3 chị em từ 3 quận khác nhau, giờ đang ngồi chung một băng ghế tại con đường dọc theo bãi biển Coney Island, tay nâng ly bia ăn mừng ngày hội họp. Thanh thiếu niên cầm găng và chày, chui qua lỗ hổng hàng rào của một sân bóng chày để tổ chức thi đấu. Còn tại một cửa hàng quần áo ở Brooklyn, quản lý mặc nhiên khẳng định với phóng viên rằng họ vẫn chưa mở cửa, dù ai cũng nhìn thấy khách hàng đang chọn đồ bên trong.
Trên thực tế, thành phố New York đang ở trong giai đoạn 1 của việc tái mở cửa, giai đoạn cho phép các cửa hàng phục vụ khách mua mang về, nhưng vẫn hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng. Hôm 18/6, thị trưởng Bill de Blasio thông báo thành phố sẽ bước sang giai đoạn 2 vào thứ 2 tuần tới, ngày 22/6.
Nhưng đó là trên lý thuyết. Nếu có mặt tại New York vào lúc này, bạn hầu như chẳng thấy bóng dáng của sự hạn chế nữa. Nơi người dân từng lập tức trốn chạy khi nghe thấy tiếng ho từ cách xa hàng trăm mét, từng khóc thương cho số phận của hơn 100.000 người đã tử vong, giờ thoải mái đến lạ kỳ.
Những nhóm bạn tụ tập mà không đeo khẩu trang trong công viên Domino, Brooklyn, New York
New York vốn là tâm điểm trong những ngày đầu đại dịch Covid-19 chạm đến nước Mỹ, giờ trở thành biểu kế đánh giá sự hồi phục của cả nước, sau khi hạ thành công số ca tử vong mỗi ngày từ 799 người hôm 8/4, xuống còn 19 ca trong ngày 16/6. Nhưng các đợt dịch mới xuất hiện tại Florida, Arizona và Texas - các tiểu bang tái mở cửa sớm hơn đang cho thấy sự nguy hiểm của việc thiếu cảnh giác là như thế nào.
Nhưng New York cũng mang đến một biểu kế khác thể hiện khát khao thay đổi của công chúng, bất chấp suy nghĩ của những nhà cầm quyền. Thành phố như thể đang tái xây dựng nhưng không bằng gang thép, mà bằng những chiếc bánh kẹp phô-mai được bày biện ở một buổi tiệc ngoài trời, bằng những người cha đang bồng con trước cánh cửa sân chơi vẫn chưa được phép mở lại. Nhộn nhịp hơn rất nhiều, và sự giãn cách gần như không còn nữa.
Mọi người tụ tập trước cửa một quán bar tại Williamsburg
"Chúng ta vượt qua rồi! Tôi khẳng định đấy," - trích lời Alba Cuba (66 tuổi), hiện đang gồi kế bên 2 người chị của mình là Magnolia Garcia (74 tuổi) và Maria Velez (86 tuổi). Họ sinh sống ở 3 quận khác nhau, chỉ mới họp mặt sau thời gian phải tuân thủ quy định cách ly tại gia. Trên tay họ là chiếc khẩu trang, và chẳng ai có ý định đeo lên.
Phía dưới bãi biển, một cảnh sát huýt còi, yêu cầu người đang tắm lên bờ. Nhiều người tụ tập đông đúc trên hè phố, mà đôi khi là tại những chiếc bàn ăn ngoài trời vốn không được phép tổ chức ăn uống cho đến khi bước vào giai đoạn 2.
Trước cửa một nhà hàng có bày biện bàn ghế, để khách hàng ngồi chờ trước khi những phần ăn được đóng gói mang về. Nhưng trên thực tế, nhiều người ngồi nán lại và ăn luôn, và theo Eytan Sugarman - chủ nhà hàng, thì đó không phải trách nhiệm của ông.
"Tôi chẳng phải cảnh sát, nên cũng không có quyền yêu cầu họ đứng lên và cuốn gói," - ông cho biết. Ngoài ra, Sugarman chia sẻ ông có nỗi lo lớn hơn, đó là để tồn tại. "Tôi nghĩ ngành nghề này đang đối mặt với sự sụp đổ." Được biết, quán bar của Sugarman nằm trong số những quán lâu đời nhất của New York, và "hoàn toàn có thể sập tiệm" - ông nói.
Hôm 18/6, sau khi nhận được rất nhiều báo cáo về việc người dân tụ tập ăn uống dù chưa được phép, thống đốc bang Andrew M. Cuomo cho biết ông sẵn sàng tước giấy phép kinh doanh rượu bia của bất kỳ quán bar nào vi phạm quy định.
Các ngành nghề khác cũng đang thể hiện sự tự do vượt ngoài khuôn khổ. Một cửa hàng quần áo tại Brooklyn treo biển "sale nửa giá", cửa mở sẵn dù mới đang là giai đoạn 1. Bất chấp việc có khách ra vào, quản lý cửa hàng khẳng định với phóng viên rằng "cửa hàng chưa mở, chỉ là đang dọn dẹp", rồi vẫy tay xua 2 người phụ nữ đang ngắm quần áo bên trong.
Kể từ khi ban hành lệnh phong tỏa vào tháng 3/2020, thành phố New York đã ban hành 11.000 biên bản cảnh báo, cùng 2000 lệnh triệu tập dành cho những người vi phạm. Dẫu vậy, luật vẫn bị lách, khi có nhiều cửa hàng bí mật hoạt động.
Một sân chơi công cộng tại Williamsburg vẫn đóng cửa, nhưng khóa đã bị bẻ. Trẻ con chơi xích đu bên trong, còn cha mẹ chúng trông chừng phía ngoài.
"Có quá nhiều chuyện đã xảy ra trong vài tuần qua, khiến chúng tôi phải tập trung mọi nguồn lực vào đó," - thị trưởng Blasio chia sẻ, chủ yếu nói đến các cuộc biểu tình diện rộng vì cái chết của George Floyd - nạn nhân người Mỹ gốc Phi thiệt mạng sau cú ghì gối vào cổ kéo dài 8 phút của cảnh sát thành phố Minneapolis. Ông phát biểu, thành phố không hề mong muốn phải ra án phạt với các doanh nghiệp nhỏ, "nhất là sau những gì họ đã phải trải qua. Nhưng nếu buộc phải làm thì chúng tôi sẽ làm."
Dẫu vậy, ông Blasio cho biết mình hoàn toàn thấu hiểu tâm tư của người dân. "Đã quá lâu rồi, người dân phải chịu đựng quá nhiều. Nhưng việc ra quy định là có lý do, và việc tiểu bang phải tuân thủ cũng vậy. Tất cả là để chống lại dịch bệnh, và cứu giữ mạng sống của chúng ta."
Trong số những đám đông tụ tập, họ tuân theo một quy tắc bất thành văn. Đó là bạn bè, người thân trong gia đình vốn đã tuân thủ lệnh cách ly thì không phải đối tượng lây nhiễm. Niềm tin này đã khiến buổi chiều tại các công viên thuộc trấn Williamsburg trở nên cực kỳ đông đúc.
"Đó là những người tôi biết," - Chris Burnett (35 tuổi) giải thích, trong khi vẫn đang cùng bạn bè uống bia trên một con phố. "Tôi tin rằng bạn bè tôi sẽ không thể mắc bệnh (vì đã làm theo quy định)."
Heather Sumner - bạn của Burnett thì lặp lại một câu nói quen thuộc trong những ngày gần đây: "Chúng tôi không thể cứ mãi ở trong nhà." Đây cũng là câu nói mà nhà virus học Angela Rasmussen từ khoa Y ĐH Columbia thường phải nghe, mỗi khi những người bạn tỏ ý dò hỏi liệu ra ngoài đã an toàn hay chưa.
"Những quan niệm trên chỉ thể hiện việc cố gắng kiểm soát một thứ rủi ro mà chúng ta không thể đong đếm," - Rasmussen nhận định. "Tỉ lệ bạn gặp phải một người nhiễm virus corona tại New York lúc này đã xuống thấp. Nhưng đồng thời, dịch bệnh vẫn chưa bị quét sạch khỏi New York đâu."
"Vẫn còn đó những ca lây nhiễm trong cộng đồng."
"Tôi vẫn chưa sẵn sàng để tụ tập cùng mọi người. Tốt nhất là cứ ở nhà cùng gia đình."