Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học

A.A, Theo Trí Thức Trẻ 22:02 16/05/2017
Chia sẻ

Từ suy nghĩ thiết thực ấy bạn sẽ biết mình cần phải viết gì, thể hiện ra sao, gây ấn tượng với ban tuyển sinh như thế nào trong bài luận mở ra cánh cửa du học Mỹ.

Du học Mỹ là mong muốn của nhiều bạn trẻ Việt hiện nay. Môi trường học tập tại Mỹ chính là nơi đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu học tập và tự nghiên cứu của mỗi học sinh, sinh viên. Tuy vậy, ngoài vấn đề tài chính, việc chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ là điều khiến nhiều học sinh lúng túng vì chưa có đầy đủ thông tin. 

Trong khi giai đoạn chuẩn bị hồ sơ du học là một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Nếu bạn cảm thấy hồ sơ du học của mình đang có nhiều điểm chết hoặc không biết phải gây ấn tượng với ban tuyển sinh của ĐH Mỹ ra sao, tọa đàm: "Chiến thuật lội ngược dòng khi hồ sơ có nhiều điểm chết" do APUS Việt Nam tổ chức ngày 14/5 sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc ấy. 

Tham dự buổi tọa đàm có anh Trần Đắc Minh Trung, người giành học bổng của nhiều trường Đại học lớn như Harvard, University of Pennsylvania, Columbia, Johns Hopkins; Ngô Quang Khánh vừa đạt học bổng 3,7 tỉ đồng từ trường đại học St. Olaf - top 53 LACs, Nguyễn Trần Tuấn Khải người "ẵm" học bổng toàn phần của ĐH Temple và anh Trần Việt Hưng, tốt nghiệp ĐH Cambridge và nhận học bổng chương trình thạc sỹ Đại học Stanford.

Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học - Ảnh 1.

Bốn vị khách mời của buổi tọa đàm là những gương mặt đã và sắp du học Mỹ trong thời gian tới.

Cách viết luận rinh học bổng: Kể câu chuyện bạn muốn thay đổi

Ở ĐH Mỹ, ban tuyển sinh đánh giá một cá nhân nộp đơn vào trường họ phù hợp hay không phù hợp dựa vào nhiều yếu tố. Chuyện bảng thành tích học tập ấn tượng và hoạt động ngoại khóa sôi nổi, dĩ nhiên là cũng quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố quyết định bạn có được cấp học bổng hay không. Những điều bạn trình bày trong bài luận mới chính là điều ban tuyển sinh quan tâm.

Vậy, viết luận như thế nào cho hay và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh chấp nhận cấp hỗ trợ tài chính cho mình? Chúng ta hãy lắng nghe chia sẻ của hai vị "tiền bối" giàu kinh nghiệm nhé!

Anh Hưng cựu sinh ĐH Cambridge cho rằng, nội dung bài luận có thể là bất cứ thứ gì xảy ra xung quanh bạn, tạo cảm hứng cho bạn và khi kể về điều đó, bạn cho người đọc thấy mình là ai mà không cần phải bắt đầu bằng các cụm từ như: "Tôi từng đạt giải thưởng vào năm...", "Tôi có tổng cộng 10 chiếc huy chương Vàng trong các kỳ thi...".

Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học - Ảnh 2.

Anh Việt Hưng cựu sinh ĐH Cambridge chia sẻ bí quyết viết bài luận.

Anh Hưng chia sẻ: "Những thành tích con số, giải thưởng bạn đạt được, đã có trong hồ sơ, ban tuyển sinh không quá quan tâm trong bài luận của bạn. Những sự kiện rất nhỏ có thể tạo cảm hứng cho bài luận của chính bạn. 

Chẳng hạn như một lần về quê bạn nhìn thấy cuộc sống của người làng quê, bạn cảm thấy may mắn hơn nhiều người và từ đó bạn suy nghĩ mình sẽ làm được gì cho đất nước nếu như được đi du học.

Nhiều khi đó chỉ là những cảm nhận một giây phút, một thứ gì đó có thể đưa đến cho bạn những ý tưởng rất hay để làm thành một bài luận. Từ đó, ban tuyển sinh có thể thấy được người viết bài luận này có một sự trưởng thành nhất định và đây là người mà ban tuyển sinh đang tìm kiếm".

Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học - Ảnh 3.

Anh Trần Đắc Minh Trung có thẳng thắn nói: Bạn muốn thay đổi thế giới như thế nào, bạn có những lý thuyết gì, bạn muốn tìm hiểu điều gì?

Đồng tình với quan điểm này, anh Trung, khuyên bạn trẻ: "Trước khi viết một bài luận gửi cho các trường Đại học Mỹ, bạn phải hiểu đối phương muốn nghe cái gì. Không phải tất cả các trường đều muốn nghe những câu chuyện giống nhau. Để làm được điều này bạn cần liệt kê danh sách các trường và từ danh sách trường bạn sẽ đưa ra định hướng cho bài luận của mình. 

Ví dụ bạn gửi bài luận cho các trường đại học nghiên cứu lớn thì những người đánh giá bài luận và quyết định hồ sơ của bạn là những giáo sư thích con đường nghiên cứu và họ muốn tạo ra những nghiên cứu ảnh hưởng đến cuộc sống con người, thay đổi thế giới.

Do đó cách viết bài luận của bạn chính là kể cho họ nghe câu chuyện bạn muốn thay đổi thế giới như thế nào, bạn có những lý thuyết gì, bạn muốn tìm hiểu điều gì…".

Biết mình là ai và thích gì?

Song với việc có một bài luận hay và gây ấn tượng với ban tuyển sinh, các bạn trẻ có mong muốn du học cũng nên biết cách xác định lại mong muốn thật sự của bản thân và trường ĐH nào mới là nơi bạn thật sự muốn đến, phù hợp với cá tính, con người bạn. Vì bạn biết đấy, bạn sẽ gắn bó với trường ĐH trong suốt 4 năm trời và những việc xảy đến trong thời sinh viên tác động khá nhiều đến tính cách, tâm lý của bạn trong những năm tháng về sau.

Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học - Ảnh 4.

Tuấn Khải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về trường trước khi nộp hồ sơ du học.

Trong quá trình chọn trường du học bạn Khải tìm kiếm các trường Đại học từ US News. Cậu bạn tham khảo từ nhiều người khác nhau về các trường có thể hỗ trợ tài chính cho mình như thế nào. Phần này, Khải tìm từ website của trường.

Cậu bạn vừa nhận học bổng toàn phần từ ĐH Temple còn khá cẩn thận khi dành thời gian tìm hiểu văn hóa của trường có phù hợp với bản thân hay không.

Trong khi đó, bạn Khánh, người vừa nhận học bổng 3,7 tỉ đồng từ trường ĐH St. Olaf - top 53 LACs đề cao việc tham gia các hoạt cộng đồng để nhìn ra bản thân mình là ai và mình thích gì trước khi du học. Không phải ngẫu nhiên mà Khánh là người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận HOGO International và nằm trong top 6 cuộc thi viết tiểu luận Toán VITALI đâu nhé!

"Một khi đã định hướng ngành nghề bản thân sẽ theo đuổi, bạn có thể thể hiện điều đó trong bài luận. Như bạn muốn làm PR, bạn không cần phải đao to búa lớn, bạn không nhất thiết phải tham gia những tổ chức lớn. Bạn có thể lập ra tổ chức của riêng bạn, dù nó không mang lại thành công nhưng ít ra cũng cho thấy bạn sẵn sàng làm những việc gì phù hợp với bản thân mình và có thể cống hiến cho cộng đồng. Điều đó giúp bài luận của bạn có chất riêng hơn", Khánh nói.

Chiến thuật lội ngược dòng vào ĐH Mỹ: Hãy xuất phát từ suy nghĩ sẽ làm được gì cho đất nước nếu đi du học - Ảnh 5.

Ngô Quang Khánh đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận HOGO International chia sẻ tại hội thảo bí quyết mình trúng tuyển ĐH Mỹ.

Nhân đây, anh Trung muốn bạn trẻ nhìn nhận lại tính chất các công việc được gọi là hoạt động ngoại khóa làm sáng hồ sơ du học Mỹ.

"Không phải hoạt động nào hướng ngoại mang tính cộng đồng cũng đều gọi là hoạt động ngoại khóa. Không có một khuôn khổ hay công thức chung nào để định nghĩa các hoạt động ngoại khóa. 

Bạn có thể tham gia các hoạt động mùa hè xanh, các câu lạc bộ đọc sách, liên hệ với các giáo sư, tìm hiểu ngành học mà bạn thích và viết danh sách những sách cần đọc sau đó tự trình bày rõ ràng về ngành đó. 

Hoặc có những bạn thích đi xem múa rối nước và sưu tập những cuốn sách lịch sử liên quan đến hoạt cảnh của môn nghệ thuật đó hoặc cách làm những con rối nước đó. Tất cả những hoạt động này đều được xem là hoạt động ngoại khóa. Và quan trọng trên hết là hoạt động đó phải phù hợp với hồ sơ du học của bạn", anh Trung nhấn mạnh.

Hy vọng với những chia sẻ hữu ích từ người có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực giáo dục du học trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn và quyết định đúng đắn trước khi cầm bút điền vào hồ sơ du học của mình nhé!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày