Thông thường, các sinh vật trên trái đất đều phát triển theo quy luật từ nhỏ tới lớn, từ trẻ tới già. Vì vậy, khi nghe câu đố: "Cái gì càng lớn càng trẻ?" hẳn rất nhiều người sẽ thấy "rối não". Liệu có cái gì lại đi ngược quy luật tự nhiên như vậy không?
Trên thực tế, đây là một câu đố mẹo. Nếu bạn suy luận theo hướng thông thường, tức là tìm một con vật, con người kỳ quặc nào đó sẽ rất khó để đưa ra đáp án chính xác. Câu trả lời thật ra nằm ngay trong... nhà bạn. Mỗi một người khi sinh ra đều sở hữu "nó", và vai vế của chúng ta trong gia đình, ngoài xã hội phụ thuộc vào "nó" rất nhiều. Đến đây, bạn đã mường tượng ra được đáp án chưa?
Nếu chưa thì bật mí liền cho bạn đây. Đó chính là... năm sinh. Rõ ràng là người càng sinh những năm về sau càng nhỏ tuổi hơn và trẻ hơn người sinh năm trước.
Mỗi người đều có ngày tháng năm sinh được ghi lại trong giấy khai sinh.
Nói về chuyện năm sinh, thông thường ở Việt Nam có 2 cách tính tuổi: nếu theo tuổi ta thì lại nhiều hơn tính theo tuổi Tây 1 tuổi.
Tuổi Tây là tuổi theo ngày tháng ghi trên giấy khai sinh. Nhưng tuổi ta thì thường hay tính theo tuổi mụ. Tuổi mụ là một phương pháp tính tuổi truyền thống của người Trung Quốc và ảnh hưởng tới nền văn hóa của một số nước châu Á khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Có nhiều giả thuyết và giải thích khác nhau về nguồn gốc của tuổi mụ là gì. Một số cho rằng tuổi mụ có liên quan đến cách tính thiên văn xưa, dựa trên các chu kỳ của mặt trời, mặt trăng và các mùa. Một giả thuyết khác cho rằng tuổi mụ là do quan niệm xấp xỉ, tương đối, tính tuổi từ lúc đậu thai. Tuy nhiên, đây chỉ là suy đoán và không có căn cứ được ghi chép trong sách sử.
Tuổi mụ cũng liên quan tới lễ cúng mụ, là phong tục cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ. Theo quan niệm dân gian, tương truyền các bà Mụ phụ trách việc sinh nở và nặn ra những đứa trẻ. Đó cũng là lễ cúng đầy tháng, cúng thôi nôi.