Đêm hôm đó, người nhà của anh H. gọi báo Phong rằng anh H. vừa uống thuốc tự tử. Trong căn phòng cấp cứu ngột ngạt mọi thứ bỗng trở nên đáng sợ hơn, Phong xin phép gia đình được nói chuyện riêng với anh H. Đợi đến khi mọi người ra bên ngoài, Phong ngồi xuống hỏi:
- Sao anh lại chọn cái chết?
Anh H im lặng một lúc lâu, rồi buồn thiu kể:
- Sau khi trao đổi với Phong và bác sĩ về HIV, tâm trạng tôi đã ổn định hơn. Tôi hiểu nếu cố gắng điều trị và sống lành mạnh thì vẫn có thể sống tiếp tục. Nhưng tôi không muốn giấu bệnh tình của mình với vợ. Tôi đã tâm sự mọi chuyện với cô ấy. Vợ tôi hoảng sợ nên đã kể lại với bố mẹ, bố mẹ lại đi nói với các anh em trong nhà.
Mọi người trách móc, nặng lời cho rằng tôi là con người hư đốn ăn chơi ngoài đường để bị nhiễm HIV. Cả gia đình đều lo sợ bị lây nhiễm. Mọi người lên một kế hoạch cách ly đặc biệt, nào là ăn riêng, giặt đồ riêng, vệ sinh cá nhân riêng... Sống như vậy tôi cảm thấy nếu chết thì sẽ nhẹ nhàng hơn.
Gần 10 năm qua Phong đã gắn bó với hàng trăm người có "H" ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
Câu chuyện của H. chỉ là 1 trong hàng trăm câu chuyện mà những năm qua anh Nguyễn Anh Phong (SN 1979) đã chứng kiến. Những lần ngậm ngùi nhìn người bệnh trút hơi thở cuối cùng khi chẳng có người thân nào bên cạnh, nhìn những giọt nước mắt cô đơn của họ, Phong hiểu rằng sự hiện diện của mình có ý nghĩa đối với người bệnh đến thế nào.
Bắt đầu tham gia các công tác thiện nguyện từ năm 2008. Sau nhiều lần vào viện nấu cơm cho các bệnh nhân, Phong nhận ra các bệnh nhân HIV ít được quan tâm hơn các đối tượng khác. Vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu sự kỳ thị với căn bệnh này vẫn còn nặng nề.
20 năm trước, sau một biến cố gia đình, Phong một thân một mình vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Làm đủ thứ nghề để có tiền trang trải cuộc sống và học tập, hơn ai hết Phong hiểu để tồn tại được ở mảnh đất này là điều không hề dễ dàng.
Ngoài thời gian làm việc, Phong dành thời gian để đồng hành cùng người nhiễm HIV.
"Mình đã từng cô độc một mình, từng phải trải qua rất nhiều khó khăn để sống ở Sài Gòn này, mình hiểu được những lúc mình bơ vơ nhất, trơ trọi nhất mình kêu một tiếng: Ai ơi! Thì chỉ cần có 1 người trả lời ơi thôi cũng cảm thấy hạnh phúc và mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy mình quyết định dành thời gian để giúp đỡ những bệnh nhân HIV, để họ không cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình" - Phong chia sẻ.
Trong suốt gần 10 năm qua, ngoài thời gian đi làm, Phong dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của bản thân để chăm sóc cho những người HIV/AIDS, kết nối và hỗ trợ điều trị, hỗ trợ sinh kế việc làm, vận động những chính sách cho người nhiễm HIV/AIDS, hay trợ giúp pháp lý... Công việc không lương lại tốn khá nhiều thời gian nhưng bất kể là giờ nào, nửa đêm hay rạng sáng hễ có ai đó cầu cứu Phong đều có mặt để hỗ trợ.
Lâu dần Phong trở thành người thân, là điểm tựa tinh thần của người nhiễm HIV.
Phong có một lời hứa với bản thân là luôn ưu tiên cho người có "H", bởi anh quan niệm khi người ta kiếm mình nghĩa là họ cần mình. "Mình cứ tưởng tượng đang khoẻ mạnh, đang rất bình thường, đùng một cái bị bệnh. Cái đầu tiên mình nghĩ tới là mình thấy mình vô dụng, cảm giác mất hết tất cả, hụt hẫng. Đa số người bệnh khi nhận được kết quả dương tính họ trống rỗng, vô định. Những lúc như thế rất cần có ai đó bên cạnh động viên" - Phong tâm sự.
Những năm gần đây bệnh nhân HIV được hỗ trợ điều trị thuốc ARV (thuốc điều trị HIV/AIDS) miễn phí tại các cơ sở y tế trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm tài trợ, người bị phơi nhiễm HIV/AIDS phải tự chi trả cho quá trình điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Trong trường hợp này những người bệnh ngại tiết lộ thông tin cá nhân và người không có giấy tờ tuỳ thân (không mua được bảo hiểm y tế) thì sẽ gặp nhiều cản trở trong việc điều trị.
Trước những khó khăn đó, Phong và một số y bác sĩ đã cùng nhau lập nên một phòng khám mang tên "Nhà Mình" nhằm hỗ trợ các bệnh nhân có "H". Ở "Nhà Mình" các bác sĩ đa số đều làm việc tận tâm mà không màng đến tiền bạc, bởi số "tiền lương" mà họ nhận chẳng đủ chi trả tiền xăng xe đi lại mỗi ngày. "Nhà Mình" hỗ trợ điều trị miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và những gia đình có từ 3 người bệnh trở lên. Và một điều đặc biệt là nơi đây luôn ở rộng cửa với người bệnh bất kể giờ nào trong ngày.
"Đối với bệnh nhân HIV thì điểm tựa lớn nhất là gia đình, nhưng đa số ở Sài Gòn là dân nhập cư, họ không có gia đình bên cạnh, một số thì không được gia đình chấp nhận. "Nhà Mình" giống như ngôi nhà của mình chỉ cần khi nào cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng thì người bệnh có thể tìm đến đây để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Bởi Sài Gòn rộng lớn và cô đơn lắm!" - Phong tâm sự.
Tình thân có thể giúp con người ta mạnh mẽ chống chọi lại bệnh tật.
3h sáng, chuông cửa Nhà Mình reo lên, Phong lọ mọ bật đèn đi xuống mở cửa. Là M - cô gái chuyển giới làm nghề hát đám tang, hội chợ. M ngồi bệt xuống nền gạch rồi cởi chiếc áo ngực ra, những tờ tiền lẻ được vo cục rơi ra ngoài. M tỉ mỉ ngồi đếm từng đồng, rồi ngao ngán nói:
- Nay em hát được có 300 ngàn thôi, thuốc 1 triệu 2 trăm, mai mốt có tiền em trả anh. Nói rồi M đưa sấp tiền nhàu nát qua cho Phong.
Phong nhìn sấp tiền rồi hỏi:
- Em đưa hết cho anh rồi mai lấy tiền đâu em xài?
Nước mắt M chảy dài trên lớp phấn son, cô cũng chẳng hiểu vì sao mình khóc. Khóc vì tủi thân trước khó khăn của cuộc sống, vì làm hết sức hết lực cũng không đủ tiền chữa bệnh và nuôi sống bản thân. Và cô khóc vì giữa Sài Gòn rộng lớn này vẫn còn có người luôn đồng cảm và lo lắng cho mình.
Phong nhẹ nhàng nói:
- Em cứ giữ số tiền này để xài. Bên anh sẽ trích quỹ để hỗ trợ thuốc điều trị cho em. Em cứ yên tâm.
M rưng rưng:
- Em cảm ơn anh. Nhưng em xin phép được trả góp tiền thuốc, anh để dành quỹ để giúp đỡ cho những bạn khác, vì ngoài kia còn nhiều người khó khăn hơn em nữa.
Các bác sĩ ở Nhà Mình đều tận tâm phục vụ người bệnh mà không đặt nặng thù lao.
Công việc cá nhân và công việc chăm sóc cho người bệnh gần như chiếm hết thời gian của Phong. Anh chẳng còn thời gian để đi chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp hay tìm hiểu người yêu. Đôi khi bạn bè trách móc nhưng biết làm sao vì người bệnh cần anh hơn.
Gần như Phong không có nhiều thời gian cho bản thân.
Trong gần 10 năm qua không ít lần Phong chán nản vì dành hết tâm huyết cho người bệnh nhưng lại nghe phải những lời nói không hay. Nhưng chán đó rồi lại thôi, anh vẫn tiếp tục với công việc của mình bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Người ôm lấy muôn loài, nằm trong tiếng bi ai". Đã chấp nhận ôm lấy muôn loài thì phải chấp nhận mang tiếng bi ai.
Điều Phong cảm thấy áy náy nhất đó chính là không thể dành nhiều thời gian để chăm sóc cho mẹ. Ban đầu mẹ của Phong không ủng hộ việc con trai chăm sóc cho người nhiễm HIV vì sợ bị lây nhiễm, nhưng dần dần cô hiểu hơn công việc ý nghĩa này và ủng hộ của con trai. Hiện tại cô còn đảm nhiệm vai trò "Cô bếp" nấu ăn cho những thành viên trong phòng khám Nhà Mình, giúp một tay vào công việc hỗ trợ người có "H".
Cứ mỗi lần cảm thấy cậu con trai mệt mỏi cô lại ân cần nói: "Con là niềm tin là động lực cho người bệnh thì con cứ làm, còn khi nào mệt mỏi thì về với mẹ".