Thực tế cho thấy, đôi khi chúng ta càng có nhiều thì chúng ta càng có ít hạnh phúc. Điều này được chứng minh qua một trải nghiệm của nam nhân vật chính trong bộ phim tài liệu của Phần Lan. Anh chàng 26 tuổi, tên Petri, độc thân đã bỏ tất cả những món đồ trong nhà và cất nó sang nơi khác. Mỗi ngày, anh ấy chỉ cho phép mình lấy 1 món đồ và không được mua dù chỉ 1 thứ trong vòng 1 năm. Petri đã làm tất cả những điều kì lạ đó chỉ để tìm ra chính xác đâu là thứ có thể khiến anh ấy thực sự hạnh phúc.
Sau khi trải qua mối tình không thành cách đây 3 năm, tâm lý của Petri bị khủng hoảng. Anh ấy tiêu pha 1 cách bừa bãi, thẻ tín dụng cũng vì thế mà thường xuyên rơi vào mức "âm". Petri mua sắm điên cuồng, anh ấy muốn lấp đầy cuộc sống của mình bằng những món đồ. Và quả nhiên, theo thời gian, những món đồ đó chất đống khắp nhà.
Dù tất cả những gì đã mua đều là thứ Petri yêu thích nhưng không ngờ, anh ấy lại cảm thấy cuộc sống ngày càng trở nên vô định, thậm chí nghĩ rằng mình là người bất hạnh nhất thế gian.
Nhìn ngôi nhà chứa đầy đồ đạc, Petri tràn ngập nghi ngờ và ngày càng bối rối không biết mình thực sự muốn gì!
Vì vậy, anh đã nghĩ ra phương pháp thử nghiệm là "dọn sạch đồ ở nhà, mỗi ngày chỉ lấy ra một món", đồng thời thuê một căn nhà kho rộng 10 m2 để chứa đồ.
Khi bạn bè nghe tin Petri sắp thực hiện "thí nghiệm" này, họ đều tỏ ra bối rối và hỏi anh có bị điên không Chỉ có một người phụ nữ duy nhất là mẹ lắng nghe ý kiến và ủng hộ cách làm của anh ấy. Và cuối cùng, Petri đã quyết định thực hiện trải nghiệm này.
Anh ấy thuê một công ty chuyển nhà để đóng gói tất cả các món đồ lại với nhau. Trước khi đóng gói, Petri đã suy nghĩ xem anh cần những món đồ nào nhất.
Trong mùa đông lạnh giá , Petri chính thức bắt đầu "cuộc thí nghiệm"!
Mọi phòng trong căn hộ đều trống rỗng.
Để tuân thủ nguyên tắc thí nghiệm này, Petri đã rất tàn nhẫn với chính bản thân mình! Ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 0 độ, anh ấy cũng không cho phép mình mặc 1 bộ đồ ấm áp tử tế.
Kết quả là anh ta đã khỏa thân ra ngoài vào đêm đầu tiên của "cuộc thí nghiệm" này để lấy một chiếc áo khoác dài.
Petri nghĩ về những câu hỏi này mỗi ngày: "Tôi cần những món đồ gì?", "Tại sao những món đồ này lại cần thiết?", "Những món đồ này có thể giúp gì cho tôi?"...
Vì thời tiết lạnh nên những món đồ anh lấy về trong 10 ngày đầu đều liên quan đến giữ ấm như áo khoác, giày, chăn, quần jean, áo sơ mi, khăn quàng cổ, nệm, tất, quần dài, mũ, v.v.
Việc nhận lại một món đồ mỗi ngày giống như một phần thưởng và trở thành điều đáng mong đợi mỗi ngày đối với Petri.
Khi Petri lấy được món đồ thứ 7, anh lại rơi vào tình trạng bối rối. Anh nghĩ rằng những món đồ này đã đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Vì việc đánh răng có thể được giải quyết bằng tay nên đương nhiên, bữa sáng với bánh mì cũng có thể được giải quyết bằng tay thay vì dụng cụ. Điều đó kéo theo suy nghĩ, nhiều hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày của Petri cũng được đơn giản hóa đến mức nhiều người bạn bè của anh cho rằng anh ấy có vẻ như đang sống trong thời kì đồ đá.
Cảm thấy bối rối, Petri đã không đến nhà kho để lấy lại bất cứ thứ gì suốt 10 ngày.
Sau đó, mẹ anh đến nhà anh và rất ngạc nhiên khi thấy khắp nơi chẳng thấy gì cả! Trước sự bối rối của Petri, mẹ anh đề nghị anh nên chú ý đến hình ảnh của mình và cạo bỏ bộ râu lùm xùm trên mặt.
Khi mở cửa nhà kho và nhìn thấy các món đồ, suy nghĩ của Petri chợt trở nên rõ ràng. Anh lấy lại 10 món đồ cùng một lúc như: Tất, áo ngắn tay, đồ lót, bàn chải đánh răng, mũ, quần, khăn tắm, túi xách, xe đạp, máy cạo râu...
Khi quay lại làm việc, Petri nhận ra rằng mình cần một chiếc máy tính, máy ảnh và các thiết bị khác.
Là một công cụ liên lạc, điện thoại di động là thứ không thể thiếu đối với Petri - người đã sống tối giản đến mức cực đoan được vài tháng.
Vì bạn bè thường xuyên không liên lạc được với Petri nên giữa họ đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Cuối cùng, để dễ dàng liên lạc với bạn bè hơn, Petri quyết định lấy lại điện thoại. Nhờ điều đó, Petri đã không bỏ lỡ bữa tiệc chúc mừng Phần Lan giành chức vô địch thế giới lần thứ hai cùng bạn bè. Đó là một trải nghiệm vô cùng hạnh phúc đối với Petri!
Khi bạn không có gì thì bất cứ sự cố bất ngờ nào cũng sẽ khiến bạn cảm thấy không có sự chuẩn bị trước.
Chẳng hạn, vì không có tủ lạnh nên thức ăn mua quá nhiều sẽ hư hỏng. Căn nhà không có rèm ngủ nên giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng; thậm chí máy giặt hỏng cũng không có dụng cụ để sửa chữa...
Vô vàn rắc rối đã xảy ra khi cuộc sống thiếu thốn.
Nửa chừng cuộc thử nghiệm, Petri lại rơi vào tình trạng bối rối. Dù những vật phẩm anh cần đang dần tăng lên nhưng anh vẫn chưa tìm được hạnh phúc thực sự của mình.
Bà nội nói với anh: "Hạnh phúc không thể đo lường được bằng những thứ con sở hữu, và cuộc sống của con không được tạo nên từ những thứ có sẵn của con. Hạnh phúc và cuộc sống của con cũng cần phải có được bằng những cách khác!".
Vô tình giúp một cô gái sửa xe đạp đã giúp anh có cơ hội hẹn hò và gặp gỡ bạn gái hiện tại, đó chính là Maija.
Dù trong nhà có thêm một người và vật dụng ngày càng nhiều nhưng Petri cuối cùng cũng đã tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Sau thí nghiệm này, anh hiểu rằng chỉ cần sở hữu 100 món đồ trong đời là đủ. Và đương nhiên, mục đích của 100 món đồ đó là để cuộc sống của anh thoải mái và hạnh phúc hơn!
Căn nhà sau cuộc thí nghiệm trở nên vừa đủ trong mọi khía cạnh.
Petri biết mọi vật dụng trong nhà đều cần thiết nên càng trân trọng những món đồ mình sở hữu hơn. Trong thí nghiệm này, anh ấy rút ra 1 điều, việc có ít đồ hơn mang lại cho anh cảm giác tự do hơn và dễ tập trung hơn.
Nếu quyền sở hữu là một trách nhiệm và đồ vật là một gánh nặng thì bạn chính là người quyết định mình có thể chịu bao nhiêu gánh nặng!
Càng sở hữu nhiều món đồ, gánh nặng bạn mang càng nặng nề. Những món đồ này thực sự tiêu tốn năng lượng của bạn một cách vô hình, khiến bạn không thể nắm bắt được trọng tâm của cuộc sống và thường xuyên cảm thấy kiệt sức. Khi bạn luôn không thể làm được điều mình muốn, tốt nhất bạn nên bắt đầu bằng việc sắp xếp các đồ đạc của mình và tìm ra giải pháp!