là một vật chủ chứa nhiều virus có tiềm năng nhảy sang người, cao hơn đáng kể so với các loài động vật có vú khác. Dơi có cánh, và chúng bay được trong một phạm vi rộng lớn, không vận những chủng virus mới khi chúng di chuyển. Điều này khiến dơi trở thành “một chuyến uber” lý tưởng nếu bản thân bạn là một con virus.
"Chúng ta đang nói về hàng ngàn ngàn loại virus như vậy ở loài dơi", Munster nói. Đồng ý với ông, Bart Haagmans, một nhà virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus, Hà Lan, nói với Business Insider rằng "dơi và chim được coi là những loài chứa virus có khả năng gây đại dịch", vì con người hiện không có khả năng miễn dịch với các chủng virus corona tồn tại trong đường ruột của chúng.
Một nghiên cứu được công bố từ tháng 3 năm 2019 thậm chí còn đã dự đoán trước rằng, dơi có thể là nguồn gốc của một đợt bùng phát virus corona mới ở Trung Quốc. "Rất có khả năng các đợt bùng phát virus corona tương tự SARS- hoặc MERS trong tương lai sẽ bắt nguồn từ dơi, và có nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc", các nhà nghiên cứu đã viết 9 tháng trước khi điều đó trở thành sự thật.
Phần lớn các chủng virus corona- những chủng ảnh hưởng đến con người và động vật - có thể được tìm thấy ở Trung Quốc. Và ở Trung Quốc, con người sống rất gần với loài dơi, dơi cũng có thể lây lan virus sang các quần thể gia súc và gia cầm của họ, các tác giả cho biết.
Thế giới đang bị động trước những đại dịch
Các chuyên gia y tế công cộng đã nhiều lần cảnh báo rằng thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho một đại dịch chết người tiếp theo, nếu nó xảy ra. "Chúng tôi đã giương cờ với các loại virus này trong suốt 15 năm năm qua", Daszak nói với Quammen.
Bill Gates thậm chí đã viết vào năm 2017 rằng ông coi đại dịch chết người là một trong ba mối đe dọa lớn nhất của thế giới, bên cạnh biến đổi khí hậu và chiến tranh hạt nhân. Con người đang thờ ơ với những mối đe dọa sinh học, Gates nói trong một bài thuyết trình vào năm 2018 . "Thế giới cần chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, và phải khẩn trương như cách chuẩn bị cho chiến tranh".
Mặc dù chúng ta đã được sống trong một thế giới cơ bản hòa bình, kinh tế phát triển, hệ thống y tế được nâng cấp và đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ các đại dịch cúm bùng phát, các nhà khoa học vẫn cho rằng con người chưa bao giờ sẵn sàng để đối mặt với một virus cúm có khả năng hủy diệt trên phạm vi toàn cầu.
Các thách thức mới được đặt ra hiện tại bao gồm: sự thay đổi nhân khẩu học, tập trung dân cư đô thị hóa, sự phát triển của hàng không dân dụng, kháng kháng sinh và biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu có thể làm thay đổi mô hình lây nhiễm từ các loài động vật làm vật chủ trung gian, khiến chúng ta bị bất ngờ.
Kháng kháng sinh cũng là một vấn đề. Hầu hết nạn nhân bị giết chết trong các đại dịch vì mắc nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, một thứ mà thuốc kháng sinh có thể hữu ích. Nhưng kháng sinh ngày càng bị vi khuẩn kháng lại mạnh mẽ, điều này làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn thứ phát trong dịch bệnh tiếp theo khi nó bùng phát.
"Thế giới cần chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, và phải khẩn trương như cách chuẩn bị cho chiến tranh" - Bill Gates.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology, dự đoán dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát và lan rộng trong thế giới phát triển, khi một tỷ lệ cao dân số đang phải đối mặt với béo phì và bệnh tiểu đường.
"Những gì chúng ta biết từ đại dịch năm 2009 là những người mắc một số bệnh (như béo phì và tiểu đường) dễ phải nhập viện và tử vong hơn vì cúm", Kirsty Short, đến từ Đại học Queensland cho biết.
