Thể thao Việt Nam một lần nữa trắng tay tại một kỳ Thế vận hội. Bước vào Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tham dự. Trong đó có 14 vận động viên đạt chuẩn và 2 vận động viên đặt cách.
Đến chiều ngày 8/8, VĐV cuối cùng của đoàn Việt Nam bước vào thi đấu. Tay chèo Nguyễn Thị Hương tham dự vòng loại C1-200m nữ Canoeing. Vận động viên 22 tuổi đã không thành công khi đứng cuối lượt thi. Ở vòng tranh vé vớt, Nguyễn Thị Hương xếp thứ 6/8 vận động viên tham dự tại lượt thi (lấy hai vị trí đầu lượt vào bán kết) và đã phải chia tay Olympic 2024.
Sau khi Nguyễn Thị Hương dừng bước, đoàn Việt Nam chính thức "trắng tay" tại Olympic 2024.
Trước đó, tối ngày 7/9 niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam là Trịnh Văn Vinh cũng đã phải trải qua thất bại. Văn Vinh buông tạ ngã xuống sàn, rời cuộc chơi trong sự bất lực và nỗi thất vọng tràn trề, chính là hình ảnh của thể thao Việt Nam ở sân chơi Thế vận hội.
Ở Olympic Paris, điểm sáng duy nhất của thể thao Việt Nam là bắn súng. Nữ xạ thủ ghi dấu ấn trong lần đầu dự Olympic với thành tích xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao. Dù vậy, Thu Vinh chỉ là một điểm sáng quá nhỏ cho chỗ đứng của thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Ngoài Trịnh Thu Vinh, Phạm Thị Huệ nội dung rowing cũng đáng khen ngợi khi vào tới tứ kết.
Trong khi đó, các vận động viên còn lại đều như đang cài "số lùi". Đơn cử như Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Các thông số của kình ngư này đều gây thất vọng, không thể vượt qua được chính bản thân mình. Còn những trận thua của Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)… đều nằm trong dự đoán.
Nhìn lại, SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà, đoàn thể thao Việt Nam thể hiện sự thống trị tuyệt đối với 205 HCV, nhiều hơn cả đoàn đứng thứ hai (Thái Lan, 92 HCV) và ba (Indonesia, 69 HCV) cộng lại. SEA Games 2023 cũng chứng kiến thể thao Việt Nam gặt hái 136 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai Thái Lan với 108 HCV.
Nhưng ra đấu trường Olympic, tại sao Việt Nam cứ mãi không có huy chương.Tính đến ngày 8/8, trong các đoàn Đông Nam Á, Philippines đã có 2 HCV, 2 HCĐ; Thái Lan giành được 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; Malaysia có 2 HCĐ và Indonesia có 1 HCĐ. Còn Việt Nam vẫn không có huy chương nào.
Ngay từ đầu Olympic, đoàn Việt Nam đã khiêm tốn hơn rất nhiều về số lượng VĐV tham dự so với các nước trong Đông Nam Á. Thái Lan có tới 51 VĐV, Indonesia (29), Malaysia (26), Philippines (22). Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á, hơn các quốc gia Timor Leste, Lào (4), Brunei, Campuchia (3) và Myanmar (2).
Thực tế, trong những năm vừa qua các nước Đông Nam Á chú trọng đến Asiad hay Olympic hơn SEA Games. Trong khi thể thao Việt Nam còn đầu tư dàn trải và không trọng điểm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, chế độ, dinh dưỡng, ứng dụng khoa học công nghệ... dành cho VĐV cũng là vấn đề cần bàn tới. Những vấn đề trên đều đã được "mổ xẻ" sau những kỳ Asiad hay Olympic không thành công. Tuy không mới nhưng đây lại là điều cản bước Việt Nam ở đấu trường thế giới.