Nằm ẩn mình trong một con hẻm nhỏ ở Hà Nội, quán cà phê bé xinh 4 tầng thu hút mọi ánh nhìn bởi sự độc đáo và lạ kì vốn có. Đây không chỉ là nơi bạn có thể nhâm nhi một tách trà chiều, hay ngồi suy tư viển vông trong một ngày xuân chớm lạnh, mà còn là không gian dành cho những ai yêu môi trường, muốn hướng đến cách sống xanh và hiện đại.
Lối vào quán cà phê "bí ẩn" nằm trong con ngõ nhỏ, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về nội thất và thiết kế bên trong.
Anh Nguyễn Văn Thơ gọi quán cà phê của mình là một "viên ngọc ẩn", được anh kiếm tìm từ trong những bãi rác rồi gọt giũa để được như ngày hôm nay. Gần 95% vật liệu từ bàn ghế, ống hút, cốc chén,... đều là đồ tái chế, 5% còn lại hoàn toàn thân thiện với môi trường. Ở đây có những đầu máy cày, xe rùa chở xi măng, bánh xe, thùng sơn hay đơn giản là những chai nhựa cũ đều được tái chế và sửa sang đẹp lên.
Để có được 100 chiếc cốc độc đáo, anh đã phải cắt hơn 400 chai rượu và gia công kỹ lưỡng. 1.000 chai nhựa được sắp xếp và trang trí bằng bột màu pha lẫn nước. Mọi ngóc ngách trong quán đều chở theo thông điệp: sống xanh - suy nghĩ xanh - hành động xanh.
Anh Thơ có ý tưởng mở một tiệm cà phê tái chế cách đây hơn một năm, sau khi chứng kiến quá nhiều nỗi ám ảnh liên quan tới "cái chết K". Nhiều thôn xóm ở Bắc Ninh quê anh từng được gọi bằng danh xưng là làng ung thư, bởi người này người kia cứ thay nhau... chết! Không còn những cơn gió nhẹ mang theo mùi đất, mùi nước, mùi phù sa, mùi rơm rạ của ngày xưa. Hương vị thiên nhiên bị thay thế bởi màu nước đen ngòm, mùi hôi thối từ những bãi rác, rồi túi ni lon, xác động vật chết, chai lọ hóa chất.
Nhiều lúc anh Thơ cảm thấy buồn, vì những người thân, người làng cứ lặng lẽ ra đi vì ung thư.
Không gian đậm chất "tái chế" bên trong quán cà phê.
Quán cà phê độc đáo từ những đồ tái chế lượm nhặt trong những bãi rác.
Đèn chùm làm từ lốp xe máy.
Trần nhà từ 1.000 chai nhựa.
"Bắc Ninh là nơi ô nhiễm rất nặng bởi những làng nghề và khu công nghiệp, nặng đến mức sau một năm, mọi vật dụng trong nhà đều hư hỏng. Người chết rất nhiều, trong làng gần như lúc nào cũng có người mang "án tử"".
Anh Thơ nói thêm, ngày xưa đâu có nhiều rác như bây giờ! Đồ ăn thừa sẽ cho lợn, gà, chó, phân động vật và cả của con người được dùng để bón ruộng, tạo ra cân bằng tự nhiên. Vòng đời một chiếc quần, chiếc áo lên tới 10, thậm chí là 20 năm, còn bây giờ có khi chỉ được mặc một lần rồi ném vào thùng rác. Tương tự với tất cả mọi vật dụng khác từ đôi dép cho tới cái bàn ghế, giường tủ cho tới xe cộ.
Vậy nên, lượng rác một người thải ra môi trường khi ấy gần như là con số không.
Trưởng thành, anh Thơ theo nghề hướng dẫn viên du lịch, được đi đây đi đó nhiều, mở rộng hiểu biết. "Ở nước ngoài, người ta rất sạch sẽ, họ cố gắng giữ môi trường tốt nhất có thể. Mỗi lần về quê, tôi muốn tìm lại cảm giác, không khí bình yên nhưng không thể..."
