Mỗi mùa hè tới, người người nhà nhà lại chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc không chỉ của những sĩ tử cố gắng vượt vũ môn qua những kỳ thi quan trọng nhất đời người, mà còn của chính những bậc phụ huynh dõi theo bước chân con em mình ngày một tự lập hơn. Khỏi phải nói, tầm quan trọng của chuyện hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành nghề vẫn luôn là câu hỏi canh cánh trong lòng mỗi gia đình và bản thân từng cô cậu sinh viên.
Thời đại 4.0 đã kịp tô điểm đầy rẫy những dấu mốc len lỏi vào khắp cuộc sống quanh ta, bất kể những thành thị xa hoa hay xóm làng chất phác. Tuy nhiên, thống kê trong năm 2018 cho thấy Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin (IT) tới năm 2020, tập trung rất nhiều ở các lĩnh vực mũi nhọn "hot trend" như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thương mại điện tử... Điều đó ít nhiều cho thấy tiềm năng của ngành IT vẫn đang ngày một dâng cao.
Vậy trước sức hút mạnh mẽ đó, những tân sinh viên mong muốn theo ngành IT cần chuẩn bị những gì để từng bước hiện thực hoá ước mơ thành công trong tương lai? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ gần gũi tới từ 2 gương mặt trẻ sau đây - 1 người đã có kinh nghiệm dày dạn, 1 người thậm chí vừa mới thi đại học xong, nhưng chắc chắn cũng "không phải dạng vừa đâu".
1. Anh/bạn có thể chia sẻ một chút về khoảng thời gian đầu tiên mình biết đến lĩnh vực IT và bén duyên đam mê từ đó? Theo anh/bạn, như vậy là một thời điểm sớm hay muộn, có lý tưởng để bắt đầu theo đuổi chuyên môn về IT?
H (anh Hoàng): May mắn là nhà anh có điều kiện nên anh được tiếp xúc với máy tính từ khá sớm, tầm lớp 3, 4 gì đó. Hồi đó anh chỉ biết dùng Word, Excel là chính chứ chưa biết IT là gì. Lên lớp 9, lớp 10 thì do hâm mộ Bill Gates (nghe nói ông giàu lắm), công thêm mê games, nên anh mới bắt đầu có hào hứng với ngành IT. Hồi đó, anh chỉ biết IT là làm phần mềm, làm games, làm bảo mật hacker gì đó chứ cũng không tìm hiểu thêm. Đến khi vào Đại Học anh mới học 1 cách “bài bản” về ngành.
Về chuyện thời điểm thì anh thấy thật sự không quan trọng, cho dù em 17 tuổi hay 27 tuổi mới bắt đầu theo đuổi IT đều được cả. Kiến thức trong ngành cũng có sẵn trên mạng nên việc tự học cũng không quá vất vả. Tuy nhiên, nếu đã hơi lớn tuổi (tầm trên 30) mới bắt đầu học thì sẽ khó xin việc hơn, do phải cạnh tranh với các bạn SV trẻ mới ra trường. Các bạn trẻ này thường năng động, trẻ trâu hơn và quan trọng là... chịu nhận lương thấp hơn.
N (Nhân): Cá nhân em bắt đầu việc lập trình kể từ một vài năm trước. Khoảng thời gian đầu tiên khá khó khăn khi không có người hướng dẫn cho, em chỉ có thể vừa search Google vừa mày mò từng tí một. Đến bây giờ cá nhân vẫn chưa thể tự giải quyết mọi vấn đề, nhưng về cơ bản thì Search Google cũng đã hiệu quả hơn rồi.
Em may mắn được tiếp cận với Công nghệ khá sớm. Em nghĩ kết hợp giữa việc đi đúng hướng, có đam mê và sự giúp đỡ từ gia đình đã là động lực cho em để theo đuổi ngành nghề này. Bắt đầu theo lập trình từ cuối Trung học cơ sở, em có cơ hội được đi nhanh hơn các bạn, vì vậy em cảm thấy khá may mắn khi có thể xuất phát sớm hơn và có nhiều thời gian hơn để phát triển bản thân.
2. Để có thể bước chân suôn sẻ vào ngành IT, những người mới theo đuổi nói chung và các tân sinh viên nói riêng cần trau dồi cho mình những kỹ năng gì là quan trọng nhất? So sánh giữa thời điểm mình mới xuất phát và hiện tại, anh đã gặp những khó khăn gì để phát triển được những kỹ năng đó?
H: Kĩ năng quan trọng nhất vẫn là … kĩ năng tự học, cụ thể hơn là kĩ năng đọc tiếng Anh.
Lý do đơn giản là bởi kiến thức trong ngành này thay đổi rất nhiều và rất nhanh. Các công nghệ/trào lưu mới xuất hiện liên tục. Một công nghệ/ngôn ngữ lập trình sẽ được nâng cấp hoặc cải tiến sau 5,6 năm. Do vậy, tài liệu tiếng Việt rất ít, hầu như không cập nhật kịp. Để theo kịp công nghệ mới, bắt buộc bạn phải biết cách tự học, tự đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Nếu không, người làm trong ngành sẽ bị đào thải, hoặc khó kiếm việc làm phù hợp.
Tự học, không ngừng vượt lên chính bản thân mình là kỹ năng bất kỳ ai cũng cần nắm vững nếu muốn thành công.
Lý do thứ hai là vì Đại Học chỉ dạy những kiến thức nền tảng, còn những kiến thức thực tế thì chỉ có tự học, đi làm các bạn mới có được (vì chúng thay đổi qua nhanh, giáo trình học không cập nhật kịp). Do vậy, hầu như sinh viên ra trường đều cần đào tạo lại cả. Nếu không biết cách tự học, sẽ rất khó để em tìm được việc.
Ngoài ra còn khá nhiều kĩ năng cần thiết như kĩ năng tư duy phân tích vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm... Anh thấy để phát triển thì cách tốt nhất vẫn là cắm đầu vào làm, quan sát và học hỏi từ những người giỏi hơn quanh mình thôi.
N: Cá nhân em cảm thấy khi đi theo một nghề nặng tính kỹ thuật như IT, thứ quan trọng nhất là có thể yêu nghề được. Nghề nào cũng cần điều đó, nhưng với IT thì lại càng cần hơn, khi mà hầu hết kiến thức của ngành đều hầu đa tới từ quá trị tự học, rất dễ nản.
Và kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình bắt đầu cũng chính là tự học. Mọi thứ đều có trên Internet, quan trọng là bạn có mày mò tới chúng hay không mà thôi. Tới thời điểm này, khó khăn trong việc lập trình em gặp phải vô cùng nhiều, đến độ em nhớ không hết. Tuy nhiên bây giờ khả năng dùng Google của em cũng đã tốt hơn nhiều và điều gì không biết thì có thể nhanh chóng tra cứu. Tất nhiên khi dần muốn chuyên nghiệp hơn, em sẽ phải tránh việc Search Google liên tục. Dù sao thì trước mắt em nghĩ Google chính là thứ đầu tiên mà 1 người học lập trình cần dùng thạo.
3. IT bao hàm rất rộng, gồm nhiều phạm trù về các chuyên ngành chi tiết. Theo anh/bạn, hướng đi nào đang có tiềm năng phát triển sâu rộng tại Việt Nam trong tương lai gần?
H: Anh sẽ nói theo hướng học xong rồi ra trường làm gì cho các bạn dễ hình dung nha.
Ở Việt Nam, các bạn học IT ra trường có thể làm các ngành sau:
- Lập Trình Viên: Là những người xây dựng, lập trình ra phần mềm (như anh đây). Phần mềm là những thứ các em sử dụng hằng ngày như app và web Facebook, cả Kenh14 cũng do lập trình viên xây dựng ra luôn. Thường các bạn học ngành Khoa Học Máy Tính hoặc Công Nghệ Phần Mềm có thể làm ngành này. Ngoài ra còn có lập trình nhúng, tức lập trình các chip, vi mạch điện tử trong TV, máy lạnh, xe hơi...
- Bảo Mật: Họ là người nghiên cứu, thiết kế hệ thống để bảo vệ thông tin của người dùng, của công ty, tránh bị rò rỉ thông tin, bảo vệ hệ thống trước hacker tấn công. Đa phần các trường có dạy ngành Bảo Mật Thông Tin/An Toàn Thông Tin, ra trường làm ngành này.
- Business Analyst: Họ là người rành về hệ thống và quy trình, sẽ làm việc với khách hàng, thiết kế hệ thống, viết yêu cầu để cho lập trình viên xây dựng hệ thống. Thông thường, các bạn học ngành Hệ Thống Thông Tin/Công Nghệ Thông tin nói chung cũng làm được ngành này.
Công việc của ngành IT bao hàm rất rộng, không thể kể ra chỉ qua vài chức vụ và danh nghĩa.
Ngoài ra còn một số mảng nho nhỏ khác nữa như Testing - Kiểm thử Phần Mềm, Network Engineering - Thiết lập hạ tầng mạng...
Về tiềm năng, ngành lập trình vẫn là ngành có nhu cầu lớn nhất, dễ tìm việc nhất. Thật ra, ngành này nhu cầu nhiều từ cách đây 3-5 năm rồi, chẳng qua gần đây dư luận mới dần chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, cá nhân anh nhận thấy chúng ta không nên quá mê mệt bởi những khái niệm về AI, Big Data lên ngôi. Những công việc liên quan đến AI, Big Data là rất rất ít, hầu như tập trung ở các công ty lớn hoặc viện nghiên cứu, sẽ yêu cầu và ưu tiên các bạn học Khoa Học Máy Tính, từng học Cao Học, có kĩ năng nghiên cứu. Còn lại, nếu muốn ăn chắc mặc bền, dễ tìm việc thì cứ học lập trình, theo những mảng phổ biến như Web/Mobile hoặc nhúng nhé.
N: Bản thân em còn quá trẻ để đưa ra nhận định về vấn đề này, song những gì em tìm hiểu cho thấy công nghệ lập trình Web đang là thứ đáng tìm hiểu nhất.
4. “Làm IT đồng nghĩa với việc code xuyên đêm, mất ăn mất ngủ, đau lưng, già trước tuổi…” Anh/bạn nghĩ sao về lời “sấm truyền” được lan rộng này?
H: À, anh nghĩ tình trạng bóc lột nhân viên IT không phải là hiếm nếu các em không cẩn thận và hiểu biết để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Do đặc thù của dự án nên đôi khi sẽ phải... vắt giò lên cổ mà code cho kịp deadline cũng có. Tuy nhiên, thông thường thì làm thêm tới tầm 9-10h đêm là hết, bởi đây là ngành lao động trí óc, nếu không chịu nghỉ ngơi mà thức khuya cày cuốc thì năng suất và chất lượng công việc sẽ giảm, nên cũng rất hiếm khi tụi anh phải overtime qua đêm.
Về mặt sức khỏe, IT cũng tương tự các ngành văn phòng khác, tức phải ngồi nhiều, nhìn màn hình nhiều, dễ mắc các bệnh như trĩ, cận, đau lưng, nhức đầu,... Tuy nhiên, bạn bè anh và anh vẫn đi đá banh, đạp xe, tập thể dục nhiều để hạn chế những rủi ro này. Nói chung, chuyện làm việc nhiều, code xuyên đêm còn tùy vào bản thân và cơ duyên mỗi người. Cá nhân anh thường tránh xa mấy công ty overtime nên anh làm việc khá thoải mái, ngày làm 8-9 tiếng là ổn.
Đặc thù của IT cũng giống như nhiều công việc văn phòng cố định khác, cần phải học cách thích nghi và chă mlo sức khỏe phù hợp.
N: Em thấy thực tế điều này không sai, nhưng cũng không hẳn đúng. Một lập trình viên có thể quyết tâm dành cả đêm để giải quyết vấn đề, nhưng cũng có thể ngừng lại để giải quyết sau - điều đó tuỳ thuộc vào mỗi người. Cá nhân em hơi bị cuốn quá xa vào việc code nên hơi khó kiểm soát, tuy nhiên sau này chắc chắn em sẽ phải sắp xếp lại giờ giấc. Lối sống phản khoa học là lối sống thường thấy của nghề IT, song không ai ép mình đi con đường đó cả.
5. Đối với anh/bạn, bằng cấp hiện nay có thực sự quan trọng đối với nhà tuyển dụng dành cho những bạn trẻ đam mê IT so với kinh nghiệm? Bản thân anh/bạn coi trọng, phấn đấu và sẵn sàng đánh đổi cho điều gì hơn trong 2 thứ trên?
H: Trong ngành này, kinh nghiệm là cực kì quan trọng. Nếu em đã có 3,4 năm kinh nghiệm, khi đi xin việc không ai hỏi em có bằng gì, học trường nào. Các công ty họ tìm những người có khả năng, làm được việc. Có kinh nghiệm làm việc nghĩa là em từng trải qua các dự án, biết cách giải quyết vấn đề. Bản thân anh có bằng Thạc Sĩ loại Giỏi nhưng trước giờ đi phỏng vấn cũng chả có ai hỏi anh học trường nào, có bằng gì cả.
Tuy nhiên, anh cũng từng có 1 câu nói vui thế này: "Bằng cấp chỉ là tấm vé vào vòng gửi xe thôi. Nhưng không có vé thì không được vào gửi xe đâu."
Nếu chưa có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng chỉ có thể nhìn vào bằng cấp của em để đánh giá. Không cần biết em giỏi thế nào, nếu em chưa từng đi làm, trong CV không có sản phẩm gì, lại... không có bằng ĐH, cơ hội em được vào vòng phỏng vấn để chứng tỏ bản thân mình là rất thấp. Do đó, anh thường khuyên các bạn sinh viên là nếu có điều kiện, hãy đi thực tập từ năm 2, năm 3. Lúc ra trường là đã được 1,2 năm kinh nghiệm hơn bạn bè trang lứa rồi, xin việc cũng dễ hơn. Có khi chẳng cần xin mà nhiều công ty mời gọi luôn ấy chứ.
Với những kinh nghiệm đã đạt được từ trước, hồ sơ của bạn sẽ đẹp lên rất nhiều trong mắt các nhà tuyển dụng.
Tuy vậy, anh vẫn khuyên các bạn cố học xong để lấy bằng. Tấm bằng ĐH mở ra khá nhiều cánh cửa cho bạn. Nếu không có bằng, sau này muốn lên manager, muốn ra nước ngoài làm việc, con đường của bạn sẽ khó khăn gian nan lắm.
N: Có, và không. Em còn chưa tốt nghiệp ĐH để đưa ra cái nhìn tổng quan nhất, nhưng những gì em thấy thì chứng minh được rằng một ngành như IT không cần quá nhiều những thứ mang tính hình thức như bằng cấp. Đã là kỹ thuật thì tay nghề sẽ quyết định tất cả, có tư duy tốt mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Tất nhiên môi trường Đại học sẽ giúp bản thân bạn có một nền tảng vững vàng, quy củ hơn là tự học một cách lộn xộn. Dù sao thì với quan điểm của em, bằng cấp vẫn nên có, nhưng không cần quá quan tâm hay đặt nặng, thứ cần chú tâm nhất vẫn là kinh nghiệm và tư duy.
Chuyện chọn ngành, chọn nghề trước, trong và sau thi Đại học chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng với nhiều người, không chỉ phụ thuộc và đam mê và tố chất bản thân mà còn phải tính toán về xu hướng chung của thời đại. Mặc cho kỷ nguyên 4.0 đang dần lên ngôi, con đường trước mắt của các tân sinh viên với tay đến ước mơ trong ngành công nghệ vẫn còn là một ẩn số. Vì vậy, mong rằng những kiến thức và chia sẻ gần gũi trên đã ít nhiều giúp các bạn trẻ có được thêm nhiều động lực để tiếp sức cho hoài bão lớn lao của mình.
Lời cuối cùng, xin cảm ơn anh Phạm Huy Hoàng và bạn Nguyễn Anh Nhân đã hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình thực hiện bài viết này!