Đường Trần Hưng Đạo rất dài, thẳng và đẹp với hai hàng cây xanh, một trong số những con đường của Sài Gòn có thể nhìn thấy rõ từ trên máy bay. Trụ sở Sở Công an PCCC TP HCM nằm ở ngay con đường này - vài tòa nhà sơn một màu trắng mát mắt giống như muôn vàn tòa nhà công sở lớn khác trong thành phố.
Điểm khác biệt duy nhất là ngay từ ngoài đường đã nhìn rõ những chiếc xe chữa cháy, cứu nạn-cứu hộ cao lớn sừng sững với màu đỏ chói đặc trưng đậu ngay sát hàng rào. Tinh ý chút nữa sẽ thấy cổng của PCCC không được trang trí nhiều bồn hoa cây cảnh mà rất rộng và mở vào con đường lớn thẳng tắp, cho xe chạy dễ dàng.
Trong tòa nhà bình thường đó có một kiến trúc đặc biệt, được che kín khỏi các tầm mắt ngoài đường, nằm yên lặng trong một khoảng sân rộng hết sức đơn giản chỉ có vài chiếc ghế đá hai bên và một bên tường có dòng chữ rất lớn: "Tưởng niệm các liệt sĩ".
Nhà tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn tại trụ sở Sở Cảnh sát PCCC TP HCM.
Clip: Những người lính PCCC trong vụ Carina: "Tụi mình không phải anh hùng. Xin gọi là những chiến sĩ bảo vệ người dân thôi" - Thực hiện: Kingpro
Đó là nhà tưởng niệm các chiến sĩ lực lượng PCCC đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Hai bên cửa là hai dòng câu đối trang trọng: "Đời đời ghi nhớ ơn liệt sĩ. Mãi mãi khắc ghi tấm lòng vàng".
Phía trên bàn thờ, thay vì bài vị là một tấm đá granit hình vuông màu đỏ sẫm, trên chỉ có duy nhất một chữ "HỎA" khảm nổi bằng đồng ánh lên lấp lánh, cách điệu uốn éo thành hình một ngọn lửa đang bốc cao. Dưới bình hương, giản dị và nghiêm trang như mọi bàn thờ ở gia đình khác, có lọ muối, lọ gạo và đặc biệt, có hai hũ tro màu vàng. Dưới đất, một pho tượng nhỏ bằng đá trắng tạc hình người lính PCCC đang ôm một em bé trong tư thế che chở.
Thắp bảy cây hương cung kính vái trước bàn thờ đồng đội, Nguyễn Hoàng Tuấn trang nghiêm: "Đây là các đồng đội tôi đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, là Ông, là Bác, là Anh của thế hệ chúng tôi".
Chỉ có bảy tấm bia màu đen gắn vĩnh viễn xung quanh bàn thờ, không có ảnh nhưng ghi rõ tên các liệt sĩ và năm sinh, năm mất.
Tên tuổi các liệt sĩ trong Nhà tưởng niệm.
Liệt sĩ lớn tuổi nhất tên Nguyễn Văn Mót, sinh năm 1923, hy sinh ngày 7-2-1977.
Liệt sĩ trẻ tuối nhất ra đi khi chưa tròn 22 tuổi. Anh tên Phạm Trường Huy, sinh 11-7-1985, hy sinh 27-4-2007.
Cuối năm 2017 đầu năm 2018, lực lượng cảnh sát PCCC hy sinh ba chiến sĩ, rất nhiều người bị thương, trong đó Thượng úy Phạm Phi Long (Cảnh sát PCCC Bình Tân) hy sinh, để lại cha mẹ già, con thơ, một bé còn nằm trong bụng mẹ. Liệt sĩ Phạm Phi Long không có bia trong nhà tưởng niệm này, cũng như một số liệt sĩ khác gia đình muốn đón về thờ cúng thầm lặng trong nhà mà thôi.
Nguyễn Hoàng Tuấn là một trong số những chiến sĩ rất trẻ xông vào tòa nhà Carina đang cháy rạng sáng 23/3 vừa qua. Anh thuộc lực lượng Phòng Cứu nạn-cứu hộ, Sở Cảnh sát PCCC TP HCM.
Nguyễn Hoàng Tuấn, chiến sĩ thuộc Phòng Cứu nạn cứu hộ Sở Cảnh sát PCCC TP HCM.
"Đêm đó cậu mình nằm bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhà mình cũng chỉ có hai đứa con trai, mình và đứa em nữa. Mình vừa lo cho ông xong về đến đội thì thấy anh em đã đi hết, mũ với bình (bình dưỡng khí-NV) không còn cái nào. Lên hỏi bộ phận thông tin thì biết là cháy lớn ở Carina. Mình lấy xe máy chạy tới đó thì khoảng 1h30 phút sáng. Anh em vào trong hết rồi, ở ngoài không còn mặt nạ với cái bình nào nữa, mình chỉ còn áo quần chống cháy với mũ và ủng thôi.
Lúc đó lửa dưới hầm vẫn cháy sáng lòa, tiếng nổ liên tiếp, khủng khiếp không thể hình dung được. Mình nghĩ lửa cháy lớn vậy sẽ đốt chảy thép, nung nóng bê tông, tòa nhà có nguy cơ sập xuống. Anh em mình có thể hy sinh trong đó. Mình mới gọi điện thoại cho mẹ, nói mẹ ơi con đang cứu cháy bên quận 8, cháy lớn lắm. Mẹ nói: "Con đi làm cẩn thận nghe con". Mình nói "Dạ, con biết rồi" rồi tắt máy. Lúc đó mình nghĩ đã gọi cho mẹ rồi, đã có cái ví mang theo người đầy đủ thông tin rồi, nếu mình hy sinh trong đó thì mọi người cũng biết mình là ai…
Sau đó thì chỉ biết ôm cõng được ai ra thì ôm, hết sức mình, không còn nghĩ gì nữa hết. Anh kia kìa, cái anh da ngăm ngăm mới cười đó, hôm đó ảnh cõng chị kia gần trăm ký chạy từ trên lầu xuống đất".
Đang là sinh viên năm thứ ba khoa Giáo dục thể chất Đại học Sư phạm TP HCM, là vận động viên bơi lội, Tuấn xin bảo lưu kết quả học tập để làm lính cứu nạn cứu hộ, trong đội "người nhái" chuyên lặn mò vớt xác nạn nhân chết đuối và tìm chứng cứ các vụ trọng án, được hơn một năm nay. Và đang tính sẽ ở lại trong ngành đồng thời học hết Đại học. Ngồi cạnh, đôi mắt anh Phan Văn Thuận nhìn Tuấn chất chứa thâm tình như bàn tay anh đang nắm bàn tay người chiến sĩ mới 22 tuổi. Bé Xu, con gái út của anh Thuận chính là một trong số những nạn nhân được Tuấn bế cứu ra trong cái đêm hãi hùng đó.
Gia đình anh Thuận sống tại lô A chung cư Carina. Nhà chỉ có một lô gia không kín, không có ban công. Lúc khói đen cuồn cuộn và đậm đặc bít kín hành lang, anh Thuận mở cửa chạy ra tìm trước đường lánh nạn rồi dẫn vợ con theo. Nhưng không có con đường nào cả. Khắp nơi: hành lang trước, hành lang sau, đoạn ngắn nối giữa hai hành lang đều ngập khói, tối đen, không một tiếng chuông báo, không một thông báo nào xác định điểm cháy và tình hình cháy, không bảng hướng dẫn thoát hiểm… Anh Thuận quay cuồng như con chuột trong chiếc lồng kín mít đang bị nung nóng từ từ, tìm mọi cách cứu mạng trong khi đã thầm xác định gia đình mình hôm nay sẽ phải chết cùng nhau trong chính nhà mình.
Rồi cũng tìm được một ngôi nhà sát đó có ban công. May mắn thay chủ nhà không khóa cửa, nhiều người dân cũng đã trốn vào bên trong. Anh Thuận mở cửa xin vào rồi quay về nhà bế con dắt vợ chạy sang. Vài chục người phụ nữ trẻ em đứng ra ban công tìm chút không khí hít thở và vẫy mọi thứ để báo hiệu, mong được cứu.
Trong lúc ấy luồng khói giết người vẫn đang thỏa sức lồng lộn trong các hành lang và bốc lên ngút trời.
Cho đến khi các chiến sĩ cứu nạn-cứu hộ chạy lên đập cửa từng căn nhà, ôm, cõng, bế những người già, trẻ em, những người đã bị ngạt khói gần ngất xỉu… ra ngoài, xuống đất, gia đình anh Thuận mới dám tin mình còn sống.
Những câu chuyện tương tự được kể lại trong nghẹn ngào, vang khắp hội trường của Sở Công an PCCC TP HCM vào sáng 14/4, 21 ngày sau vụ cháy kinh hoàng.
Sáng nay, giữa bình yên và rực rỡ nắng của Sài Gòn, khi tro than, mồ hôi và máu đã rửa sạch, trong sắc phục xanh của ngành những gương mặt chiến sĩ hầu hết đang lứa hai mươi tuổi hiện ra trẻ trung sáng ngời.
Đại diện các lực lượng PCCC tham gia chữa cháy và cứu nạn trong vụ cháy Carina nhận hoa cảm ơn của người dân.
Phía bên kia là những người dân Carina may mắn sống sót. Cha con, mẹ con, gia đình ăn mặc đẹp đẽ ngồi sát bên nhau, âu yếm nhìn đứa con nhỏ tung tăng như vừa mới tìm lại được nó.
Hôm nay là buổi lễ tri ân đầu tiên trong lịch sử ngành PCCC TP HCM suốt hơn 40 năm qua. Lần đầu tiên, gần trăm người dân đã đến tận nơi để cùng tỏ lời cảm ơn đến những người lính PCCC đã cứu họ thoát chết.
Hôm nay cũng vừa tròn ba thất (tuần) kể từ ngày xảy ra thảm họa. Theo tín ngưỡng dân gian, còn 4 thất nữa, vào ngày 10/5 là tròn 49 ngày từ khi 13 sinh mạng bị cắt đứt. Tròn 49 ngày từ khi thân xác rời cõi tạm, linh hồn sẽ chuyển sinh vào cõi khác. Do vậy liên tục suốt ba tuần nay, hương khói trên các bàn thờ đặt trước sân lô A chung cư Carina không ngày nào dứt.
Tôi nhấc chiếc mũ PCCC lên cầm thử. Nó nặng khoảng 2 kg.
"Nó phải dày chắc để lỡ bị vật nặng rớt xuống đầu thì anh em không bị thương. Những đám cháy vật liệu xây dựng rớt xuống nhiều lắm chị. Hôm Carina nhiều anh em cũng bị bê tông trên trần rớt xuống trúng đầu" - Tuấn kể.
Nguyễn Trường Huy, liệt sĩ trẻ nhất có tên trong Nhà tưởng niệm hy sinh trong một tai nạn sập nhà như vậy.
Đại diện cư dân Carina trao tặng bức ảnh ghi lại cảnh các chiến sĩ PCCC tham gia cứu nạn cho lãnh đạo lực lượng PCCC TP HCM.
Khoảng 23h30 ngày 26/4/2007, một kho hàng trong hẻm tại đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 bốc cháy. Khi lực lượng đến nơi, đám cháy đã bùng phát dữ dội. Phạm Trường Huy nhận nhiệm vụ lên mái nhà để chặn ngọn lửa cháy lan. Do trời tối, đèn tắt, Huy bước trúng vào mái tôn bị mục, ngã thẳng xuống từ độ cao 5m, chấn thương sọ não dù đã có mũ bảo hộ và hy sinh vào ngày hôm sau.
Thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi) hy sinh, hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) bị gãy chân, hạ sĩ Phan Tấn Quốc (24 tuổi) bị chấn thương cột sống trong vụ cháy nhà tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân giữa tháng 9 năm ngoái. Căn nhà chứa đến 5 tấn áo quần cũ nên cháy dữ dội. Trong lúc triển khai thang lên tầng 1 căn nhà để phá cửa dập lửa thì bất ngờ sàn nhà đổ sập đè lên Long, Dũng và Quốc.
"Nhưng mà tụi mình không phải là anh hùng, tại bà con thương thì bà con gọi vậy thôi. Xin gọi tụi mình là những chiến sĩ bảo vệ người dân thôi" - Nguyễn Hoàng Tuấn bẽn lẽn cười khi tôi hỏi nghĩ gì về danh xưng anh hùng mà bà con Carina gọi các anh trong buổi lễ tri ân.
Ánh mắt anh sáng lên đầy vẻ tự hào.
Những liệt sĩ lực lượng PCCC TP HCM trong Nhà tưởng niệm:
1. Liệt sĩ Nguyễn Văn Mót, sinh năm 1923, hy sinh ngày 7-2-1977.
2. Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1929, hy sinh 12-4-1979.
3. Liệt sĩ Võ Quang Hà, sinh 21-1-1956, hy sinh 12-4-1979.
4. Liệt sĩ Trần Văn Bảy, sinh 24-7-1960, hy sinh 24-8-1979.
5. Liệt sĩ Lê Văn Hà, sinh 16-5-1964, hy sinh 11-3-1991.
6. Liệt sĩ Phạm Văn Sáu, sinh 27-11-1971, hy sinh 26-1-1991.
7. Liệt sĩ Phạm Trường Huy, sinh 11-7-1985, hy sinh 27-4-2007.
Box số liệu: Tính chung năm 2017, trên cả nước xảy ra gần 4.200 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, đã xảy ra 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết, bị thương 44 người.
Trong 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, làm 31 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 270 tỷ đồng. Vụ cháy Carina Plaza là vụ nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua, chỉ sau thảm họa cháy ITC làm 60 người chết.
Năm 2017 và quý I/2018, lực lượng Cảnh sát PCCC TP HCM đã tham gia cứu nạn, cứu hộ 264 tai nạn, sự cố.
Theo khảo sát và thống kê của cảnh sát PCCC chỉ tính riêng trên địa bàn mỗi quận - huyện hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh karaoke, gas, xăng dầu, phế liệu nhưng không có giấy phép hoạt động.
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an).