Để chỉ sự vĩnh viễn, vĩnh hằng, người ta hay dùng cụm từ "ngàn thu". Từ "ngàn thu" được dùng phổ biến trong cuộc sống thường ngày và trong cả thi ca. Ở tác phẩm Phò Giá Về Kinh, tác giả Trần Quang Khải từng viết: "Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu". Ông mong muốn nhân dân sẽ có cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc tồn tại ngàn năm. Đất nước ta sẽ không còn chiến tranh loạn lạc, không còn đói khổ.
Từ "ngàn thu" đã có từ nhiều đời. Nhưng có bao giờ chúng ta thắc mắc: Vì sao lại dùng "ngàn thu" để chỉ sự vĩnh viễn mà không phải là "ngàn xuân", "ngàn đông", "ngàn hạ"? Mùa xuân mở đầu cho một năm mới, tượng trưng cho niềm tin và hy vọng, vậy phải dùng "ngàn xuân" mới hợp lý chứ?
Tại sao lại nói là "NGÀN THU" mà không phải "NGÀN ĐÔNG", "NGÀN XUÂN"? (Ảnh minh họa)
Từ "ngàn thu" ở đây vốn bắt nguồn từ "thiên thu" trong tiếng Hán ("thiên" có nghĩa là "một ngàn"). Mùa thu tượng trưng cho một năm, mà "thiên thu" chính là "ngàn năm". Vì thế, người ta mới dùng từ "ngàn thu" để chỉ sự lâu dài, vĩnh viễn. Bên cạnh "thiên thu", ta còn thấy từ "ba thu" để chỉ "ba năm". Trong Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du từng viết: "Sầu đong càng lắc càng đầy/Ba thu dọn lại một ngày dài ghê".
Một số ý kiến khác cho rằng, nói "thiên thu" mà không phải "thiên xuân", "thiên đông" hay "thiên hạ" là vì vào mùa thu, lá cây sẽ rụng nhiều. Đó chính là biểu hiện sự tuần hoàn của một năm. Tuy nhiên điều này khó thuyết phục vì mùa nào trong bốn mùa cũng có những nét biểu hiện của sự tuần hoàn: Mùa đông tuyết rơi, mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa hạ có những trận mưa lớn,…
"Ngàn thu" thường dùng để chỉ sự vĩnh cửu (Ảnh minh hoạ)
Theo học giả An Chi thì việc dùng mùa thu để chỉ năm ở đây là do vào thời xưa, ở Trung Quốc, mùa thu là mùa của các hoạt động xã hội nói chung. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp sẽ kết thúc khi đến mùa đông lạnh giá. Điều này được ghi nhận rất rõ trong sách Lịch sử thế giới cổ đại của Chiêm Tế như sau: "Đến mùa dế kêu (mùa thu), đàn ông bận gặt vụ thu, làm sân đập lúa, cắt lúa, nộp một phần thóc cho quý tộc,…".
Còn ở Việt Nam, vụ lúa cuối trong năm cũng là vụ thu. Khi gặt lúa vào mùa thu xong, người nông dân có thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới sau khi ăn Tết (mùa xuân). Hẳn vì điều này mà mùa thu đã đi vào thơ ca như khoảng thời gian kết thúc của năm và từ đó trở thành tượng trưng cho một năm.