CĐV Việt Nam: Phải chăng khi vui thì vỗ tay vào

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 10:15 24/08/2017

Đồng hành sau bất kỳ cú ngã nào của bóng đá Việt Nam luôn là sự phẫn nộ của NHM. Thiết nghĩ, nếu cứ thắng thì tung hô hết lời, còn lỡ thua thì mạt sát bằng mọi giá thì làm fan dễ quá.

Hôm qua quả là ngày của những sự phẫn nộ. NHM bóng đá thì phẫn nộ về trận hòa của U22 Việt Nam trước Indonesia. Fan âm nhạc thì nổi cơn lôi đình khi Ariana Grande bất ngờ hủy show bằng một thông báo thiếu sự chân thành trên Instagram.

Trong hàng ngàn những sự phẫn nộ đó, bỗng dưng lại xuất hiện một cô nàng người Mỹ bay từ New York sang Việt Nam chỉ để xem Ariana Grande biểu diễn. Cứ thử tưởng tượng bạn phải ngồi trên máy bay suốt 26 tiếng và sau màn "tra tấn" đó thì phát hiện chuyến đi bỗng dưng trở nên hoàn toàn vô nghĩa do show diễn đã bị hủy, bạn sẽ làm gì?

CĐV Việt Nam: Phải chăng khi vui thì vỗ tay vào - Ảnh 1.

Chửi bới, thất vọng, tuyên bố "tuyệt giao" với thần tượng? Nhưng cô gái Mỹ tội nghiệp kia thì khác. Cô vẫn dành tình cảm cho Ariana Grande và thậm chí còn viết một status kêu gọi NHM tiếp tục yêu và thông cảm cho Ariana. Điều cô lo lắng nhất chính là sức khỏe của thần tượng.

Đó mới là tình yêu đích thực.

Trong bóng đá, hãy nhìn rộng ra cả thế giới. Nước Anh sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, sở hữu những ngôi sao hàng đầu châu lục. Nhưng suốt từ năm 1966, ĐT Anh đá giải lớn nào cũng ra về thất vọng tràn trề. Tình yêu của người Anh dành cho ĐTQG có vì thế mà chuyển thành sự thù hận, tẩy chay, mạt sát hay không?

Argentina thất bại hết từ chung kết Copa America tới chung kết World Cup, NHM xứ Tango có vì thế mà cạn tình cạn nghĩa với bóng đá nước nhà không?

Năm 1998, David Beckham dính bẫy của Diego Simeone, nhận thẻ đỏ rời sân. Đội tuyển Anh vì thế mà bị loại. Nhưng Becks sau này vẫn trở thành một trong những tượng đài vĩ đại nhất của bóng đá Anh.

CĐV Việt Nam: Phải chăng khi vui thì vỗ tay vào - Ảnh 2.

Chung kết Champions League 2008, John Terry đá hỏng quả penalty định mệnh khiến Chelsea thua cuộc ngay trên quê hương của ông chủ Roman Abramovich. NHM Chelsea cũng không vì thế mà chửi bới, mạt sát, tẩy chay anh.

Liverpool suốt hơn 25 năm qua không có nổi chức vô địch Premier League nào, dù trước đó là CLB sở hữu nhiều chức vô địch quốc gia Anh nhất. Mùa 2013/14, chưa bao giờ The Kop gần với chức vô địch Premier League đến thế. Nhưng đúng vào thời khắc quyết định, Steven Gerrard trượt chân biếu Chelsea bàn thắng. Liverpool vì cú trượt chân lịch sử đó mà mất ngai vàng. Sau này, khi Gerrard rời Anfield, anh vẫn là người hùng vĩ đại nhất của đội bóng.

Trong bóng đá, ranh giới giữa người hùng và tội đồ đôi khi chỉ trong tích tắc. Và trong chính cái tích tắc đó mới hiểu hết thế nào là "khi hoạn nạn mới biết tấm chân tình". CĐV dĩ nhiên cũng có cảm xúc và ai cũng được quyền thể hiện cảm xúc của mình. Thế mới là bóng đá.

CĐV Việt Nam: Phải chăng khi vui thì vỗ tay vào - Ảnh 3.

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng: Đội nhà thua trận, bạn buồn một thì chính các cầu thủ buồn gấp 10 lần. Bạn chỉ tới sân, hò hét cổ vũ. Họ ở dưới sân đổ mồ hôi, đổ cả máu. Trong tương quan so sánh ấy, liệu ai là người thất vọng hơn khi một kết quả không như ý xảy ra?

Và quan trọng hơn cả: Nếu làm một CĐV chỉ đơn giản là khi vui thì vỗ tay vào, còn lúc "hoạn nạn" thì quay ra chửi bới, mạt sát, tấn công cá nhân để hạ nhuệ khí toàn đội, liệu có nên tự gọi bản thân là một cổ động viên hay không?

Xin nhắc lại một câu nói đã quá nổi tiếng: Nếu bạn không đồng hành cùng đội nhà khi họ thất bại thì cũng đừng xúm vào ăn mừng khi họ thành công. Đó, về cơ bản, không phải là sự tử tế của một CĐV đích thực.