Trong buổi họp mặt gia đình hai ngày trước, cháu tôi đã cãi nhau lớn với mẹ nó về vấn đề thành tích. Trên bàn ăn, chị tôi không ngừng khoe chuyện cháu tôi thi thố tốt ra sao, thậm chí còn liên tục nói những câu như "Thằng bé giỏi lắm"/"Thằng bé rất là tự giác, chẳng để bố mẹ phải nhắc bao giờ"… trước mặt họ hàng.
Lúc này, cháu tôi tỏ vẻ không vui: "Mẹ ơi, mẹ có thể đừng lôi thành tích của con ra bàn luận được không ạ? Con thấy khó chịu lắm".
Mẹ thằng bé không đồng tình: "Sao thế con? Nói ra cho mọi người cùng vui thì có sao đâu?".
Nghe vậy, thằng bé càng mất bình tĩnh hơn: "Điểm của con chứ có phải của mẹ đâu. Lần nào mẹ cũng khoe như thế, người ta cũng thấy phiền".
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên hai mẹ con cãi nhau ngay trên bàn ăn. Mỗi lần cháu tôi thi cái gì, chị tôi đều khoe con như thế, chẳng buồn quan tâm đến cảm xúc của thằng bé.
Trên thực tế, cha mẹ khoe con quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến con cái. Những ông bố, bà mẹ thông minh sẽ không bao giờ khoe khoang những điều này của con:
Hàng xóm của tôi cũng là một người thích khoe thành tích của con. Không chỉ khen con lên trời, vị này còn rất đam mê việc dạy đời người khác về cách giáo dục con cái.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chú ý quá nhiều đến điểm số của trẻ không có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Cha mẹ càng khoe khoang, cảm giác ưu việt của con cái càng nặng, trong lòng chúng cũng sẽ dần hình thành tâm lý kiêu ngạo "Mình là nhất, không ai có thể vượt qua mình". Cảm giác ưu việt này có thể gia tăng sự tự tin cho con nhưng đồng thời, phải duy trì cảm giác này trong thời gian dài cũng khiến trẻ dễ gặp căng thẳng, áp lực.
Cha mẹ có thể khen thưởng khi con đạt điểm cao và khích lệ khi con đạt điểm kém, nhưng đừng nên coi thành tích của con như thành công của mình để khoe ra ngoài.
Mỗi khi có liên hoan hay tụ tập, nhiều bậc cha mẹ đều bắt con mình phải đứng lên và biểu diễn gì đó cho mọi người xem dù là ca hát, đọc thơ, nhảy múa hay bất kì năng khiếu nào khác. Nếu con biểu hiện tốt, cha mẹ sẽ vô cùng tự hào; nếu con tỏ vẻ không sẵn sàng, cha mẹ sẽ tức giận và ép con bằng được.
Với hầu hết những đứa trẻ bị ép phải phô diễn tài năng như vậy, cha mẹ chúng sẽ hoàn toàn làm lơ sự phản kháng, khó chịu, rụt rè của chúng.
Trên mạng xã hội từng lan truyền dòng status của một ông bố: "Một người được tiếp xúc với nghệ thuật là một điều tốt, nhưng trong quá trình này, trước tiên bạn phải biết tôn trọng bản thân, thứ hai là phải biết tôn trọng nghệ thuật".
Việc biểu diễn của trẻ cũng vậy, mọi việc đều phải bắt đầu từ "mong muốn" của trẻ, chỉ khi trẻ sẵn sàng thì trẻ mới biết tôn trọng nghệ thuật.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể sống, là một đóa hoa khác biệt.
Một giáo viên yêu cầu học trò vẽ quả táo, một em vẽ một quả táo lớn màu xanh da trời, cô giáo nhìn thấy liền khen ngợi: "Tranh vẽ đẹp quá!".
Phụ huynh khi nhìn thấy đã rất ngạc nhiên và hỏi giáo viên: "Sao cô không sửa lỗi dùng màu sai cho cháu?".
Cô giáo trả lời: "Tại sao lại phải sửa? Biết đâu sau này em ấy thực sự có thể nhân giống được loài táo màu xanh da trời thì sao".
Sự nghe lời của trẻ cần được thể hiện nhiều hơn trong các quy tắc sống và đạo đức ứng xử. Còn ở mặt tư duy, người lớn lên khuyến khích sự "không nghe lời" của trẻ.
Là cha mẹ, chúng ta cần cho con mình cảm giác được chấp nhận, giúp trẻ ý thức được về thứ gọi là cá tính và bản sắc. Chúng ta cũng có thể bày tỏ tình yêu thương và yêu thương trẻ vô điều kiện để trẻ được quyền ngoan ngoãn nhưng cũng được quyền phá cách trong giới hạn cho phép.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng chia sẻ hình ảnh của con là cách ghi lại hành trình trưởng thành của con, ít ai biết rằng hành vi này sẽ gây ra hai tác hại vô hình cho con cái.
Loại thứ nhất: Có nguy cơ để lộ tên tuổi, ngoại hình, thông tin sức khỏe, thông tin gia đình của trẻ, có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Sự riêng tư của trẻ càng bị phơi bày thì càng có nhiều khả năng khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Loại thứ hai: Không tôn trọng trẻ dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti.
Một cư dân mạng cho biết: "Hồi nhỏ, mỗi lần cùng cha mẹ đi thăm nhà họ hàng, cả hai cứ thích kể mấy chuyện xấu của tôi làm tôi xấu hổ vô cùng, chỉ muốn đào cái hố mà nhảy xuống luôn. Lấy tôi ra nói giỡn, họ có bao giờ nghĩ đến cảm xúc của tôi không?".
Về mặt tâm lý, trẻ bắt đầu có ý thức tự lập từ khi 2 tuổi, sau 3 tuổi trẻ dần hình thành cảm giác xấu hổ.
Đối với trẻ nhỏ, không đăng tải, không lan truyền hình ảnh của chúng đi khắp nơi cũng là một hình thức bảo vệ.
Tương lai con cái đạt thành tích ra sao, đi con đường thế nào là kịch bản của riêng chúng. Là cha mẹ, bạn chỉ cần tôn trọng, chấp nhận, ủng hộ, quan tâm và bảo vệ chúng, vậy là đủ.