Chúng ta đều biết bộ bài Tây còn được gọi là "Tú lơ khơ" (hay "Tú la khơ"). Thậm chí đôi khi nói tắt thành "tú" (như trong "đánh tú", "chơi tú"). Cách gọi này đã có từ rất lâu, được sử dụng phổ biến nhưng ít người biết đến nguồn gốc của nó. Vậy vì đâu mà có cách gọi này? Cách gọi này có từ bao giờ?
Theo lời cố PGS Nguyễn Kim Thản, từ năm 1950 -1951, từ "tú lơ khơ" mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam do sự tiếp xúc dân ta với các chiến sĩ Giải phóng quân Trung Quốc. Ngày ấy, tại Diên An (Trung Quốc) có nhiều lính Liên Xô, họ thường chơi bài Poker với nhau. Kẻ thắng khi lật quân bài quyết định lên thường đùa với người thua rằng: "Vot, durak!", theo tiếng Nga là "Xem này, đồ ngốc".
Người Trung nghe vậy thì phiên âm từ "durak" thành "tu la khơ" rồi người Việt nghe thành "tú lơ khơ". Nếu ai từng tiếp xúc với người Hoa sẽ thấy họ thường dễ lẫn lộn giữa /t/ và /d/, nên mới có việc phiên âm "durak" thành "tú lơ khơ". Tóm lại, "tú lơ khơ" chỉ có nghĩa là… "đồ ngốc". Thật bất ngờ và cũng đầy thú vị!
Những quân bài trong bộ tú lơ khơ (Ảnh minh họa)
Cũng xin nói thêm về nguồn gốc tên gọi 4 chất của bộ bài Tây, tức "bích", "nhép", "rô" và "cơ". Cả 4 từ này đều được phiên âm từ tiếng Pháp. "Bích" (mà đúng ra là "pích") là phiên âm của "pique", có nghĩa là "ngọn giáo", "mũi giáo". "Nhép" hay "tép" là phiên âm của "trèfle", vốn là tên gọi của một thứ cỏ, họ lá kép gồm ba lá con. "Rô" là cách phiên trại âm và nói tắt của từ "carreau" (ca-rô), nghĩa là "vuông". Còn "cơ" là phiên âm của "coeur" có nghĩa là "trái tim". Như vậy cả 4 cách gọi này đều dựa trên kí hiệu đại diện cho từng chất.
Cho những ai chưa biết: Bộ bài Tây bao gồm có 54 lá bài (có bộ bài chỉ có 52 lá), trong đó có 52 lá thường: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, J, Q, K, A kết hợp với 4 chất: Cơ, rô, nhép/chuồn/tép, bích và hai lá Joker - phăng teo. Ở Việt Nam, mọi người thường gọi bộ bài này là bộ bài Tây vì xuất xứ từ Tây phương và để phân biệt với bộ bài ta (để chơi Tam cúc, tứ sắc, tổ tôm,...). Họa tiết phổ biến của bộ bài hiện nay là từ bộ bài Tây của Pháp.