Cho tuổi 30 của lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?

Phương Trang - Thiết kế: Nhật Ánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 22/11/2017
Chia sẻ

Dù chúng ta có sống những năm tháng tuổi trẻ nhiệt tình hay uể oải thì việc nói lời tạm biệt với nó, vẫn luôn là một điều khó khăn.

Bạn đã dành cả thanh xuân đề làm gì? Những ngày gần đây, mạng xã hội truyền nhau một câu hỏi như vậy. Có hẳn một ứng dụng giúp người dùng tìm ra câu trả lời một cách ngẫu nhiên, với những câu trả lời kiểu gì cũng đúng như: "Để ngắm trai đẹp" hay "Để chém gió trên Facebook". Ai nấy đều hỉ hả trước câu trả lời thông minh, chia sẻ nó, cười cợt nó và rồi nhận lại những nút like, tim hưởng ứng... Nhưng rồi, Bạn đã dành cả thanh xuân để làm gì? Câu hỏi đầy ám ảnh vẫn còn đó. Những câu trả lời vô thưởng, vô phạt có khiến trái tim ta thôi nhói lên, có khiến tâm trí ngưng thôi thúc tìm kiếm một đáp án thật sự xứng đáng, thật sự thoả mãn. Ta đã dành những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời ta - để làm gì?

Khi chúng ta bắt đầu trả lời câu hỏi đó - đồng nghĩa với việc bản thân đã nghiễm nhiên công nhận một sự thật - thanh xuân yêu dấu đã sắp qua rồi.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 1.

Dù chúng ta có sống những năm tháng tuổi trẻ nhiệt tình hay uể oải thì việc nói lời tạm biệt với nó, vẫn luôn là một điều khó khăn. Nhưng biết làm sao, khi những con số cứ tiến dần đến dấu mốc 30, "tam thập nhi lập", khi không thể kìm lại, không thể đóng băng thời gian, điều duy nhất ta có thể làm là sửa soạn để đồng hành cùng với một con người mới của chính ta.

Và những người sinh năm 1987, trước ngày 30, họ quyết định dọn dẹp lại quá khứ, sắp xếp lại hành trang cho mình. Họ tụ họp nhau lại gom góp lại những ngày tháng quý giá nhất trong tuổi thanh xuân, lau chùi sáng bóng, phục dựng từng mảng ký ức tươi đẹp thành những câu chuyện đáng giá, trưng bày nó trong một "Bảo tàng ngây thơ" và gọi nó bằng một cái tên dễ nhớ nhất có thể - 1987 .

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 2.

1987- Bảo tàng thanh xuân.

Quả nhiên, đó là một bảo tàng đặc biệt. Không phải chỉ bởi vì đó là "bảo tàng" bằng chữ đầu tiên của một thế hệ, mà còn bởi vì niên đại giao thời của những câu chuyện được "trưng bày" trong đó. Thế hệ 1987 - họ có một thanh xuân đầy màu sắc, 15 năm đầu ấm êm với những món đồ chơi kinh điển, những cửa hàng cho thuê truyện hay những bộ phim truyền hình quốc dân, ai ai cũng biết; 15 năm sau - đơn giản là nổ tung với sự xuất hiện của điện thoại di động và internet.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 3.

Nếu như ai đó trong chúng ta, vẫn đang trăn trở một câu trả lời xác đáng cho "tuổi thanh xuân", hãy tham quan 1987 - "bảo tàng ngây thơ" của những kẻ 30. Ở đó, có thể ta sẽ gặp lại người ta muốn gặp, về lại nơi ta muốn về, nhớ ra - tuổi 30 mà ta đã từng mơ và trả lời được câu hỏi "Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?".

Tuổi thơ rong chơi quên tháng ngày

"Hoạt động chủ yếu từ lúc mở mắt thức dậy buổi sáng cho đến tối mịt trước khi đi ngủ của một đứa trẻ con là CHƠI". Đó là một câu trích dẫn từ những chương đầu của 1987. Không điện thoại, không internet, TV màu cũng là một thứ xa xỉ vào những năm cuối 80, đầu 90, vậy nên đối với lũ trẻ con lúc này "nghề chơi cũng lắm công phu".

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 4.

30 năm trước đây, dù có chơi chung một trò chơi nhưng mỗi ngày bọn trẻ con lại tưởng tượng ra những câu chuyện khác nhau, chẳng đứa nào giống đứa nào.

Phải huy động tối đa trí tưởng tượng để biến (hoặc phá) những món đồ gia dụng thành những món đồ chơi kỳ diệu, biến sân nhà thành bể bơi, căn gác xép nhỏ thành "căn cứ địa"... Nếu như sau này, trong trò chơi điện tử, tất cả chúng ta đều được vẽ sẵn trước mắt những hình ảnh giống nhau, thì gần 30 năm trước đây, dù có chơi chung một trò chơi nhưng mỗi ngày bọn trẻ con lại tưởng tượng ra những câu chuyện khác nhau, chẳng đứa nào giống đứa nào. Bạn có tin không, con cá sấu lên bờ của bạn và tôi cũng có màu khác nhau đấy.

Sau khi mất bao nhiêu ngày tháng để tưởng tượng ra đủ kiểu thế giới siêu nhiên, kỳ ảo, khi đã biết chữ, có thêm một chút tri thức, những đứa trẻ giao thời lại bước vào những ngày nhịn ăn sáng tiết kiệm tiền để "cống nạp" cho hàng thuê truyện. Lại thêm mấy năm cuộc đời êm ả trôi đi bên những Doraemon, Bảy viên ngọc rồng hay Đường dẫn đến khung thành...

Vậy là, chúng ta đã dành một phần tư những năm tháng trẻ dại chỉ để chơi và tưởng tượng. Nghe có vẻ lãng phí nhưng thật ra, nếu có thể lãng phí thêm chút thời gian nữa, để ở mãi trong những năm tháng êm đềm đó cũng xin sẵn sàng đánh đổi. Nếu có thể quay trở lại gặp bố mẹ khi còn trẻ khoẻ, gặp bạn bè khi còn vô tư nô nức xung quanh, gặp lại cô hàng thuê truyện bán niềm vui chỉ với 500 đồng nhàu nhĩ... thì tốt biết bao.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 5.

Điện thoại di động và Internet

Bây giờ là năm 2017, mỗi ngày có biết bao nhiêu ứng dụng di động ra đời chẳng thể nào dùng hết hay thậm chí không thể đếm xuể. Thế nhưng, quay ngược thời gian về 15 năm trước, chỉ với 2 cái tên đã đủ làm nổ tung cuộc sống của những cô câu tuổi teen đó chính là internet Explorer và Yahoo Messenger.

Trình duyệt web với chữ E màu xanh và biểu tượng kết nối kinh điển một thời đã giữ chân chúng ta hàng giờ, hàng tuần ở những quán internet công cộng. Khám phá một thế giới khổng lồ phía sau mỗi cú click chuột, hay hồi hộp, háo hức mỗi lần log in vào nick Yahoo. Những ngày tháng thanh xuân sôi động đó cũng được ghi chép cẩn thận trong cuốn 1987 như một dấu mốc huy hoàng, một thế hệ đầu tiên sẵn sàng cởi mở với hình dạng mới của thế giới - một thế giới phẳng.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 6.

Thế hệ khao khát khám phá một thế giới khổng lồ phía sau mỗi cú click chuột.

Những ngày mới lớn đó là khoảng thời gian chúng ta khao khát kết nối, khao khát chia sẻ, tò mò và khám phá. Thời thế giao vào tay những cô cậu học trò một công cụ có sức mạnh kinh khủng mà những người lớn thời bấy giờ phải choáng váng vì không thể làm chủ, không thể kiểm soát. Internet là nơi có tất cả những thứ chúng ta tìm kiếm, từ những bài giảng trên lớp, những bài văn mẫu hay cả những bộ phim người lớn lén lút down về trong những chiếc usb chỉ vọn vẹn 128MB.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 7.

Không sinh ra với internet nhưng lại lớn lên với internet, thế hệ giao thời có một nửa tuổi thơ giống với cha mẹ, anh chị đi trước, một nửa sau lại nhanh chóng thích ứng, học tập và tiếp thu những phong cách sống mới mẻ, Tây hơn, hướng ngoại hơn, phóng khoáng hơn. Thanh xuân của những năm tháng đó, chúng ta ngây thơ thu nạp tất cả những gì khiến chúng ta tò mò và khao khát, hăm hở chứng minh "cái Tôi" to đùng qua những sự lựa chọn táo bạo chẳng giống ai.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 8.

1987 - Không sinh ra với internet nhưng lại lớn lên với internet.

Trong 1987 - chúng ta sẽ bị kéo về đúng những đêm thổn thức bởi những dòng tin nhắn SMS, ngồi lại những quán net tua đi tua lại giai điệu của "Cô bé mùa đông" một trong những huyền thoại nhạc online lúc bấy giờ, hay kịch tính hơn, trở về đúng khoảnh khắc bố của bạn đi làm về sớm khi cả hội đang nín thở chờ hồi kết của một bộ phim nóng bỏng.

Đó là giao thời, đó là cách chúng ta đã dành một phần tuổi trẻ để tìm kiếm những cá tính rõ ràng nhất đang cất tiếng trong chính bản thân mình.

Chúng ta đã dành cả thanh xuân để mộng mơ

Lê Cát Trọng Lý - một trong những tác giả của bảo tàng thanh xuân 1987 có một bài hát tên là "Nhiều người ôm giấc mơ". Có lẽ đó là tựa đề phù hợp nhất cho quãng thanh xuân tiếp theo - khoảng thời gian chúng ta bắt đầu mơ những giấc mơ tưởng chừng như sẽ quyết định toàn bộ cuộc đời về sau của mỗi người .

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 9.

Sinh ra trong một giai đoạn biến động của lịch sử, lớn lên trong sự đổi thay nhanh chóng của công nghệ thông tin, ngay cả những giấc mơ của thế hệ giao thời dường như cũng ly kỳ hơn, khác lạ hơn, lại cũng có phần thực tế và thẳng thắn hơn...

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 10.

Giấc mơ của thế hệ giao thời.

Một cô gái với gout thời trang khác lạ ôm mộng kinh doanh với những tải đồ "sida", một chàng trai mơ về ban nhạc Rock của riêng mình, một "hot girl" bất thình lình quyết định trở thành biểu tượng sexy bất chấp dư luận, hay một cô sinh viên Việt Kiều thẳng đường tiến đến giấc mơ của hàng triệu cô gái - trở thành hoa hậu...

Những mơ ước được "trưng bày" trong "bảo tàng thanh xuân 1987" tất cả đều hấp dẫn, thú vị và đẹp đẽ như tính cách chính những chủ nhân của nó. Cũng giống như trò chơi tưởng tượng thuở thiếu thời, cùng một thế hệ, cùng một hoàn cảnh, mỗi người lại mở ra cho mình những con đường khác nhau.

"Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang, nhiều người ôm giấc mơ bình yên...". Tuổi đôi mươi với tất cả sự tự do và sức trẻ, với tất cả những hy vọng cháy bỏng nhất, chúng ta dành quãng thanh xuân đỉnh cao đó để theo đuổi những giấc mơ.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 11.

"Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang, nhiều người ôm giấc mơ bình yên...".

30 tuổi vẫn chưa là ai, vẫn chưa có gì thì đã sao?

Có lẽ, sau tất cả, đây mới là điều mà chúng ta ngại ngần nhất khi phải đối diện. Dường như việc chúng ta là ai, chúng ta đang sở hữu những gì... mới chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi "Bạn đã dành cả thanh xuân để làm gì?".

Chương 4 của 1987- tuổi 30 của một thế hệ giao thời một lần nữa cho chúng ta thấy những câu trả lời đa chiều, nhiều màu sắc như chính thời thanh xuân rực rỡ của họ.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 12.

Không có những nỗi buồn thế hệ, không có cả những sự oán trách số phận hay những lời đổ lỗi, tuổi 30 của 1987 đầy ắp những dự định. Họ vẫn thay đổi để thích ứng với cuộc sống vốn nhiều biến động, hôm nay có thể là anh nhà báo nổi tiếng, hôm sau lại là một lữ khách vô danh trên những hành trình mới không hồi kết.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 13.

Những tác giả của cuốn 1987.

Họ - không đao to búa lớn, không ủ rũ lạc thời, những người tiên phong của một thế hệ giao thời đã dành cả tuổi thanh xuân hăm hở tiến lên và khám phá thế giới, khám phá chính bản thân mình.

Cho lứa người trẻ sinh năm 1987: Ta đã dành cả thanh xuân để làm gì?  - Ảnh 14.

Cuối cùng, xin mượn câu kết trong ca khúc của Lý - một kẻ 30 của thế hệ giao thời để khép lại chuyến tham quan " bảo tàng thanh xuân 1987" - Xin sống vô tư cho ngày tiếp theo!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày