Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. HCM và Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Sản xuất phim tại Đại học Austin – Texas, Mỹ, Trịnh Đình Lê Minh là một đạo diễn tài năng không còn xa lạ với công chúng yêu điện ảnh khi liên tục để lại dấu ấn qua các tác phẩm phim tài liệu, phim ngắn và phim điện ảnh ấn tượng.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Những tác phẩm phim ngắn, phim tài liệu của Minh như "Chung cư của tôi", "Ngọn gió về đâu" và "The Scent of Fish Sauce" được trình chiếu tại liên hoan phim Bucheon, BFI London và Palm Springs. Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt của anh với điện ảnh qua tác phẩm "Thưa mẹ con đi" và phim dài thứ hai "Bằng chứng vô hình" đã mang về cho anh giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" tại LHP Việt Nam 2021.
Gây được tiếng vang với hai bộ phim dài thành công, Trịnh Đình Lê Minh trở lại với điện ảnh trong mùa hè năm nay cùng một thử thách hoàn toàn mới: chuyển thể một tác phẩm văn học của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Ngọc Tư trích từ tập truyện ngắn "Đảo" – một trong rất nhiều cuốn sách "ăn khách" của nữ nhà văn. Đặc biệt, dự án lần này được đạo diễn tài năng và ekip thực hiện hoàn toàn bằng một chiếc điện thoại thông minh với các chức năng chuyên nghiệp hỗ trợ cho việc làm phim.
Tuyển tập truyện ngắn "Đảo" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
"Ba tính từ để miêu tả bộ phim mà tôi nghĩ ra ngay lúc này đó là kỳ ảo, lãng mạn và có một chút luyến tiếc. Tôi cũng đã quen với việc làm phim sử dụng những thiết bị to hơn, cồng kềnh hơn và cũng đòi hỏi nhiều người phải vận hành nó, thì khi sử dụng một thiết bị nhỏ hơn như vậy, cách kể của mình không phải là giản lược đi mà sẽ chú tâm vào điều tôi mong muốn chính là cái góc nhìn, những chi tiết nhỏ ở trong câu chuyện", anh chia sẻ.
Hậu trường bộ phim tái xuất của Trịnh Đình Lê Minh
Chính bởi suy nghĩ đó mà Lê Minh đã quyết định quay bộ phim tiếp theo của mình hoàn toàn trên điện thoại. "Điện ảnh là hình thức chúng ta chia sẻ với nhau những câu chuyện, những cảm xúc bằng ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh. Tôi nghĩ rằng việc mình trải nghiệm làm phim với một thiết bị rất nhỏ gọn, có đầy đủ tính năng và cũng rất khác so với một chiếc máy quay cồng kềnh sẽ rất đặc biệt. Lần này tôi cố gắng làm một bộ phim bằng sự đơn giản và sự chân thành nhất, và có thể là chiếc máy cũng đi theo với cách làm phim như vậy".
Dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim sẽ được thổi hồn bằng cảm quan nghệ thuật của một đôi mắt điện ảnh chuyên nghiệp để gợi cho người xem những cảm xúc, suy tư khác nhau. Nói về tác phẩm trở lại của mình, cha đẻ của "Thưa mẹ con đi" cho biết mình đã bị thu hút ngay từ lần đầu đọc tác phẩm gốc. "Nếu như những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường được đặt trong bối cảnh một vùng nông thôn nghèo với những nhân vật nhiều khốn khó, câu chuyện lần này lại diễn ra tại một vùng ven, xa thành phố nhưng cũng chẳng gần làng quê, mang đến một sự nhẹ nhàng, mộng mơ bên cạnh những tình tiết kỳ ảo, thực hư khiến độc giả có thể chìm đắm vào câu chuyện của nhân vật. Kịch bản lần này sẽ là một luồng gió mới so với cốt truyện và bối cảnh thường thấy của chị Tư, và cũng có thể nói là một làn gió ít gặp trong các bộ phim của mình", Lê Minh chia sẻ.
Đạo diễn Lê Minh tái xuất với thử thách sử dụng điện thoại di động làm điện ảnh
Thử thách lớn nhất của dự án lần này có lẽ là ở việc sử dụng chiếc điện thoại di động để quay một tác phẩm đậm chất điện ảnh. Với Minh và ekip, đây là một cơ hội để mở rộng giới hạn của bản thân, trải nghiệm sự phát triển của công nghệ để mang những thước phim chân thật nhất, điện ảnh nhất đến với khán giả.
"Khi nhận lời tham gia dự án, tôi nhận thấy có rất nhiều thử thách nhưng đây cũng chính là yếu tố kích thích tôi tham gia dự án. Nếu để nói một câu về dự án này thì tôi nghĩ đó là một lần mình tái khám phá lại những gì mà mình đã làm bằng một cách chân thành và giản dị nhất" - Trịnh Đình Lê Minh bộc bạch.
Trịnh Đình Lê Minh "tái khám phá điện ảnh" trong dự án mới
Cuối cùng, đạo diễn xuất sắc LHP Việt Nam 2021 mong muốn truyền cảm hứng cho những thế hệ đi sau: "Đối với những người trẻ quay phim, chúng ta không cần quá lệ thuộc vào thiết bị, căn bản là chúng ta có câu chuyện gì và chúng ta sẽ kể nó như thế nào", anh chia sẻ, "Đừng ngần ngại, hãy đứng lên và bắt đầu làm bộ phim của mình, bởi khi chúng ta càng làm nhiều, càng thực hành nhiều thì chúng ta càng có cơ hội để trau dồi, rèn luyện góc nhìn của mình, cách lấy hình của mình, cả cách mình kể câu chuyện bằng hình ảnh và âm thanh để có những thước phim đậm màu điện ảnh".