Tiếng Việt phong phú và giàu đẹp, được tạo nên bởi 29 chữ cái cùng 5 thanh dấu. Trong hệ thống ấy, không thể không nhắc đến kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao đậm bản sắc Việt. Chúng lưu truyền từ đời này qua đời khác, được người dân sử dụng rộng rãi trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, ít người hiểu được nguồn gốc xuất xứ, ngữ nghĩa sâu xa. Lâu dần, những thành ngữ, tục ngữ đi sâu vào tiềm thức, trở thành "lời ăn, tiếng nói" của người dân.
Chẳng hạn như câu thành ngữ "trăm hay không bằng tay quen" đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đại đa số chúng ta đều hiểu sai câu này là "biết nhiều không bằng quen tay".
Nếu suy ngẫm kỹ sẽ thấy ý nghĩa như vậy là có vấn đề. Chẳng lẽ tổ tiên muốn khuyên chúng ta rằng chỉ cần quen tay là được mà không cần phải học hỏi, không cần phải trau dồi kiến thức từng ngày? Liệu một người cứ làm theo thói quen mà không biết gì thì có hơn được người khác không?
Sự hiểu lầm này là do cách hiểu sai chữ "trăm" theo nghĩa thông thường là số 100, tức tượng trưng cho số nhiều. Và người xưa giải thích "trăm hay" là biết nhiều.
Tuy nhiên, trong cuốn Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: "Trăm" là "nói trết trác, líu lo". Cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng giảng: "Trăm" là "nói líu lo, dấp dính". Cuốn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng khẳng định: "Trăm" là "nói lăn-líu và tía lia".
Như vậy, hàm nghĩa đích thực của câu này là "nói nhiều không bằng quen làm", chứ không phải là "một trăm cái hay" không bằng "quen tay".