Anh Nguyễn Văn Thơ - chủ quán cà phê tái chế.
Những vỏ chai nhựa được tận dụng để kết thành trần tầng 4 của quán.
Sau khi bà nội mất, ván quan tài của bà, dân gian gọi là ván thôi, được anh em trong nhà anh Thơ mang về rửa sạch, lọc hết đinh, ngâm xuống ao một vài tháng cho hết mùi, rồi kéo lên làm cửa chuồng bò.
"Từ đó tôi nghĩ, ngay cả chiếc ván thôi còn tái chế được thì không gì là không thể tái chế".
Anh Thơ cùng bạn bắt đầu rong ruổi khắp nơi, lục tung từ tiệm đồng nát này tới tiệm đồng nát khác, từ bãi rác này tới bãi rác khác, không ngại khó, ngại khổ, ngại bẩn. Hôm nay, anh ở Bắc Ninh, có lúc ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và cả Hà Nội để thu mua, nhặt nhạnh, xin lại những thứ đồ người khác bỏ đi. Anh ưa thiết kế, ưa mày mò, học cách tái chế rác thải thành đồ dùng cho quán cà phê, để từ đó, mỗi người khi đến tham quan, sẽ ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.
Những chiếc lốp xe, xe máy, thùng sơn,...
... cho tới những bóng đèn, xe máy hỏng.
"Trước khi đến đây, người ta có thể vứt một chai nước, nhưng không biết rằng thứ vừa bị bỏ đi có thể làm nên nhiều vật dụng khác, có ích hơn. Nhựa và túi nilon quá rẻ nên sau khi dùng xong, chả ai gom lại và tái chế cả.
Khi tôi bắt đầu làm, ai cũng bảo "như một cánh én không làm nên mùa xuân", bởi ai cũng nghĩ, rằng người khác sẽ bảo vệ môi trường chứ không phải mình. Tôi cũng từng nghĩ như vậy, nhưng nó hoàn toàn sai".
Sau 2,5 tháng kiên trì, anh Thơ cho ra đời một quán cà phê sử dụng nhiều vật liệu tái chế lớn nhất Hà Nội. Tất cả các chất liệu từ kim loại, gỗ, nhựa, thủy tinh, sành sứ, composite đều được tái chế hết.
Bất kì vị khách nào mang tới quán cà phê những chai nhựa, anh Thơ sẽ giảm giá hoặc thu mua lại. Nếu bạn gọi một tách cà phê take-away (mang đi), quán sẽ không bán, trừ phi bạn tự mang cốc cá nhân tới. Đằng sau một nhựa đồ uống, là cả một vấn nạn xả rác rất lớn.
Thông điệp "Nói không với đồ nhựa" được dán nhiều nơi trong quán.
Ở đây, những cốc, tách, lọ hoa đều được cắt ra từ những chai bị vứt đi, ống hút gỗ và inox thay thế cho ống hút nhựa.
Những bức bích họa khiến không gian càng thêm vintage và thu hút.
"Nếu như cá nhân tôi đi thu gom rác thải cũng sẽ nhanh thôi, nhưng tôi muốn chính khách hàng của mình là những người làm việc đó. Một khi chính họ góp phần tái chế, họ sẽ hiểu và ghi nhớ. 10-20% giảm giá cho việc họ mang chai nhựa đến đôi khi không quan trọng với họ, cái chính là họ biết lần sau sẽ không xả rác ra môi trường nữa".
Những thứ người khác bỏ đi anh Thơ gọi là những viên ngọc ẩn để xây nên quán cà phê thân thương của mình. Bông hoa nở ra từ bãi rác, bao giờ cũng thế, mang vẻ đẹp lạ kì, nhưng tràn đầy sức sống.
"Tôi không muốn rác vẫn là rác, rác phải là một nguồn tài nguyên. Đừng vội vứt bất cứ thứ gì, bạn hãy xem xét thật kỹ, biết đâu lại phát hiện ra những giá trị bất ngờ của nó". Và tôi đã phát hiện được những "giá trị bất ngờ" ẩn trong đống rác thải kia".