Chia sẻ bí quyết đỗ đại học, nữ sinh đang được khen bỗng vướng tranh cãi khi danh tính bố mẹ bị lộ

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 14:40 12/09/2023

Nhiều người đồng tình với nữ sinh này. Tuy nhiên bên cạnh đó, một luồng ý kiến cũng cho biết, cô nên công khai luôn danh tính cha mẹ trước khi muốn nói "đạo lý".

Sau kỳ tuyển sinh đại học kết thúc, những thí sinh đỗ vào trường danh tiếng sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều phụ huynh hy vọng các em có thể chia sẻ một số kinh nghiệm học tập để học hỏi, nâng cao thành tích của con mình.

Tuy nhiên mới đây, một nữ sinh đến từ Tế Nam (Trung Quốc) được nhận vào Khoa Ngoại ngữ của Đại học Bắc Kinh (một trong những ngôi trường top đầu Trung Quốc và châu Á) khi chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc phỏng vấn, đã bị cư dân mạng "tấn công" chỉ vì một câu nói.

Theo đó, cô gái nhiều lần đặc biệt nhấn mạnh mình không có "điện thoại di động", điều này phản ánh điện thoại di động sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và khiến học sinh mất tập trung. Thực ra câu nói này không có gì sai, trong thời đại công nghệ điện tử quá phát triển, thế giới trực tuyến muôn màu muôn vẻ, ngay cả người lớn cũng không thể tránh khỏi việc cầm điện thoại di động suốt ngày chứ đừng nói đến học sinh, sinh viên đang đi học.

Chia sẻ bí quyết đỗ đại học, nữ sinh đang được khen bỗng vướng tranh cãi khi danh tính bố mẹ bị lộ - Ảnh 1.

Nữ sinh chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc phỏng vấn đã bị cư dân mạng "tấn công" chỉ vì một câu nói

Vì vậy, ban đầu, nhiều cư dân mạng nghe xong tỏ vẻ đồng tình và nói đùa: "Đừng cho bố mẹ tôi xem video này". Nhưng khi tìm hiểu xuất thân của nữ sinh này, nhiều người nhận thấy rằng cô dường như không cần thiết phải nhấn mạnh cụ thể vào việc không dùng điện thoại di động trong cuộc phỏng vấn. Nguyên nhân chỉ vì tân sinh viên của ĐH Bắc Kinh được sinh ra trong một gia đình "chất lượng cao", bố mẹ không chỉ có bằng thạc sĩ mà còn có các chức danh chuyên môn cao cấp.

Dù không có điện thoại di động nhưng họ vẫn đưa con đi khắp nơi vào mỗi kỳ nghỉ để nâng cao kiến thức. Hơn nữa, cô gái này đã được rèn luyện gần như toàn diện từ khi còn nhỏ và đã giành được nhiều huy chương, chứng chỉ.

Vì vậy, có thể thấy, kết quả xuất sắc của cô không thể tách rời khỏi sự tu dưỡng của gia đình, thực sự không liên quan gì đến việc có điện thoại di động hay không, dù có thì vẫn sẽ đạt được thành tích như vậy.

Nhiều người cho rằng, mặc dù với sự phát triển không ngừng của xã hội, một số học sinh có thể được hưởng các nguồn lực giáo dục giống nhau. Tuy nhiên, những gia đình có trí thức cao, có năng lực tài chính thì có nhiều khả năng sản sinh ra những "cao thủ học thuật", được nhận vào các trường đại học danh giá.

"Nếu không tin bạn có thể đi quanh khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh hoặc Đại học Thanh Hoa và phỏng vấn những sinh viên hàng đầu. Về cơ bản, gia đình họ hoặc là giáo viên trong các trường đại học hoặc công chức.

Đây là khoảng cách do nền tảng gia đình và môi trường phát triển gây ra. Không phải sự chăm chỉ của học sinh là không quan trọng nhưng thực sự cơ sở vật chất và nguồn lực giáo dục do điều kiện kinh tế mang lại rất khác nhau", một người bình luận.

Nhiều người cho rằng, sự tồn tại của các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính quả thực sẽ thu hút sự chú ý của học sinh ở một mức độ nhất định, nhưng xét cho cùng, mấu chốt nằm ở thái độ học tập kỷ luật tự giác. Nếu dùng thiết bị điện tử dẫn đến nghiện, thì đó là biểu hiện của khả năng tự quản lý bản thân thấp. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho thiết bị.

Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cho rằng, kinh nghiệm của nữ sinh này không có gì là "tự cao" cả. Smartphone, mạng xã hội có nhiều ích lợi trong việc khai thác thông tin, tiếp nhận tri thức, tuy nhiên nhiều bạn trẻ đang mắc hội chứng "nghiện điện thoại", dành quá nhiều thời gian cho Facebook và các mạng xã hội khác mà xao nhãng việc học hành. Nếu gia đình có nền tảng và điều kiện mà con cái không chịu học thì cũng không đạt được thành quả như mong đợi.

Bên cạnh đó, không phải ai vào Thanh Hoa hay Bắc Kinh cũng là con nhà khá giả, có tiềm lực kinh tế. Một kết quả khảo sát tại Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận: Trong số hơn 3.500 sinh viên năm nhất đại học tại Đại học Thanh Hoa, có đến 1/5 số sinh viên theo học tại đây đến từ các vùng nông thôn và vùng có kinh tế khó khăn.

Nền tảng gia đình chính là xuất phát điểm của một người, ở một góc độ nào đó, điều này còn quyết định giới hạn của họ. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi người đều có cơ hội để thay đổi vận mệnh của mình, một vài điều có thể bạn không có quyền lựa chọn, nhưng những cơ hội còn lại bạn phải nắm bắt để tồn tại.