Chênh lệch giới tính khi sinh tại TP Hà Nội ở mức nào?

N.Dung, Theo Người lao động 16:04 18/03/2023
Chia sẻ

TP Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh năm 2023 không vượt quá 112 trẻ trai/100 trẻ gái.

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 963/KH-SYT về việc thực hiện các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, đồng thời yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố theo kế hoạch 208/KH-UBND giai đoạn 2016 - 2025.

Theo đó, mục đích là từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh của thành phố trở lại theo quy luật tự nhiên, góp phần ổn định cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, đặt mục tiêu đưa tỉ số giới tính khi sinh của thành phố đến năm 2025 về mức cân bằng tự nhiên.

Chênh lệch giới tính khi sinh tại TP Hà Nội ở mức nào? - Ảnh 1.

TP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh

Sở Y tế Hà Nội cũng đặt mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh năm 2023 của thành phố không vượt quá 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Tập trung giảm tỉ số giới tính khi sinh tại các quận/ huyện/thị xã có tỉ số giới tính khi sinh năm 2022 cao trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái.

Thời gian tới, ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái...

Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao với 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, trong đó có 5 quận, huyện ở mức rất cao, trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Ba Đình, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín.

Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết tỉ số giới tính khi sinh phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỉ số này ở mức sinh học thông thường là 104-107 bé trai/100 bé gái.

Tổng Điều tra dân số năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỉ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam khoảng 113,7 trẻ trai trên 100 bé gái, được lãnh đạo Tổng Cục Dân số đánh giá là "nghiêm trọng". Đáng chú ý, ở một số địa phương, chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn mức bình quân cả nước, như Sơn La 117 bé trai/100 bé gái, Nghệ An là 116,6.

Các chuyên gia cho rằng mất cân bằng giới sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, riêng năm 2019 cả nước bị thiếu hụt 45.900 bé gái. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ tăng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày