"Chuyện cổ tích" Instagram tại Silicon Valley

Du Lam, Theo ICTNews 20:33 20/03/2022
Chia sẻ

Chỉ sau 551 ngày thành lập với vỏn vẹn 13 nhân viên, startup Instagram đã gây tiếng vang khi được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD.

Sự bùng nổ nhanh chóng của Instagram được ví như câu chuyện cổ tích tại Thung lũng Silicon, khi công ty giành được thành công chóng vánh. Song, cũng như những chuyện thần tiên khác, hành trình của Instagram cũng trải qua không ít sóng gió.

Từ số không tới 1 tỷ USD

Năm 2009, cựu sinh viên Stanford Kevin Systrom đang làm việc tại startup gợi ý du lịch Nextstop. Trước đây, anh từng làm cho Google và thực tập tại Odeo (tiền thân của Twitter). Do không được đào tạo bài bản về khoa học máy tính, Systrom tự mày mò vào buổi tối và cuối tuần. Sau cùng, anh phát triển nguyên mẫu ứng dụng có tên Burbn. Burbn cho phép mọi người “check-in”, đăng tải kế hoạch và chia sẻ hình ảnh. Thời điểm đó, các ứng dụng check-in dựa trên địa điểm rất phổ biến, trong khi tính năng chia sẻ ảnh của Burbn tỏ ra độc đáo.

Bước ngoặt đến với Systrom vào tháng 3/2010 khi anh tham gia bữa tiệc của startup Hunch tại Thung lũng Silicon. Tại đây, anh gặp hai nhà đầu tư mạo hiểm đến từ hai quỹ Baseline Ventures và Andreessen Horowitz và trình bày về ý tưởng của mình. Họ quyết định gặp nhau để bàn bạc thêm. Sau buổi gặp đầu tiên, Systrom quyết định nghỉ việc để tập trung vào Burbn. Trong vòng hai tuần, anh huy động được nửa triệu USD trong vòng hạt giống từ Baseline Ventures và Andreessen Horowitz.

Chuyện cổ tích Instagram tại Silicon Valley - Ảnh 1.

Hai nhà sáng lập Instagram Kevin Systrom (phải) và Mike Krieger

Số tiền giúp Systrom xây dựng được một nhóm, trong đó, người đầu tiên gia nhập là Mike Krieger. Cũng là một cựu sinh viên Stanford, Krieger từng làm kỹ sư và nhà thiết kế trải nghiệm người dùng tại mạng xã hội Meebo. Hai người biết nhau khi còn chung trường. Rất nhanh chóng, cả hai đánh giá lại Burbn và nhận ra chỉ nên tập trung vào một thứ, đó là ảnh chụp bằng điện thoại di động. Họ nghiên cứu kỹ lưỡng các ứng dụng hàng đầu về chụp ảnh khi đó. Với Krieger và Systrom, Hipstamatic nổi bật nhất vì nhiều người yêu thích và sở hữu các tính năng hấp dẫn. Systrom và Krieger nhìn thấy tiềm năng của ứng dụng kết hợp giữa Hipstamatic và Facebook.

Họ quyết định tinh giản Burbn, chỉ còn xoay quanh ảnh, bình luận và tính năng “thích”. Burbn đổi tên thành Instagram, nhấn mạnh vào trải nghiệm chia sẻ hình ảnh. Họ muốn ứng dụng tối giản hết mức có thể và chỉ có vài tính năng. Sau 8 tuần hiệu chỉnh, họ đưa cho bạn bè dùng thử và đánh giá. Khắc phục vài lỗi xong xuôi, họ đưa lên chợ App Store.

Instagram chính thức ra mắt ngày 6/10/2010 trên iOS và thu hút 25.000 người ngay trong ngày đầu. Cuối tuần đầu tiên, ứng dụng được 100.000 lượt tải. Đến giữa tháng 12, số người dùng chạm mốc 1 triệu. Thời điểm xuất hiện của Instagram không thể hoàn hảo hơn khi iPhone 4 với máy ảnh tiên tiến vừa được tung ra vài tháng trước đó.

Chứng kiến nền tảng người dùng tăng mạnh, các nhà đầu tư bắt đầu để ý tới Instagram. Tháng 2/2011, Instagram huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Serie A. Ngoài ra, startup cũng nhận sự quan tâm của các mạng xã hội lớn như Twitter, Facebook. Twitter được cho là ra giá 500 triệu USD với Instagram nhưng bất thành.

Tháng 3/2012, Instagram đạt xấp xỉ 27 triệu người dùng. Tháng 4/2012, ứng dụng có mặt trên Android và được tải gần 1 triệu lượt chỉ trong một ngày. Khi ấy, công ty chuẩn bị khép lại vòng gọi vốn mới, nâng định giá lên 500 triệu USD. Systrom và CEO Facebook Mark Zuckerberg quen nhau qua các sự kiện tại Stanford và vẫn liên lạc từ buổi đầu thành công của Instagram.

Tháng 4/2012, Facebook đề nghị mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD, kèm điều khoản quan trọng là cho phép họ hoạt động độc lập. Ngay trước khi IPO, công ty của Zuckerberg đã mua Instagram. Tháng 12 năm đó, Instagram gặp rắc rối đầu tiên khi cập nhật điều khoản dịch vụ. Theo đó, Instagram có quyền bán ảnh của người dùng cho bên thứ ba mà không cần thông báo hay bồi thường. Động thái ngay lập tức bị chỉ trích từ người dùng và các nhà vận động quyền riêng tư. Instagram đã phải nhượng bộ khi thu hồi điều khoản gây tranh cãi.

Cỗ máy in tiền

Khi Facebook mua lại Instagram, nhiều nhà đầu tư phải “nhíu mày”. Xét cho cùng, Instagram vẫn chưa làm ra tiền và hoạt động chưa đầy 2 năm. Thế nhưng, Facebook đã chứng tỏ sự cáo già của mình khi 7 năm sau, Instagram đã mang về 20 tỷ USD doanh thu quảng cáo, chiếm hơn 1/4 doanh thu của Facebook. Google tiết lộ YouTube đóng góp 15,1 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong cùng kỳ. Như vậy, Instagram đã lớn hơn cả YouTube, nền tảng ra đời trước 5 năm.

Theo hãng nghiên cứu eMarketer, ứng dụng hiện có khoảng hơn 1 tỷ người dùng. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, giá trị của Instagram vào khoảng 100 tỷ USD năm 2018. Nói cách khác, Facebook đã mua được một “món hời”.

Gần chục năm trước, Instagram chỉ là ứng dụng chia sẻ ảnh và video đơn thuần. Song, hiện tại, quảng cáo trên Instagram ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, nhà quảng cáo có thể hiển thị các slideshow và liên kết dẫn đến website bên ngoài Instagram. Nhờ có Facebook chống lưng, sức mạnh quảng cáo của Instagram vượt xa nhiều đối thủ khác và chiếm thị phần lớn. Khi xu hướng điện toán chuyển dịch từ máy tính sang điện thoại, đặc biệt giữa lớp người dùng trẻ, Instagram có vô số lợi thế để chiếm lĩnh thị trường.

Đổi lại, Instagram ngày càng phụ thuộc vào Facebook, tới mức hai nhà sáng lập Kevin Systrom và Mike Krieger đã từ chức vào năm 2018 để phản đối. Instagram không còn “giả bộ” họ là một phần thuộc Facebook nữa. Hậu quả là Instagram ngày càng giống với một trang thương mại điện tử như eBay hay Amazon.

Năm 2019, Instagram giới thiệu mua hàng trong ứng dụng, cho phép người dùng mua hàng mà không cần rời khỏi trang. Khi dịch Covid-19 khởi phát, sự “biến tướng” càng trở nên rõ ràng và đẩy nhanh hơn. Đó có thể là điểm cộng cho việc kiếm tiền của Instagram nhưng không phải cho nội dung. Instagram có nguy cơ trở thành trung tâm mua sắm trực tuyến vô tận, nơi khách hàng cũng là người bán. Mặt trái của nó là hình ảnh trên ứng dụng ngày càng giống nhau, khuôn sáo và nhạt nhẽo.

Dù bổ sung nhiều chức năng mới, Instagram không còn đi theo con đường ban đầu mà các nhà sáng lập mong muốn. Từ chỗ chỉ là nơi để chia sẻ hình ảnh riêng tư, Instagram đã trở thành “tiệm tạp hóa”, thành nơi phát động các chiến dịch, sự kiện ngoài đời thực. Cũng như Facebook, họ đối mặt với các vấn đề mới như tin giả, kiểm duyệt, trách nhiệm quản trị. Cùng với đó là cuộc chiến giành người dùng trẻ với những đối thủ như Snapchat, TikTok. Thực tế, Instagram đã “học hỏi” và sao chép các tính năng của kình địch với Instagram Stories, Instagram Reels.

Ra đời với sứ mệnh đơn giản là giúp mọi người lưu giữ khoảnh khắc và thay đổi cách thế giới liên lạc, chia sẻ, Instagram ngày nay không còn là một ứng dụng chia sẻ ảnh nhỏ bé nữa mà đã là một đế chế truyền thông lớn. Dù thế nào, Instagram vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta một thời gian dài nữa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày