Nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Chính phủ vừa ban hành quy định mới cho phép các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và công nghiệp an ninh nòng cốt được tự chủ trong việc tuyển dụng chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và tổng công trình sư, đó là Nghị định số 103/2025 .
Theo đó, người đại diện theo pháp luật của các cơ sở này được quyền thuê chuyên gia theo hai hình thức linh hoạt: hợp đồng lao động hoặc thuê khoán, hợp tác tư vấn. Cơ chế mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh.
Đáng chú ý, cơ chế trả lương và thưởng được thiết kế dựa trên nguyên tắc linh hoạt, bám sát yêu cầu công việc, năng lực chuyên môn và đóng góp thực tế của từng cá nhân. Người đại diện theo pháp luật có toàn quyền quyết định mức lương, thưởng và các lợi ích khác phù hợp với mặt bằng tiền lương chung của thị trường trong các ngành, nghề tương ứng.
Về chính sách tiền lương tối đa khi sử dụng ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã quy định cụ thể mức trần như sau:
Chuyên gia tại các cơ sở này được hưởng mức lương tối đa bằng 30 lần mức lương cơ sở hiện hành, tương đương 70,2 triệu đồng/tháng;
Nhà khoa học đầu ngành có thể nhận mức tối đa đến 80 lần mức lương cơ sở, tương đương 187,2 triệu đồng/tháng;
Tổng công trình sư – những người giữ vị trí cao nhất trong đội ngũ chuyên gia – được hưởng mức lương tối đa lên đến 100 lần mức lương cơ sở, tương đương 234 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP
Chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách tương tự như những người được bổ nhiệm vào các chức danh nghiên cứu khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, họ sẽ được ưu tiên giao nhiệm vụ triển khai các chương trình, đề án khoa học công nghệ có ý nghĩa chiến lược, bao gồm phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật và các phương tiện nghiệp vụ đặc biệt, góp phần quan trọng vào an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của ngành.
Nghị định cũng quy định rõ việc xem xét bổ nhiệm chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư vào các vị trí việc làm phù hợp với năng lực và nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các đối tượng này sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ theo quy định pháp luật về thu hút và trọng dụng nhân tài, nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi và khích lệ sự cống hiến.
Về điều kiện sinh hoạt, những chuyên gia chưa có nhà ở hoặc có nhà ở cách nơi làm việc trên 30 km sẽ được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ. Trường hợp chưa thể bố trí nhà ở công vụ, họ sẽ nhận hỗ trợ về tiền thuê nhà hoặc được tạo điều kiện vay vốn mua nhà trả góp với lãi suất ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời được ưu tiên hàng đầu trong nhóm cán bộ, công chức, viên chức được mua nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có chức năng, nhiệm vụ:
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật;
Sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược;
Sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng;
Đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp;
Hoạt động thương mại quân sự, cung cấp dịch vụ công nghiệp quốc phòng;
Cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược.
Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.
Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt bao gồm:
Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu trong công tác công an theo quy định của pháp luật về cơ yếu, sản phẩm an ninh mạng phục vụ công tác công an; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí theo quy định của pháp luật;
Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp an ninh;
Đào tạo nhân lực cho công nghiệp an ninh;
Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm cho công nghiệp an ninh;
Cất trữ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh;
Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.