Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ

Ngọc Nguyễn/ Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 20:53 20/02/2017

So với các đại diện đến từ Việt Nam, Đài Loan, liệu chiến binh Goky của Nhật Bản có cơ chiếm giữ ngôi vương? Có lẽ là khó.

Sẽ không ngoa nếu nói Đài Loan chính là ông tổ trà sữa, ít nhất là ở trong phạm vi châu Á. Hiếm có quốc gia nào có thể sánh với xứ Đài, nhất là ở mặt trận này. 

Thế nhưng, khi nghe nói Goky, trà sữa với hương vị Nhật Bản sẽ bắt đầu đóng đô ở quê mình, những kẻ vốn từng bén duyên với trà sữa như chúng tôi cũng có chút tò mò. Một phần vì đam mê ăn uống, phần vì không muốn để bản thân trở nên quê kiểng trước dăm ba cái thứ trào lưu hiện đại, cả đám quyết định rút ví tròn đúng 200 nghìn, mua tất thảy 4 cốc trà Goky về thử. 

Rốt cục, một cốc trà sữa 8 nghìn mang lại tình yêu trong quá khứ bây giờ ở thời hiện đại và cái áo "trà sữa Nhật Bản" sẽ thế nào?

Review trà sữa Uy Roóng - hương vị tuổi thơ và trà sữa Goky - chiến binh mới đến từ Nhật Bản.

Bề ngoài của Goky trông khá lịch sự với tông đen chủ đạo, logo chữ Goky màu da cam cũng gọi là nổi bật trên cái nền đen sì đen sịt ấy. Oke, lịch sự, tối giản, đây là tinh thần Nhật Bản đấy, chúng tôi nghĩ thế. Cho đến lúc bước hẳn vào cửa tiệm của Goky.

Nền gạch bóng cộng thêm chút hoa văn hình thoi màu vàng hoàng kim, rồi mấy cái bàn mấy cái ghế cao cao ngay lập tức khiến bọn tôi liên tưởng đến một quán Karaoke hay sang hơn là Bar sàn sang chảnh nào đó. Trong một giây thoáng qua, cảm giác chúng tôi bị nhầm địa chỉ, nhưng may quá vẫn đúng. 

Ở tầng 2, thiết kế tầng lại chưa được tinh tế. Ở giữa là vài bộ bàn ghế bình thường, nhưng xung quanh lại xây theo kiểu bàn bệt trà đạo chính thống. Cái truyền thống bao vòng lấy sự hiện đại có vẻ chưa ăn khớp.

Thôi, luyên thuyên xấu tính về thiết kế là đủ rồi. Vào vấn đề chính: chất lượng sản phẩm.

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 2.

Bao bì của Goky tương đối chỉn chu, bắt mắt.

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 3.

Từ túi đựng, bao để ống hút đều in logo hãng.

Không kém cạnh với mấy đối thủ cùng thời như Dingtea, Chatime hay Tocotoco, bao bì của trà sữa Goky cũng có phần bắt mắt. Nếu so với Feeling Tea hay Uy Roóng ngày xưa, Goky nắm chắc phần thắng, ít nhất là ở phần hình ảnh. Đập vào mắt tôi là logo Goky in đậm rõ ràng từ thân cốc, túi nilon đựng đồ cho tới bao đựng ống hút. Khá là trơn tru tỉ mỉ, nịnh mắt người dùng. 

Đặc biệt hơn nữa, họ còn in cả loạt họa tiết geisha, hoa anh đào hay chùa chiền Nhật Bản lên nắp cốc, như ngầm khẳng định: này mấy anh chị, chúng tôi là đại diện xuất sắc của đất nước mặt trời mọc đấy. Không biết người khác thấy sao nhưng với những đứa trọng hình thức như chúng tôi, chi tiết này nghiễm nhiên ăn điểm. 

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 4.

Này, chúng tôi là đại diện của xứ sở mặt trời mọc đấy.

Cầm cốc trà sữa sang, xịn, mịn trên tay, đứa nào đứa nấy, đều hí hửng như ngày xưa được mẹ cho tiền.  Tuy nhiên, bao bì không nói lên tất cả về sản phẩm.

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 5.

Trà sữa Nhật Bản - nghe tên đã thấy sang, thậm chí sang cả miệng.

Ngày xưa, trà sữa rẻ tiền chỉ cho chúng tôi quanh quẩn ở dăm vị sô cô la rồi lại trái cây uống đã nhạt cả mồm thì trà sữa sang chảnh bây giờ xịn hơn hẳn. Với giá khoảng 40.000/ cốc, chúng tôi mạnh dạn mua 4 vị được ghi trên Menu đánh số đàng hoàng là Trà Nhật Bản: Chocolate Aomori, Matcha Mito, nước Ổi Koichi và Trà sữa Osakar. Nghe tên đã thấy sang, có lẽ sẽ sang cả miệng nữa.

Tuy nhiên, cái gì càng đẹp thì lại có vấn đề gì đó. Trải nghiệm trà sữa Nhật Bản của chúng tôi nói chung là chưa được như ý muốn.

Đầu tiên nói về vị Chocolate Aomori được quảng cáo là thức uống vị Chocolate ngon tươi đượm vị. Chúng tôi đã hy vọng sẽ được uống Cacao - loại đồ uống tôi cực kỳ thích mỗi khi đi uống cà phê với bọn bạn - ở một đẳng cấp nào đó cao hơn với cái danh xưng Nhật Bản.

Thế nhưng... 

Không phải thuần dạng trà sữa mịn màng ve vuốt cổ họng chúng ta mỗi khi trôi vào cơ thể. Ở vị trà sữa này có sự lợn cợn của bột Socola mà chúng tôi không biết là do ý đồ nhà sản xuất hay do pha chưa kỹ. Hương vị có phần ngọt gắt, pha chút đắng, rồi lại trả về vị ngọt lừ. Vị trà này không lấy được cảm tình từ tôi rồi. 

Trân châu tôi gọi là trân châu trắng, được điểm cộng vì vẫn giữ được trạng thái giòn sật sau cả một quãng đường khá là xa từ cửa hàng Goky về văn phòng mình. Không biết các hãng có cùng lấy trân châu trắng từ một bên thứ ba hay tự làm trong tiệm, bởi vị ăn vào thì cũng chả khác nhau mấy, có khác thì khác ở độ giòn của trân châu không bị vữa khi ngâm nước lâu mà thôi. Goky được điểm cộng ở loại topping này.

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 6.

Quay sang tôi thấy anh bạn đang nhăn nhó cầm cốc Matcha Mito trên tay, tôi ngầm hiểu ông này cũng chả sung sướng gì cho cam. Hỏi ra mới thấy, đúng là anh em có chung cảm xúc thật. Nghe lời bùi tai của nhân viên rằng đây là đồ uống Matcha và Caramel, anh bạn mới đầu hí hửng lắm, trúng đúng hai hương vị mà ổng thích cơ mà.

Vậy mà, có tên Matcha nhưng loại trà này lại chẳng có vị Matcha. Tất cả những gì liên quan đến Matcha nằm ở màu xanh của cốc trà, hết. Và cách pha chế cũng không được liên quan lắm khi kết hợp giữa Matcha sữa và vị caramel béo ngậy ngọt khé. Cốc này, theo anh bạn của tôi, cũng không được ngon lắm.

Pudding được phản hồi là nhạt, không tròn vị, giống như anh đang ngậm cục rau câu sữa trong miệng chứ không ngọt béo như Pudding mà anh mong đợi. Bên cạnh đó, Matcha Mito của Goky cũng không đáp ứng được sự mịn màng của nước trà sữa, vẫn gờn gợn bột trà, hoặc bột sữa, giống như cốc sữa bột pha vội vàng chẳng kịp tan hết.

Tiếp.

Trà sữa vị Osaka, nghe tên đã thấy Nhật Bản vô cùng, thuộc về cô bạn duy nhất trong nhóm. Cô này ngày xưa thích đi ăn chè lắm, nhất là chè thập cẩm, nhưng sau khi uống xong cốc trà này, cô thề ngàn kiếp không thèm ăn chè nữa. 

Trong cái vị dịu dịu của trà sữa ta thấy đượm nồng mùi vị tinh dầu chuối vốn thường dùng trong các món chè ngoài hàng quán, mà lại còn hơi hắc, khiến cho cô bạn vốn kén ăn lại khóc dở mếu dở. Khổ thân, hàng chè ngoài ngõ từ nay thiếu đi một bóng hình. 

Phần kem mặn mà cô mong đợi sẽ ngậy béo như ở GongCha hay BoBaPop thì lại nhờ nhờ nhàn nhạt, lại hơi loãng và rất dễ tan thẳng vào đồ uống (vốn đã không được ngon lành) để tạo ra hương vị khác còn khó uống hơn.

Cuối cùng cũng không kém phần long trọng, đứa em trai bé nhỏ của tôi cầm cốc nước ổi mà lòng đầy vẻ oán thán. Hương vị Siro ổi quá đậm, lại còn đặc quánh khiến cậu chàng suýt thì loạng choạng vì sốc đường. Nó ví vui rằng ly nước ổi của nó chính là 500 viên kẹo ổi Oishi đun chảy mà thành. Nếu bạn đam mê vị ngọt, ngọt đến đâu cũng chịu được thì hãy thử Ổi Koishi một lần xem. 

Cả 4 người chẳng ai có được trải nghiệm hoàn hảo với Trà sữa Nhật Bản Goky cả. Tự nhủ với nhau chắc mình đi không đúng ngày, gọi cũng không đúng vị mà Goky thực sự xuất sắc.

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 7.

Nước ổi Kochi khiến cậu em trai đáng thương của tôi choáng váng vì sốc đường.

Tuy nhiên chê rồi thì cũng phải có điểm khen. Nếu bạn muốn thử một loại trân châu nào khác so với trân châu trắng và trân châu đen truyền thống, hãy đến Goky thử loại trân châu đường trắng của họ. Sần sật, giòn giòn, có chút ngọt và nặn hình thoi, loại trân châu này rất dễ kết hợp với các loại trà sữa để tạo vị thanh mát. 

Ví dụ ở cậu em tôi, tuy cốc nước ổi và cậu bé dường như không có kết nối với nhau về mặt khẩu vị, nhưng cậu cũng phải khen rằng cậu thích loại trân châu đường trắng kia. Khi nó ngấm đủ vị đồ uống, loại trân châu đó sẽ quyện mùi hương, trở nên ngọt thanh mà lại sật giòn, chứ không quá ngọt như đồ uống vì thẩm thấu không quá nhanh.

Loại trân châu độc đáo này của Goky có thể dễ dàng kết hợp với các loại trà không sữa, các loại sữa chua uống hoặc nước trái cây siro để tạo nên hương vị ngon lành nhất. Bạn gọi trà đen, thêm hương vị, rồi gọi trân châu đường trắng xem, tôi nghĩ là sẽ ngon miệng, ít nhất là cái cảm giác cắn giòn sật, không nhão như dạng trân châu kia. 

Bên cạnh đó, Goky vẫn còn nhiều loại Topping khác cho bạn lựa chọn, tuy không bạt ngàn đủ thể loại như BoBaPop, hay rất Đài Loan như GongCha nhưng vẫn phong phú và khá lạ tai. Có thể kể đến là Pudding xoài, hay Pudding Chocolate rất lạ lẫm, tiếc là chúng tôi không gọi để thử do ngân quỹ có hạn. Vài loại topping khác cũng như các trà sữa truyền thống ở Việt Nam như rau câu, thạch dừa, trân châu đen, trân châu trắng, kem mặn, lô hội và pudding thường. 

Cuối cùng, hãy nhớ, luôn phải hỏi kỹ nhân viên để biết được bạn đang đối mặt với loại đồ uống gì. Chúng tôi đã thất bại với hành trình tiếp cận "Trà Nhật Bản", nhưng các bạn hãy rút kinh nghiệm đừng lăn vào vết xe đổ ấy nữa. 4 cốc trà không đủ để đại diện cho cả Menu, vẫn còn hàng chục hương vị khác để mọi người có thể trải nghiệm và vớt vát lại cảm tình với Goky. 

Chúng tôi đã thử uống trà sữa Goky, đại diện Nhật Bản tại Việt Nam và đây là một vài kết luận nhỏ - Ảnh 8.

Có vẻ, hành trình tiếp cận trà sữa Nhật Bản chưa thực sự thành công như chúng tôi mong đợi.

Và theo nhiều người bạn, và chính đại diện Goky sau khi tiếp nhận phản hồi của chúng tôi, đã nói rằng thực khách nên một lần trải nghiệm vị trà nhài của Goky. Tuy nhiên, đến với một thương hiệu trà sữa Nhật mà chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị Trà nhài thì chúng tôi sẽ có nhiều lựa chọn an toàn hơn, và cũng uy tín hơn. Điều mà Goky nên làm phải là để khách hàng tin tưởng, hài lòng với lựa chọn "Nhật Bản" của mình chứ?

Còn ở trường hợp chúng tôi, xin Goky hãy làm thêm một dòng cảnh báo bên cạnh những hương vị "Trà sữa Nhật Bản" ấy rằng đó là đồ uống kén người, và nếu bạn không tự tin rằng mình có thể tiếp thụ tất cả hương vị trên đời, đừng gọi. 

Vẫn còn là sớm để nói Goky có thể thành công hay thất bại, bởi cho cùng thì nhãn hiệu này mới chỉ kinh doanh được chưa đầy một tháng và còn rất nhiều thời gian để cải thiện, sửa chữa nếu như họ thực sự quan tâm đến trải nghiệm người dùng. Hẹn Goky trong tương lai xa, khi chúng tôi đã đủ yên tâm để cho rằng các bạn có thể làm hài lòng lại các thực khách vốn chưa được thiện cảm.