LTS: "Sống xanh", "Bảo vệ môi trường", "Phát triển bền vững" đã trở thành xu hướng tất yếu trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Có một điểm chung của các tổ chức, cá nhân theo đuổi phát triển bền vững đó là sự bền bỉ, bất chấp mọi khó khăn.
Ở góc độ các doanh nghiệp, vừa mới đây vào cuối tháng 10/2023, Ngân hàng ACB đã có động thái truyền cảm hứng lớn cho cộng đồng khi là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững. Trước đó, chương trình Gần lại O do chính ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB, phát động cũng đi qua năm thứ 10, đạt "kỳ tích" khi 93% nhân viên ngân hàng ACB sẵn sàng từ bỏ thói quen sử dụng nhựa một lần, tích cực tham gia các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Còn ở góc độ các cá nhân hoạt động phi lợi nhuận hoặc "khởi nghiệp xanh", câu chuyện dưới đây về dự án Đĩa lá Hy Vọng cũng là một câu chuyện đẹp về sự bền bỉ, kiên gan vì môi trường và góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại Khu phố Phú Thọ 1, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên có một homestay thu hút du khách không chỉ vì dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, mà thú vị hơn thế đó là họ được tận mắt thấy những… chiếc đĩa đặc biệt, đầy sắc màu, xinh xắn. Đó là homestay của chị Vũ Thị Thu Hà.
Vừa làm dịch vụ du lịch, chị Hà vừa kiêm thêm một dự án kinh doanh "lấy hy vọng làm lãi" có tên: Đĩa lá Hy Vọng.
Các bạn nhỏ hào hứng tham gia hoạt động vẽ trên đĩa lá tại homestay của chị Hà (Ảnh: NVCC)
Rác nhặt mãi không hết!
Nói về những ngày đầu khởi lập dự án, chị Vũ Thị Thu Hà kể hành trình của chị xuất phát từ việc đi "làm chuyện bao đồng" là nhặt rác trên bãi biển khu vực chị sinh sống.
"Tôi và những người bạn hàng ngày vẫn đi nhặt rác để làm sạch quang cảnh bãi biển. Tôi phát hiện ra rác thải hộp xốp, hộp nhựa dùng một lần rất nhiều, từ các hàng rong bán trên bờ biển và người dân mua đồ ăn dọc đường mang tới bãi biển ăn xong vứt tại chỗ. Nhặt mãi không hết, tôi đành đặt thùng rác để người dân bỏ rác vào thùng, nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần, còn lại rác thải nhựa một lần vẫn ngập tràn khắp nơi".
Từ những cây nho biển mọc ven biển,chị Hà liên tưởng tới những chiếc lá cây để đựng thực phẩm của người xưa (Ảnh: NVCC)
Những trăn trở không thể nói ra lời thôi thúc chị tìm kiếm những giải pháp tốt hơn.
"Tôi nhớ rằng ngày xưa các cụ vẫn thường dùng lá cây để đựng thực phẩm, vậy tại sao ngày nay chúng ta bỏ qua chúng? Đã có quá nhiều hội nhóm hô hào, kêu gọi mọi người hạn chế dùng đồ nhựa một lần nhưng trên thực tế chúng ta chưa tìm được sản phẩm này thay thế thực sự. Do đó, hàng ngày, vẫn có rất nhiều chiếc đĩa nhựa, hộp xốp dùng một lần thải ra môi trường", chị Hà chia sẻ.
Tình cờ một lần, chị Hà đọc được thông tin của một người bạn với biệt danh "Tuyến Mo Cau" do anh tạo ra được chiếc máy với quy trình làm ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu mo cau. Thế là chị Hà bắt tay luôn vào hành động.
Từ lá nho biển, chị Hà đã biến chúng thành những chiếc đĩa lá mang hy vọng thay thế đĩa nhựa, đĩa xốp (Ảnh: NVCC)
"Tôi nhận thấy đó đúng là thứ mình đang tìm kiếm! Vùng biển nơi tôi ở trồng rất nhiều cây nho biển. Ngay lập tức, tôi gọi cho Tuyến và đưa ra hai đề nghị hợp tác. Một là tôi kết hợp với Tuyến để sản xuất và đưa sản phẩm đĩa lá ra thị trường nhằm giảm thiểu lượng rác thải gây hại. Hai là tôi sẽ đặt hàng một dây chuyền sản xuất của Tuyến. Tuyến chọn phương án thứ hai".
Lá có cuộc đời mới, đĩa mang "thông điệp xanh"
Vậy là một dây chuyền sản xuất được đưa về vùng ven biển Phú Yên, đặt ngay tại homestay của chị Hà. Việc tiếp theo là đi thu mua nguyên liệu là lá nho biển từ chính bà con xung quanh.
Chị Hà cho biết, lá nho biển vừa có độ dày và dai phù hợp, ngoài ra, nó còn có một lớp tinh dầu vừa thơm, vừa có khả năng giúp lá chống nước, giữ được độ bền
Để làm ra những chiếc đĩa từ lá nho biển, công đoạn đầu tiên phải chọn lá có tiêu chuẩn nhất định: Lá già hoặc mới rụng, to và không rách. Chị thu mua của người dân địa phương với giá 200 đồng/lá.
Mỗi chiếc lá nho biển thu được sẽ được đem về rửa sạch, phơi khô, sau đó được đưa vào máy ép nhiệt để tạo thành những chiếc đĩa. Những chiếc đĩa này có thể dùng để đựng các loại hạt, bánh kẹo, salad, đồ ăn… thay thế cho những chiếc đĩa bằng xốp nhựa dùng một lần.
Thu mua, phân loại lá
Rửa sạch lá...
Và thành phẩm
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng quá trình làm chị đã gặp không ít khó khăn. Vì dự án còn mới, người dân chưa quen nên việc thu mua lá còn hạn chế. Chưa kể, lá ra nhiều nhưng cần phải khâu tuyển chọn lá mới có thể làm được sản phẩm.
Khi đã đầy đủ nguyên liệu, chỉ mất hơn 30 giây là hoàn thành một chiếc đĩa bằng lá theo hình trái tim hoặc hình tam giác. Những chiếc đĩa lá thành phẩm không thấm nước, có thể rửa nước được, tái sử dụng tối thiểu là 3 lần.
Ban đầu, những chiếc đĩa lá được đựng trong túi zip. Sau khi sử dụng xong, người dùng có thể khử khuẩn rồi cho vào túi giấy và đưa vào tủ lạnh để đĩa được hút ẩm. Bởi cách làm đĩa không sử dụng đến hóa chất nên hoàn toàn an toàn trong việc bảo quản và tái sử dụng.
Giá thành của những chiếc đĩa này không hề đắt, giá bán lẻ từ 20.000 - 25.000 đồng cho một chục chiếc. Theo chị Hà, nếu so với giá đĩa giấy là 23.000 đồng cho một chục thì không chênh nhau quá nhiều. Chị rất mong, trong tương lai, những chiếc đĩa lá có thể thay thế đĩa nhựa và hộp xốp hiện đang được sử dụng phổ thông bởi giá thành rẻ.
Nhất là khi hiện nay, theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, để sản xuất ra 1 tấn bột giấy, trung bình cần khoảng 2,2 đến 4,4 tấn gỗ, 200-500 ngàn lít nước tùy công nghệ, đồng thời tạo ra tới 2.580 kg khí nhà kính (bằng lượng khí thải của 1 chiếc ô tô trong 6 tháng).
Như vậy, dù giấy là một nhu yếu phẩm nhưng việc sản xuất cũng tốn nhiều tài nguyên. Trong tương lai, con người vẫn sẽ phải tìm sản phẩm thay thế nếu không muốn cây gỗ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Và đĩa lá chính là sản phẩm vừa không tốn kém, vừa thân thiện môi trường, rất phù hợp để cạnh tranh với đĩa nhựa, hộp xốp độc hại dùng một lần.
Niềm hy vọng mang tên "Đĩa lá hy vọng"
Trong suy nghĩ của chị Hà, mục tiêu ban đầu của dự án Đĩa lá Hy Vọng là giảm thiểu rác thải nhựa một lần cho môi trường, đồng thời nó cũng giúp người dân làng chài có thêm một khoản thu nhập nhỏ từ "rác" vườn nhà khi trồng cây bóng mát, chắn gió, giữ đất ven biển
Chị cũng nhận ra rằng, chi phí chúng ta đang phải trả cho việc sử dụng đĩa nhựa, hộp xốp không chỉ là tiền, mà còn là sức khỏe. Bởi, theo nhiều nghiên cứu, lượng vi nhựa mỗi người chúng ta ăn phải thông qua các sản phẩm nhựa không hề nhỏ.
Ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g vi nhựa mỗi tuần. Những hạt vi nhựa này sau khi thâm nhập vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.
Chưa kể, tương lai, loài người phải trả giá cho việc xử lý, phân hủy các sản phẩm nhựa, xốp dùng một lần. Vì vậy, đây không phải là vấn nạn của cá nhân nào mà là của toàn cầu. Chỉ cần tất cả cùng chung tay, thì môi trường sống của chúng ta sẽ sớm trong xanh trở lại.
Chị Hà cho biết, bản thân không mong cầu "Đĩa lá Hy Vọng" được chấp nhận ngay và luôn nhưng mong rằng thông qua dự án này nhận thức của mỗi người về trách nhiệm bảo vệ môi trường được nâng cao hơn nữa.
Chị Hà chia sẻ thêm, với quy trình thu mua và xử lý, làm ra chiếc đĩa từ lá nho biển cho đến giá bán như trên, thì hiện tại mỗi chiếc chị vẫn lỗ khoảng 300-400 đồng/1 chiếc đĩa. Tuy vậy, chị không đặt nặng việc dự án bán được bao nhiêu chiếc, thay vào đó, mục tiêu mới của dự án là mỗi chiếc đĩa lá được sản xuất ra sẽ thay thế được bao nhiêu chiếc đĩa nhựa, hộp xốp.
Cho dù đang lỗ nhưng chị Hà chia sẻ chị không để chuyện không bán được hàng hay chi phí sản xuất khiến bản thân "đau đầu", mà coi việc tạo ra những chiếc đĩa lá như một phần chia sẻ trách nhiệm với xã hội.
Nguồn lợi nhuận hy vọng có được sau này từ việc bán đĩa chị sẽ dùng để mua cây về trồng để tương lai có thể nghiên cứu và phát triển thành những sản phẩm hữu ích với môi trường. Đây cũng chính là tác dụng kép của dự án "Đĩa lá Hy Vọng" mà chị Hà đã khai sinh từ những trăn trở, thôi thúc từ bên trong tâm hồn mình.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/