Chủ quan lội nước bẩn khi chân bị thương, bệnh nhân nhập viện nguy kịch

Minh Khương, Theo VTV 22:35 20/03/2023

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa điều trị thành công ca bệnh bị viêm mô tế bào nặng gây nhiễm khuẩn và suy thận đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Chủ quan lội nước bẩn khi chân bị thương, bệnh nhân nhập viện nguy kịch - Ảnh 1.

Hình ảnh nhiễm trùng cẳng chân phải trước khi điều trị. Ảnh: BVCC

Theo đó, khoảng 1 tuần trước vào viện, bệnh nhân V.V. S. (70 tuổi, trú tại Móng Cái, Quảng Ninh) bị chấn thương chân phải. Trước vào viện 2 ngày, bệnh nhân có đi lội nước bẩn.

Ngày hôm sau, cẳng chân phải của bệnh nhân bị sưng nề, bầm tím, nổi phỏng nước, tổn thương diễn biến nhanh. Bệnh nhân còn bị sốt rét run không rõ nhiệt độ, tiểu ít được đưa vào Trung tâm Y tế TP Móng Cái điều trị 1 ngày và được chuyển Bệnh viện Bãi Cháy điều trị.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô tế bào, nhiễm trùng cẳng bàn chân phải - theo dõi nhiễm khuẩn huyết - suy thận cấp.

Sau gần một tuần điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng cẳng chân phải của bệnh nhân đã ổn định.

Chủ quan lội nước bẩn khi chân bị thương, bệnh nhân nhập viện nguy kịch - Ảnh 2.

Chăm sóc tổn thương chân cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, viêm mô tế bào là bệnh khá phổ biến với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau; sau đó nhanh chóng lan rộng.

Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp vùng da ở chi thể đặc biệt là chi dưới. Tổn thương cũng có thể lan rộng đến hạch lympho và đi vào máu. Nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng, cần đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh thường có các triệu chứng như đau và cảm giác ngứa, rát trên vùng da bị tổn thương; Da mềm sưng, nóng, đỏ, căng bóng; Vùng da đỏ hoặc vết loét trên da lan nhanh; Tạo mủ và áp xe; Sốt.

Trong trường hợp nặng người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như: Ớn lạnh; Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mê sảng; Đau cơ, da ấm nóng, vã mồ hôi; Các triệu chứng cho thấy bệnh viêm mô tế bào đang lan tỏa: Buồn ngủ, hôn mê, chảy dịch hoặc rỉ dịch màu vàng trong hoặc mủ ra từ bên trong da, có nhiều phồng rộp da.

Bệnh xảy ra khi có vi khuẩn xâm nhập, thường gặp tụ cầu vàng (Streptococcus) và liên cầu (Staphylococcus)… bình thường chúng xuất hiện trên bề mặt da nhưng không gây hại. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng.

Các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh bao gồm:

Áp xe tại chỗ: Trong trường hợp này cần trích rạch, tháo mủ.

Nhiễm trùng máu: do vi khuẩn xâm nhập vào máu và cần phải điều trị nhanh chóng. Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết bao gồm sốt, tim đập nhanh, thở nhanh, huyết áp thấp, chóng mặt khi đứng lên, giảm lượng nước tiểu và da đổ mồ hôi, xanh xao và lạnh.

Nhiễm trùng ở các vùng khác: trong một số trường hợp rất hiếm, vi khuẩn đã gây ra viêm mô tế bào lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả cơ, xương hoặc van tim.

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị hiệu quả có thể ngăn ngừa các biến chứng.

Để giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn da, các bác sĩ khuyến cáo những việc nên làm để chăm sóc cơ thể, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:

- Vệ sinh da thường xuyên sạch sẽ, vệ sinh thật cẩn thận các vết trầy xước ngoài da ngay khi phát hiện.

- Các bước chăm sóc khá đơn giản: chỉ cần lau rửa vết thương thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc nước sạch, nước muối sinh lý; sử dụng thuốc bôi để vùng da tổn thương nhanh lành hơn (theo đơn hướng dẫn của bác sĩ). Đối với vết thương nghiêm trọng, vết mổ thì nên băng lại để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập. Các bước vệ sinh, thay băng y tế là vô cùng quan trọng, cần thực hiện hằng ngày và đúng nguyên tắc.

- Nếu như phát hiện vết thương hở, vết trầy xước bị nhiễm trùng, bạn nên đi khám để được điều trị đúng cách.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày