Thủ tướng Anh Boris Johnson, 56 tuổi hôm qua tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca tại Bệnh viện St Thomas. Đây cũng là nơi cách đây gần một năm ông được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực và thở máy vì ốm nặng khi mắc Covid-19.
Với chiếc khẩu trang đeo trên mặt, Nhà lãnh đạo Anh kêu gọi người dân làm điều tương tự: "Việc tiêm chủng rất tốt và nhanh chóng. Mọi người nên tiêm phòng vaccine sớm vì đó là điều tốt nhất cho bạn, gia đình và người xung quanh. Hãy lắng nghe những gì cơ quan y tế châu Âu nói rằng lợi ích của vaccine lớn hơn nhiều so với rủi ro. Tiêm chủng là một điều tuyệt vời mà bạn nên làm".
Nhân viên y tế đang chuẩn bị ống tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford tại Tây Ban Nha ngày 15/3/2021 (Ảnh: SOPA)
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex, 55 tuổi, cũng nằm trong số nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau một thời gian ngắn tạm đình chỉ do lo ngại tác dụng phụ của vaccine. Theo Thủ tướng Jean Castex, ông hoàn toàn tự tin vào các chiến dịch tiêm phòng.
Không chỉ Pháp, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Italy, Cộng hòa Síp, Latvia, Litva, Indonesia,... ngày 19/3 cũng nối lại việc sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Sabine Straus, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Rủi ro Dược Phẩm của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cho biết: "Vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 và lợi ích của nó lớn hơn nhiều so với rủi ro. Một số biến cố huyết khối tắc mạch được báo cáo sau khi tiêm chủng thấp hơn ước tính chung trong dân số. Vì thế Ủy ban Đánh giá rủi ro Dược phẩm kết luận rằng không có mối liên hệ giữa vaccine và sự gia tăng nguy cơ đông máu tổng thể. Thậm chí, vì vaccine có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 nên cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng huyết khối".
Thực tế là trong hơn 10 quốc gia ngừng sử dụng vaccine, các trường hợp đông máu rất hiếm. Có 7 người bị máu đông trong mạch (đông máu nội mạch lan tỏa) và 18 người có cục máu đông trong não (CVST). Tổng số ca đông máu trước, trong và sau tiêm chủng là 469, trong đó 191 trường hợp xảy ra ở Liên minh châu Âu. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu con số này thậm chí thấp hơn ước tính chung.
Nhiều người đã bày tỏ ngạc nhiên khi các nước Liên minh châu Âu ngừng tiêm vaccine bởi quyết định vội vàng này có thể gây tổn hại đến niềm tin vaccine vào thời điểm mà nhiều người vẫn còn do dự trong việc tiêm vaccine.
Theo Tiến sĩ Giovanni Rezze, người đứng đầu bộ phận phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế Italy, cần phải tăng tốc trở lại chiến dịch tiêm phòng để bù đắp khoảng thời gian đã mất. Như đối với Italy, nước này cần tăng gấp đôi lượt tiêm chủng mỗi ngày so với con số 200.000 đạt được trước khi tạm dừng để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào tháng 9.
Trong khi đó tại Đức, các nhà chức trách ở Berlin cho biết hai trung tâm tiêm chủng lớn đã mở cửa trở lại vào thứ Sáu và những người bị hủy lịch hẹn trong tuần này sẽ có thể tiêm vaccine vào cuối tuần. Sau những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai, việc tiêm trở lại vaccine của AstraZeneca có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm và nhập viện tăng đáng kể ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước thậm chí còn thừa nhận đang bước vào làn sóng thứ 3.