Sự thật là chủng virus corona mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hiện nay cũng đang giết chết chủ yếu là những người có hệ miễn dịch kém do đã mắc các bệnh mạn tính trước đó.
"Phần lớn những người tử vong đều trên 65 tuổi và có tiền sử các bệnh lý nền nghiêm trọng. Các bệnh lý nền đã được báo cáo bao gồm tiểu đường, các vấn đề về tim mạch, gan và các bệnh về hô hấp khác", theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trước khi dịch SARS xuất hiện vào năm 2003, Toner cho biết một đồng nghiệp của anh tại Johns Hopkins cũng đã đưa ra những cảnh báo sớm, rằng đại dịch tiếp theo có thể là một loại virus corona. Sau đó thì SARS xuất hiện, chứng minh rằng anh ta đã đúng.
"Kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã lo ngại về những nguy cơ tiềm tàng của virus corona", Toner nói. "Và điều đó đã được củng cố bởi MERS". Hiện tại không hề có cách chữa trị đặc hiệu nào cho chủng virus corona ở Vũ Hán. SARS và MERS cũng vậy.
"Chưa có liệu pháp nào được công nhận giúp chống lại virus corona," Mike Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình khẩn cấp y tế tại WHO, cho biết. Ông nói thêm rằng điều tốt nhất mà các bệnh viện có thể làm là "hỗ trợ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, đặc biệt là hỗ trợ hô hấp và hỗ trợ suy đa tạng".
Vắc-xin: Hệ thống phòng thủ mạnh nhất đang thất bại
Vì virus corona ở Vũ Hán là một chủng virus mới, các chuyên gia chưa có thời gian để phát triển vắc-xin dành cho nó.
Một số công ty, bao gồm Moderna, Novavax và Inovio, đã công bố kế hoạch phát triển vắc-xin sơ bộ. Nhưng việc đưa vắc-xin ra thị trường thường là một quá trình gian khổ kéo dài nhiều năm (vắc-xin Ebola đã mất 20 năm). Không có công ty nào có thể đưa ra một mốc thời gian, thậm chí chỉ là dự kiến.
Các nhà khoa học tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia, Pháp, Bỉ và Hong Kong đã tuyên bố kế hoạch phát triển vắc-xin của mình.
"Chúng tôi đã đang làm việc với nó. Và hy vọng trong khoảng thời gian ba tháng, chúng tôi sẽ có thể bắt đầu thử nghiệm [vắc-xin] giai đoạn I trên người", Mitch Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia tại Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đã nói với Bloomberg trong tháng 1.
Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, phải tới mùa hè này, chúng ta có thể bắt đầu chứng kiến cuộc đua của các ứng cử viên vắc-xin cho virus corona mới khi chúng được đưa vào thử nghiệm.
Cùng lúc đó, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với công ty công nghệ sinh học Moderna để bắt đầu nghiên cứu vắc-xin cho chủng virus corona mới ở Vũ Hán. Liên minh Dự bị ứng phó Dịch bệnh Tiên tiến (CEPI) cũng tuyên bố họ đã tài trợ cho ba nhóm các nhà khoa học, bao gồm nhóm ở Moderna, để phát triển các phiên bản vắc-xin chống lại 2019-nCoV.
Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, phải tới mùa hè này, chúng ta có thể bắt đầu chứng kiến cuộc đua của các ứng cử viên vắc-xin cho virus corona mới khi chúng được đưa vào thử nghiệm.
Tuy nhiên, điều đó một lần nữa cho thấy con người chỉ đang bị động với các đại dịch, tạo cơ hội cho chúng liên tục lặp lại.
Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Texas cho biết: Các cuộc chạy đua điều chế vắc-xin này vẫn phản ánh bản chất "nước đến chân mới nhảy" của hệ thống y tế hiện nay.
"Chúng ta hiện đang có hai lỗ hổng lớn trong hệ thống vắc-xin. Một là vắc-xin cho các bệnh có khả năng gây đại dịch như Ebola hoặc SARS, và hai là vắc-xin cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên", ông nói với Gizmodo. "Nguyên nhân là do cả hai loại vắc-xin này đều không có xu hướng [tạo ra lợi nhuận để] kiếm tiền".
Trở lại vài năm trước đây, Hotez và nhóm của ông đã dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu vắc-xin chống lại virus SARS, một chủng cùng gia đình với virus Vũ Hán ở thời điểm hiện tại. Họ đã thành công với thử nghiệm trên chuột, vắc-xin đã giúp ngăn chặn virus SARS.
Vào năm 2017, Hotez đã công bố nghiên cứu cho thấy nhóm của ông có thể sản xuất vắc-xin hàng loạt bằng nấm men, như một cách dễ dàng và an toàn để ngăn chặn dịch bệnh.
Thời gian tính từ khi dịch bệnh bùng phát cho tới thời điểm vắc-xin được thử nghiệm giai đoạn I của 4 dịch bệnh gần đây.
Nhưng công việc cuối cùng chỉ dừng lại ở đó. Nghiên cứu của Hotez sử dụng nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách Hoa Kỳ, được tài trợ thông qua Viện Y tế Quốc gia (NIH). Khi ông có ý định theo đuổi hướng nghiên cứu sâu hơn và sản xuất vắc-xin hàng loạt, chính phủ Mỹ đã từ chối tài trợ cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Trên thực tế, vắc-xin SARS có vẻ không còn cần thiết vào thời điểm đó. Năm 2002, đại dịch SARS bùng nổ trên khắp thế giới đã lây nhiễm hơn 8.000 người và giết chết gần 800 người trong số họ. Các ca tử vong chủ yếu là ở Trung Quốc, giới hạn trong khoảng thời gian 6 tháng. Rồi từ đó, SARS đã không được báo cáo kể từ tháng 7 năm 2003. Chủng virus này có khả năng đã tuyệt chủng.
Mặc dù vậy, đợt bùng phát tại Vũ Hán năm nay cho thấy, ngoài kia còn có rất nhiều chủng virus corona khác giống như SARS, có khả năng nhảy từ động vật sang người và gây ra những đại dịch bệnh.
Nếu những nghiên cứu của Hotez tiếp tục được tài trợ, dù nó không có tính thực tiễn trong ngắn hạn, ông cho biết chúng ta sẽ có được một hệ thống phát triển vắc-xin chủ động. Trung Quốc và cả thế giới sẽ được trang bị tốt hơn nhiều, trong số đó có các vắc-xin để chống lại chủng 2019-nCoV này.
"Đó là một trong những nuối tiếc lớn của chúng tôi. Khi đại dịch SARS chấm dứt, không ai muốn đầu tư vào vắc-xin SARS. Vì vậy, trong ba, bốn năm qua, các mẫu vắc-xin đã bị bỏ lại trong những chiếc tủ đông", Hotez nói. "Nếu chúng ta có một hệ thống dự đoán tốt hơn, những vắc-xin đó đã có thể trải qua tất cả các thử nghiệm an toàn cần thiết, và có khả năng sẵn sàng được thử nghiệm ngay từ đầu [khi dịch bệnh ở Vũ Hán bùng phát]".
Virus corona rồi sẽ qua, nhưng chúng ta sẽ còn phải lo lắng cho những dịch bệnh tiếp theo nữa
Vậy là kịch bản đã và có thể sẽ liên tục lặp lại. Con người phát triển vắc-xin cho các chủng virus và dịch bệnh mới, nhưng sẽ luôn có một chủng cúm nằm ngoài tầm quét của chúng ta và phát triển thành dịch.
Các siêu đô thị, biến đổi khí hậu và sự phổ biến của hàng không dân dụng sẽ thúc đẩy virus lây lan. Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh, đói nghèo ở các nước kém phát triển và béo phì, tiểu đường ở các nước phát triển sẽ đẩy số người tử vong lên cao.
Với các kỹ thuật mới nhất hiện nay, các công ty dược phẩm sẽ phải mất từ 3-6 tháng để sản xuất vắc-xin chống lại chủng cúm mới và có thể là nhiều năm nữa để triển khai đại trà đến người dân. Trong khoảng thời đó, nhân loại đơn thuần là không có bất kể một sự bảo vệ nào ngoài việc đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên.
Tham khảo Businessinsider