Mới đây, Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một bảo tàng có kiến trúc được đánh giá là vô cùng phức tạp và tinh tế, tưởng chừng chỉ xuất hiện ở trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhìn từ trên cao xuống, bảo tàng trông giống như một ngôi sao kim loại bảy cánh nổi trên mặt hồ. Nhìn từ một phía, mái nhà bảo tàng như đang mô phỏng những ngọn núi phía xa. Nhìn từ một phía khác, phần mái lại có hình dạng như một đám mây.
Paulo Flores, một trong những giám đốc dự án tại Zaha Hadid Architects, đơn vị thiết kế bảo tàng chia sẻ rằng: “Sự biến đổi bất ngờ trong từng góc nhìn chính là một trong những điểm đặc biệt của kiến trúc này".
Một góc nhìn khác từ Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: Arch-Exist)
Đặc biệt, Flores cho biết, một tòa nhà có quy mô và độ phức tạp như thế này thường sẽ mất từ 4 đến 5 năm để xây dựng. Tuy nhiên, Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô đã đi từ ý tưởng đến hoàn thành chỉ trong 12 tháng với diện tích rộng 59.000 mét vuông - gấp ba lần diện tích của Nhà hát Opera Sydney. Vào năm 2022, Bảo tàng này còn vinh dự được ủy quyền để tổ chức Hội nghị khoa học viễn tưởng thế giới (Worldcon) thường niên lần thứ 81 trong năm 2023.
Chia sẻ về các công nghệ thiết kế tòa nhà, Flores cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể tạo ra những loại hình học giống với thiết kế của bảo tàng bằng phần mềm mô hình đa giác. Phần mềm này tạo ra hình ảnh mô phỏng ba chiều của bảo tàng”. Với dự án này, công nghệ không chỉ là chìa khóa để tạo ra một thiết kế đầy tham vọng mà còn giúp thực hiện xây dựng một cách nhanh chóng.
Không gian bên trong Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: Arch-Exist)
Bằng cách sử dụng nhiều phần mềm thiết kế, bao gồm cả phân tích mô hình kỹ thuật số, nhóm đã có thể đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo rằng tất cả mọi người, từ kiến trúc sư, nhà sản xuất vật liệu đến công nhân xây dựng, đều hiểu rõ công việc của mình. Satoshi Ohashi, một giám đốc dự án khác, nói rằng việc xây dựng và thiết kế diễn ra cùng lúc sẽ không thể thực hiện được nếu không có những công nghệ mới này.
Ohashi cho biết thêm rằng phân tích mô hình kỹ thuật số cho phép nhóm tối ưu hóa cấu trúc của tòa nhà để phù hợp với khí hậu của Thành Đô. Bằng cách phân tích các thông số thời tiết và môi trường, phần mềm đưa ra các quyết định về kích thước và góc nhô ra của mái nhà để bảo vệ nội thất khỏi ánh nắng trực tiếp.
Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: Arch-Exist)
Công nghệ xanh cũng được tích hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường khi bảo tàng đi vào vận hành, với các tấm pin mặt trời được gắn vào mái nhà mở rộng để cung cấp năng lượng.
Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: Arch-Exist)
Bảo tàng đã mở cửa theo lịch trình để tổ chức sự kiện khai mạc - lần đầu tiên Worldcon được tổ chức tại Trung Quốc và lần thứ hai ở Châu Á. Với việc đấu thầu thành công để đăng cai World Con lần thứ 81, Ohashi hy vọng rằng bảo tàng và không gian tổ chức sự kiện mới có thể trở thành “một địa danh mang tính biểu tượng đại diện cho ngành khoa học viễn tưởng của họ”, ông nói.
theo CNN