18h, trời chập choạng tối cũng là lúc quán ăn của anh Đỗ Ngọc Thuận (hay còn gọi là Bảy Bóng) dần đông khách. Người xin chụp ảnh, người đến trò chuyện, người thưởng thức món ăn..., tất cả đã tạo nên bầu không khí vô cùng náo nhiệt.
Bất kì ai ghé quán đều trầm trồ, thích thú trước anh chủ quán "dát" hơn 100 lượng vàng trên người, tính tình xởi lởi, miệng luôn tươi cười, chào mời khách. 10 chiếc nhẫn có kích thước khủng, được chạm trổ cầu kì, những bộ vòng trị giá hàng tỷ đồng, 5 chiếc kiềng cổ... là trang sức mà anh Thuận luôn mang trên người.
Anh kể: "Tôi vốn tự lập khi còn bé. Ban đầu, tôi làm nghề bắt cua ở đường Cách mạng Tháng 8 (TP.HCM), sau tích cóp dần rồi sắm sửa. Từ nhỏ, tôi đã thích đeo những trang sức vàng lấp lánh. Nhiều người trong xóm thấy rồi nói tôi 'khùng', nhưng tôi không quan tâm. Tôi nghĩ rằng đã là con người thì ai mà không có sở thích riêng của mình".
Anh Thuận mang gần 100 lượng vàng trên người
Tính đến nay, số trang sức trên người của anh Thuận đã lên đến 100 lượng vàng. Mỗi món trang sức đều được anh đặt thợ làm riêng. Vừa nói, anh vừa tháo chiếc nhẫn trên tay ra và chia sẻ: "Tôi là thứ 7 trong gia đình và thuộc cộng đồng LGBT nên tôi tự đặt cho mình cái tên 'Bảy Bóng'. Riết rồi thành quen, nó là thương hiệu khiến người ta nhớ đến tôi. Bộ vòng tôi đang mang hay hột xoàn đính trong nhẫn đều có chữ 'Bảy Bóng'".
Những chiếc nhẫn được chạm trổ cầu kì
Theo lời kể của anh Thuận, buổi tối anh chỉ tháo 10 chiếc nhẫn trên tay và 3 chiếc kiềng. Anh vẫn có thói quen đeo trang sức khi ngủ. Vì đeo nhiều vàng có trọng lượng khá nặng xuyên suốt thời gian dài, nhiều phần da trên tay cũng đã bị tổn thương, có ngón "suýt bị liệt".
"Ban đầu mới đeo thì nặng lắm, nhưng chỉ cần tháo ra vài ngày là tôi thấy thiếu liền. Nhiều người sợ rằng tôi ra đường sẽ gặp nguy hiểm vì đeo nhiều vàng quá, nhưng thực tế thì thôi vẫn bình thường. Nếu đi xa thì tôi sẽ có người theo bảo vệ", anh Thuận nói.
Khách đến chơi, ai nấy cũng đều ngạc nhiên trước sở thích đặc biệt của anh chủ quán. Với tính tình niềm nở, cởi mở, anh sẵn sàng chụp ảnh với khách hàng, đồng thời cũng rất vui vẻ nếu ai đó nhận ra mình ngoài đường phố.
Mùa dịch năm 2020, anh Thuận nảy ra ý định bán chân gà ngâm sả tắc. "Ban đầu, tôi làm cho mình ăn rồi gửi tặng một ít cho các bạn trong cộng đồng LGBT. Sau đó, mọi người thấy ngon nên tôi có bán thử.
Nhưng thú thật, tôi chỉ tính làm chơi thôi nhưng không ngờ lại... ăn thiệt. Khách này thích ăn nên giới thiệu cho khách khác, dần dần tôi bán rất đắt hàng. Từ 15-20kg/ngày, đến nay, chân gà nhà tôi đã bán được 200kg/ngày.
Nhờ mọi người thương yêu, tôi mới có thể mở được cửa tiệm ở đường Phó Cơ Điều (quận 11, TP.HCM). Đa phần, khách đến đây chỉ muốn được gặp tôi, giao lưu rồi trò chuyện vì thấy tôi 'ngồ ngộ'. Nhưng chân gà không phải là món ăn khách có thể ngồi lâu được, nên tôi bán thêm loại lẩu dành cho một người.
Anh Thuận tự tay pha nước chấm cho khách
Tính đến nay, quán đã có thêm nhiều món ăn vặt như cóc ngâm, mắm ruốc, lạp xưởng tươi, chân gà rút xương... Buôn bán là một cái duyên, tôi cảm thấy may mắn khi được nhiều người ủng hộ", anh Thuận tâm sự.
Theo anh Thuận, bí quyết riêng của quán đó chính là chân gà được làm theo kiểu người Hoa, tức là cách nêm nếm đậm đà, đặc trưng và "không tiếc nguyên liệu". Nước mắm loại ngon, sả tươi, tắc tươi, chân gà giòn giòn... tất cả hòa quyện với nhau tạo nên sức hấp dẫn của món ăn.
Quán ăn luôn đông khách
Anh cho biết thêm: "Quán có khoảng 10 shipper giao hàng cùng lúc, nhân viên tầm 8-9 người, đa số là người thân trong gia đình tôi. 7h tối, người ta sẽ ngồi kín bàn hết". Ở góc đường nhỏ, quán ăn của anh Thuận lúc nào cũng có tiếng người cười nói, tiếng nhân viên chạy bàn để mang đến cho khách những phần ăn nóng hổi...
Trong số đó, có nhiều người đến vì sự hiếu kì đối với anh chủ đeo hơn 100 lượng vàng trên người. Vì đó là sở thích, nên dù có bị tê tay, tróc da, anh Thuận vẫn không từ bỏ ý định sắm thêm vàng để mang.