Chỉ số thông minh hay IQ là thước đo đánh giá khả năng suy luận; nhìn nhận và thấu hiểu vấn đề; tư duy logic và khả năng lập kế hoạch… của một con người.
Có nhiều hình thức thực hiện các bài kiểm tra IQ khác nhau. Tuy nhiên hầu hết trong số đó đều hướng tới mục tiêu phân tích khả năng ngôn ngữ, Toán học, xử lý hình ảnh cũng như trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin của mỗi người. Kết quả đánh giá các khả năng này cùng với một số bài kiểm tra phụ sẽ được kết hợp và tổng kết thành chỉ số IQ.
Ngoài ra, một số chỉ dấu về ngoại hình cũng có thể cho thấy người đó có thông minh hay không. Chẳng hạn, kích thước của đồng tử.
Đồng tử là một bộ phận trong mắt, là một lỗ nằm ngay chính trung tâm của mống mắt cho phép ánh sáng đi qua và đi đến võng mạc. Kích thước của đồng tử phụ thuộc vào độ tuổi và ánh sáng. Ở giai đoạn 15 tuổi, đồng tử sẽ có kích thước to nhất khoảng từ 3-8mm. Sau 25 tuổi, kích thước trung bình của đồng tử sẽ bắt đầu giảm xuống, nhưng không có tỷ lệ cố định.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu cho chúng ta biết: Bạn có thể biết chỉ số IQ chỉ bằng cách nhìn vào mắt. Chìa khóa của nghiên cứu này nằm ở sự kết nối giữa đồng tử và thân não.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng kích thước đồng tử của mắt người có mối liên hệ chặt chẽ với locus coeruleus, một hạt nhân thần kinh trên thân não. Một mặt, locus coeruleus có các kết nối thần kinh với các mô não khác, mặt khác, khu vực này còn tiết ra một loại hormone có thể điều chỉnh khả năng nhận thức, sự chú ý, học tập và trí nhớ của con người.
Nói cách khác, khả năng tập trung và học tập hiệu quả của một người phụ thuộc phần lớn vào locus coeruleus. Sức mạnh của chức năng locus coeruleus có thể được phản ánh qua kích thước đồng tử của mắt người.
Lúc đầu, FBI ở Hoa Kỳ sử dụng mức độ giãn nở đồng tử để đánh giá hoạt động não bộ của con người. Họ thường nhìn vào độ giãn đồng tử của một người để xác định xem người đó có nói dối khi thẩm vấn hay không. Sau đó, nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ Georgia ở Hoa Kỳ đã chứng minh mức độ giãn nở của đồng tử có liên quan đến chỉ số IQ.
Họ đã tìm thấy hơn 500 tình nguyện viên địa phương từ 18 đến 35 tuổi và sử dụng máy theo dõi mắt để đo kích thước đồng tử trung bình. Sau đó, những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một loạt bài kiểm tra khả năng nhận thức, chẳng hạn như kiểm soát sự chú ý, kiểm tra khả năng ghi nhớ ngắn hạn, v.v. Tổng hợp kết quả của loạt bài kiểm tra này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng đường kính ban đầu của đồng tử của một người càng lớn thì chỉ số IQ của người đó càng cao.
Điều thú vị là kích thước đồng tử tương quan nghịch với tuổi: Những người tham gia lớn tuổi có xu hướng có đồng tử co lại nhỏ hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã hiệu chỉnh biến số về độ tuổi, mối quan hệ giữa kích thước đồng tử và khả năng nhận thức vẫn còn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng một giả thuyết khác là những người có đồng tử lớn hơn ở trạng thái nghỉ ngơi có khả năng điều chỉnh mạnh hơn ở vỏ não, điều này có lợi cho khả năng nhận thức và mức độ hoạt động của não. Tuy nhiên vẫn cần các nghiên cứu bổ sung để khám phá giả thuyết này.