TTTM Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) có 3 nhà lồng , đi vào hoạt động từ năm 2002, là TTTM theo mô hình chợ truyền thống lớn bậc nhất Cần Thơ.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán ế ẩm đã diễn ra từ sau dịch COVID-19 và đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, nhiều sạp hàng đóng cửa, dán thông báo cho thuê lại, sang nhượng; những tiểu thương còn bám trụ thì ngồi lướt điện thoại, “dài cổ” ngóng khách.
Những tiểu thương còn bám trụ trong tình trạng ế ẩm, nợ tiền thuê mặt bằng
Hơn 20 năm kinh doanh ở TTTM Cái Khế, bà Nguyễn Thị Thu (chủ sạp vải, quần áo, giày dép) cho biết, chưa bao giờ thấy tình cảnh đìu hiu như hiện nay. “Trước đây, cuối chiều thường là giờ cao điểm bán hàng trong ngày, nhưng giờ chỉ vài khách tới xem, mua đồ. Chúng tôi có khi bán 2-3 ngày mới có người tới mở hàng, mỗi ngày cao lắm chỉ kiếm vài trăm nghìn, giảm 5-10 lần so với trước”, bà Thu nói.
Tại khu bán hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dù tình trạng đóng cửa, bỏ sạp ít hơn nhưng cũng ảm đạm, vắng khách, lượng khách giảm trên 50% so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Chủ một sạp rau cho biết, trước đây bà thuê 5-6 nhân công phụ bán hàng, tiền công mỗi ngày 300 nghìn đồng/người, nhưng hiện chỉ còn thuê 2 người bán, nhiều lúc không có việc làm do ế khách.
Doanh thu sụt giảm, không ít tiểu thương nợ tiền thuê mặt bằng cả trăm triệu đồng nhưng vẫn cố bám trụ, hy vọng gỡ được chút nào hay chút đó.
Bà Dương Thị Trang Nhung - Trưởng Ban Quản lý chợ quận Ninh Kiều (đơn vị quản lý, khai thác khu nhà lồng 1 và 3) cho biết, hai khu này có giá thuê mặt bằng 3 nghìn - 5 nghìn đồng/m2/ngày. Giá thuê thấp nên trước đây ít có việc tiểu thương bỏ lô, đóng cửa.
Tuy nhiên, gần đây do kinh doanh ế ẩm nên tình trạng đóng cửa, bỏ lô đã diễn ra nhiều. Về lý do buôn bán ế ẩm kéo dài, bà Nhung cho rằng, do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi thương mại điện tử phát triển mạnh.
Trong khi nơi đây dù gọi là TTTM nhưng thực tế kinh doanh theo mô hình chợ truyền thống, tiểu thương đa số lớn tuổi, chưa kịp thay đổi, tiếp cận phương thức buôn bán mới nên việc kinh doanh ngày càng khó khăn.
Ban quản lý chợ cũng vận động, khuyến khích bà con áp dụng cùng lúc bán hàng truyền thống và online , linh động các biện pháp giao hàng. Đồng thời, kiến nghị chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ tập huấn tiểu thương các hình thức kinh doanh online, giao hàng tiết kiệm…
Đại diện Cty CP Tập đoàn đầu tư MeKong (quản lý, khai thác khu nhà lồng 2) cũng cho biết, 60% tiểu thương tại khu nhà này đã bỏ trống lô thuê, số còn lại bám trụ lay lắt qua ngày.
“Doanh thu không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên họ cũng khó gánh nổi chi phí thuê mặt bằng, thuế, hiện khoản nợ tiền thuê mặt bằng đã lên tới 4 tỷ đồng.
Cty vận động bà con cố gắng bám trụ, linh động buôn bán, đóng tiền thuê mặt bằng hằng tháng, còn nợ cũ thì trả từ từ”, đại diện công ty nói.
Cty này đã kiến nghị UBND quận Ninh Kiều và thành phố Cần Thơ có biện pháp hỗ trợ, giảm thuế để Cty giảm tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương…