Theo thống kê đến hết ngày 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Cây xanh gẫy đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Các cây gẫy đổ cũng lộ ra nhiều gốc cây còn nguyên bầu bọc rễ, trồng khá nông trên các hố trồng cây . Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không việc trồng cây cẩu thả, sai kỹ thuật khiến cây xanh đổ hàng loạt.
Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, về kỹ thuật trồng cây nguyên bầu là đúng. Theo vị này, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.
Chi tiết hơn về vấn đề này, vị chuyên gia cho biết, bầu cây tại các nhà vườn thường dùng lưới xanh, lấy dây thít chặt lại để giữ bầu. Khi vận chuyển đến vị trí trồng phải trồng nguyên cả bầu xuống, thời gian khoảng 1 năm, rễ cây sẽ đâm xiên ra đứt bầu và tự bám vào đất để sống. "Phải có thời gian ra rễ chùm , rễ tôm bám sang đất thì cây mới sống được. Đây là phát triển phù hợp của cây trồng. Thêm nữa, mỗi dự án trồng cây đều yêu cầu đơn vị trồng bảo hành 1 đổi 1 cây chết trong vòng 24 tháng nên họ cũng phải đảm bảo cây sinh trưởng để nghiệm thu", vị chuyên gia nói.
Một nhà vườn tại huyện Gia Lâm cho biết thêm, cây non đổ do nhiều nguyên nhân. Có thể là chằng chống không cẩn thận khi rễ chưa bám đất cũng dẫn đến đổ cây. Ngoài ra, cần đảm bảo hố trồng cây phải cao gấp 2 lần chiều cao của bầu đất...