Tuổi thơ của chàng trai "thổi hồn" vào rác
Từ lúc ra đời, Đinh Đồng Giang đã không được may mắn như bao bạn nhỏ khác. Khi đó, anh bị liệt nửa người nên tay trái không thể làm gì và chân không thể đi lại được. Bởi vậy, mọi sinh hoạt cá nhân thường ngày, Giang đều phải nhờ bố mẹ giúp đỡ.
Bước vào lớp 1, Giang thường xuyên bị ốm nặng nên việc học nhanh chóng phải khép lại. "Có những lần ốm nặng, gần một tuần tôi không ăn uống được gì. Bố mẹ tôi lo lắm nhưng không biết phải làm thế nào. Thậm chí, có những lúc bố mẹ tôi tuyệt vọng nghĩ tôi không qua khỏi", anh Giang chia sẻ.
Cả tuổi thơ phải chống chọi với bệnh tật, không thể đến trường như bạn bè đồng trang lứa, lúc đó, Giang khao khát có cuộc sống như người bình thường.
Năm 2013, hạnh phúc đã mỉm cười khi anh Giang được chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí phẫu thuật. Sau gần một tháng tại bệnh viện, từ cậu bé bị liệt nửa người, Giang đã có thể cử động từng ngón chân, ngón tay.
Dần dần, Giang đã tự bước từng bước chắc nịch trên sàn nhà không cần ai giúp đỡ. Chứng kiến điều này, bố mẹ anh đã không kìm được nước mắt, chạy đến ôm con vào lòng.
Mỗi bức tranh đều có ý nghĩa và sự độc đáo riêng
Một số bức tranh làm vỏ sò, túi bóng, giấy,...
Những tháng ngày sau đó, mặc dù không thể làm được những công việc nặng nhưng Giang có thể tự làm những việc cá nhân của mình. Rồi anh phụ giúp bố mẹ quét nhà, rửa bát,… Đến khi sức khỏe ổn định hơn, niềm khát khao con chữ lại hối thúc anh.
"Chứng kiến nhiều bạn khiếm khuyết có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng vẫn cố gắng học, hoàn thiện từng nét chữ, khi đó niềm khát khao con chữ trong tôi trỗi dậy. Sau đó, tôi quyết tâm tự tập đọc, tập viết, lấy sách báo đánh vần từng con chữ. Vài năm sau, bản thân tôi có thể đọc, viết thành thạo", anh Giang chia sẻ.
Biến rác thành những tác phẩm độc đáo
Chia sẻ về nguồn cảm hứng tái chế rác thành đồ chơi, bức tranh của mình, anh Giang cho biết: "Trước đây, tôi xem tivi thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên nghiêm trọng. Xong lại nhìn thấy nơi mình sinh sống có rất nhiều rác. Chính điều này đã giúp tôi nảy ra ý tưởng tái chế rác thành đồ chơi".
Năm 2019, anh Giang bắt đầu nhặt nhạnh những thứ bỏ đi rồi biến chúng thành món đồ chơi đẹp mắt. Ban đầu, anh lấy những sợi dây đồng từ dây điện bỏ đi rồi quấn lại thành chiếc xe máy hay những đồ chơi đơn giản.
Tiếp đó, thấy lông gà có màu sắc rất đẹp, lại bóng và mượt nên anh Giang quyết định nhặt chúng rồi làm sạch, phơi khô. Khi nhiều, anh đem cắt, ghép, dán và xếp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, anh cũng nhặt những vỏ chai nước rồi lắp thành những con robot, người máy…
Một số đồ chơi làm từ vỏ sò, quả thông, nắp chai nhựa
Những chiếc xe được làm từ nhiều nguyên vật liệu tái chế
Sau khi hoàn thiện các sản phẩm, anh Giang chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội. Từ người thân, bạn bè cho đến những người xa lạ, họ đều tỏ ra thích thú và khen ngợi những sản phẩm của anh. Nhận được những lời khen ngợi từ mọi người, anh Giang càng có thêm động lực để làm ra những sản phẩm tái chế từ rác nhiều hơn.
"Ngoài làm tranh và đồ chơi, tôi còn làm tiểu cảnh bằng... chậu vỡ. Những vật liệu mà gia đình hay hàng xóm không sử dụng như lon nước ngọt, ấm nước, chai nhựa, bìa giấy,… tôi đều xin giữ lại để tái chế. Mỗi sản phẩm sẽ có thời gian hoàn thiện khác nhau. Có những tác phẩm tôi chỉ mất khoảng 2-3 ngày, có tác phẩm phải mất khoảng một tháng", anh Giang vui vẻ cho biết.
Các tác phẩm tiểu cảnh được làm từ những chiếc chậu vỡ
Tính đến thời điểm hiện tại, anh Giang đã làm ra được hàng trăm sản phẩm tái chế. Rất nhiều sản phẩm tâm huyết của anh Giang đã được tặng cho những người yêu thích, nhất là những bạn nhỏ.
Anh Giang cho hay: "Việc tái chế rác không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang đến cho các bạn nhỏ những món đồ chơi độc đáo và tiết kiệm được một khoản chi phí.
Việc hướng dẫn cho các em nhỏ làm những sản phẩm tái chế từ rác sẽ giúp các em rèn luyện được tư duy sáng tạo. Sản phẩm do các em tạo ra sẽ độc lạ và khiến các em cảm thấy thích thú hơn. Bởi, mỗi sản phẩm tái chế sẽ có màu sắc khác nhau, không phải sản phẩm nào cũng như giống như sản phẩm nào".
Tác phẩm chuông gió được tái chế từ những chai thủy tinh
Khi được hỏi về ước mơ và dự định trong tương lai của bản thân, Giang mỉm cười cho biết, anh có ước mơ mở một quán cafe nhỏ. Sau đó, anh sẽ trưng bày các sản phẩm tái chế của mình. Bên cạnh đó, anh Giang mong rằng có thể truyền cảm hứng sống xanh đến tất cả mọi người.
"Tôi hy vọng việc làm của mình sẽ truyền cảm hứng sống xanh đến tất cả mọi người. Để chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường, giúp môi trường trở nên xanh-sạch-đẹp hơn", anh Giang nói thêm.