Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái

Văn Tiên - Clip: Phú Tuấn, Theo Trí thức trẻ 14:15 12/10/2023

Trên chiếc xe ba gác chất đầy dừa, ông Năm loay hoay chặt từng trái một để bán cho khách, chốc chốc lại đưa tay quệt mồ hôi, thở khó nhọc.

Ông Năm bán dừa tắc nuôi vợ bệnh và lòng nhân ái của người Sài Gòn

Mưu sinh tuổi già vì không muốn khổ con cái

Người ta thường bảo, người già sẽ được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu nhưng có lẽ với ông Hồ Văn Điệp, điều đó không hề tồn tại. Dù đã hơn 70 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn chở xe dừa đầy ắp từ nhà trọ quận 4 sang quận 10 để bán, mong có chút tiền lời để về trang trải cuộc sống.

Nhiều năm nay, người dân ở góc đường Tô Hiến Thành – Đồng Nai đã quen với hình ảnh một ông già lọm khọm, ngồi nép mình bên xe dừa, chốc chốc lại vẫy tay mời mọi người ghé ủng hộ. Người dân gọi ông với cái tên thân thương là ông Năm dừa tắc.

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 2.

Một ngày của ông Năm bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn bên xe ba gác chất đầy dừa

"Ông bán được 5-6 năm rồi, lúc trước còn đi làm được, ông làm bảo vệ ở ngân hàng, sau 65 tuổi họ không nhận nữa nên ông mới đi buôn bán để kiếm sống qua ngày", ông Năm cười nghẹn.

Theo chia sẻ của ông Năm, dù 2 vợ chồng có được 4 đứa con (3 trai, 1 gái) nhưng tất cả đều có gia đình, đặc biệt hoàn cảnh khó khăn khi phải chạy vạy lo cho con cái ăn học nên ông Năm cũng không đòi hỏi con cái phải chu cấp, nuôi cha mẹ già. Lúc trước khi vợ ông Năm chưa bị tai biến, thu nhập mỗi ngày của ông Năm đủ để xoay xở trong nhà.

"Mấy năm nay bà bệnh, ông cũng bệnh nên cuộc sống khó khăn hơn, vợ chồng già cố gắng gói ghém tới đâu hay tới đó chứ không phiền con cái, đứa nào cũng thương cha mẹ hết á. Thà tụi nó mà dư ăn dư để nhưng không lo cho ông bà thì mình mới buồn, chứ đây tụi nó cũng khổ, ông bà sao trách được. Thôi để ông đi bán rồi lo cho bà, có điều hôm trước dầm mưa, ông bị bệnh nằm ở nhà mấy ngày, có đi bán được đâu…", nói đoạn, ông Năm lấy trong túi ra ống hít hen suyễn, thở mệt mỏi.

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 3.
Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 4.

Vì không muốn con cái phải thêm gánh nặng, ông Năm tự mưu sinh để lo cho 2 vợ chồng già

"Ông bị hẹp phế quản, thấy mệt là phải hít vào để thở, đủ thứ bệnh hết mà ông không dám đi bệnh viện, sợ bác sĩ kêu nhập viện thì biết làm sao. Chuyện lo cho bà ở nhà, buôn bán mỗi ngày ai lo, nên thôi kệ, tới đâu hay tới đó".

Mỗi ngày, ông Năm phải thức dậy từ sớm, sau khi ăn uống và dọn dẹp trong nhà, ông Năm mới bắt đầu chở xe dừa từ nhà trọ (đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) sang góc đường Tô Hiến Thành (quận 10) để bán. Nào hết dừa, ông Năm lại chạy xe ra gần chợ đầu mối Bình Điền để mua dừa, chuẩn bị cho ngày bán kế tiếp.

"Chỉ có ngày chủ nhật là ông nghỉ thôi, nhưng hôm đó cũng phải đi lấy dừa để tuần sau bán. Nói chứ làm riết rồi ông trời ổng cũng cho ông sức khỏe, cứ rề rề đi buôn bán để kiếm cơm mỗi ngày", ông Năm tâm sự.

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 5.

Ly dừa tắc của ông Năm vô cùng chất lượng, ít đá nhiều nước khiến ai cũng hài lòng

Nhiều bạn trẻ chung tay ủng hộ dừa tắc ông Năm

Thấy cuộc sống ông Năm vất vả, hàng ngày lại phải tất bật cho cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho người vợ già mất sức lao động, nhiều bạn trẻ đã tìm đến quay clip để giúp ông Năm thêm đắt khách.

Xuất phát từ tấm bảng cũ được vẽ mới từ 2 bạn trẻ nhóm "Vẽ hạnh phúc", rất nhiều TikToker đã đến chia sẻ câu chuyện của ông Năm lên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, gánh dừa tắc của ông Năm bỗng trở nên tấp nập hơn.

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 6.

Nụ cười hiền hậu của ông Năm khi có nhiều người đến ủng hộ dừa tắc

"Mấy cháu học sinh, người dân tới ủng hộ ông nhiều lắm, thay vì lúc trước 1 ngày ông bán có 30 ly, giờ ông bán được 60-70 ly. Ông cảm động lắm, mấy cháu còn nhỏ mà thật tâm giúp đỡ những người lớn tuổi mưu sinh, điều đó quý lắm. Mấy con như đem tới sức mạnh, truyền cho ông thêm động lực để tiếp tục cuộc sống", ông Năm xúc động nói.

Với số tiền kiếm được mỗi ngày từ 300-350 ngàn đồng, nếu không phải lo những khoản thuốc men, đau ốm phát sinh, ông Năm cho biết đã đủ để 2 vợ chồng già xoay xở trả tiền thuê trọ, ăn uống qua ngày.

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 7.
Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 8.

Ngoài trả tiền dừa tắc, anh Hải còn gửi tặng ông Năm thêm 1 ít tiền để trang trải thêm cho cuộc sống

Chạy xe từ quận 6 sang quận 10 để ủng hộ dừa tắc cho ông Năm, anh Hải cho biết thấy ông Năm già cả nên ghé lại mua ủng hộ. "Ông Năm bán dừa tắc ngon lắm, anh chị cũng thỉnh thoảng ghé mua, cứ chạy ngang đây là đến ủng hộ ông, tội nghiệp", anh Hải nói.

Sau khi biết thêm về hoàn cảnh của ông Năm, anh Hải cũng đã gửi tặng ông Năm thêm ít tiền để trang trải thêm thuốc men cho bà. Nhìn thấy tình người ấm áp, ông Năm rưng rưng nước mắt.

"Vui lắm con, ông thấy sao mà tình người nó ấm áp quá, tuy đi bán rất mệt nhưng được mọi người ủng hộ, ông thấy vui lắm. Giờ ông chỉ mong sao có đủ sức khỏe để đi bán mỗi ngày, vợ chồng già kiếm sống qua ngày chứ lớn tuổi rồi, ông đâu còn mong mỏi gì hơn…".

Chuyện đằng sau chiếc xe ba gác của chú Năm dừa tắc: Mưu sinh nuôi vợ tai biến, không muốn khổ con cái - Ảnh 9.

Mỗi ngày từ 8h sáng đến 2-3h chiều, góc đường Tô Hiến Thành - Đồng Nai là địa điểm mà ông Năm đứng bán từ nhiều năm nay

12h trưa, dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, nụ cười của ông Năm vẫn hiện hữu trên khuôn mặt khắc khổ. Nhờ có sự ủng hộ của mọi người, xe dừa tắc của ông Năm mỗi lúc một vơi, ai cũng mong góp một chút để ông Năm được về nhà sớm hơn, lo cho người vợ già bệnh tật.