Tai nạn giao thông xảy ra khiến người bị nạn gặp nguy hiểm nếu không được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời, việc sơ cấp cứu tại chỗ và đưa nạn nhân vào cơ sở y tế sớm nhất có thể sẽ góp phần giữ được mạng sống cho nạn nhân. Thế nhưng chính vì giúp người bị hại mà nhiều người gặp tình huống dở khóc dở cười như anh chàng này.
Mới đây, một thành viên đã đăng lên mạng xã hội ba bức ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông bị thương được đưa vào cơ sở ý tế cấp cứu kèm theo lời chia sẻ
''Anh này bị tai nạn giao thông, gần đứt cả 3 ngón chân không được ai giúp nên mình đã đưa vào bệnh viện khâu vết thương sau đó gọi vợ anh ta đến đón về. Hai vợ chồng đều không có tiền trong người, mình sẵn sàng bỏ tiền túi trả giúp vì chỉ hết có 350.000 nghìn đồng. Sau đó họ có xin số điện thoại mình và nói sẽ trả vào lúc khác.
Sau hôm đó, họ không một lời gọi điện cảm ơn mình. Khi bỏ tiền ra trả viện phí, lúc ra về mình có nói với cô vợ "chị có thì mai kia gửi em cũng được, còn không thì thôi không sao cả". Vậy đã rõ ràng, đó không đơn giản là tiền mà còn là lòng tin. Đã gần 1 tháng trôi qua, giờ gọi không nghe máy''. Đối với mình 350.000 nghìn đó chỉ đủ 1 bữa cafe với đôi ba người bạn thôi, nhưng cái cần nói ở đây là họ phủi tay với cả ân nhân của mình''.
Khu cấp cứu nơi bạn Phúc đưa nạn nhân vào
Theo đó, thanh niên này đã đưa một người đàn ông không quen biết gặp tai nạn giao thông vào cơ sở y tế để khâu vết thương với chi phí là 350.000 nghìn đồng. Khi vợ nạn nhân đến, thì cả hai đều không có tiền và thanh niên này đã trả giúp rồi dặn ''nếu có thì mai hay ngày kia trả cũng được, còn không thì thôi''.
Thế nhưng, suốt 1 tháng sau đó tháng hai vợ chồng người gặp tai nạn vẫn không liên hệ với cậu thanh niên đã giúp mình, thậm chí gọi cũng không nghe máy. Bực mình vì không được lời cảm ơn mà lại mất tiền, thanh niên kia đã đăng câu chuyện và vài hình ảnh lên mạng xã hội.
Nạn nhân bị thương ở chân. Ảnh: N.V. P
Sau khi chia sẻ lên một group Facebook, câu chuyện này đã khiến cư dân mạng chia làm hai phe tranh cãi kịch liệt nhiều giờ và chưa có hồi kết. Một bên phản đối cậu thanh niên đăng câu chuyện này lên mạng xã hội thì cho rằng ''Mấy trăm nghìn cho xong rồi thì thôi, người ta cám ơn thì là cái tốt còn không thì coi như bị rơi đi có gì đâu mà đăng lên đây làm gì? Làm thế mình cũng chẳng ra sao'' - thành viên Tuấn Anh nói.
''Không nên đăng như vậy làm gì, mình làm phước thì đừng mong người ta cảm ơn anh ơi. Nhiều khi em làm việc tốt cũng không được cảm ơn, nên em nghĩ chắc người ta không biết cách cư xử thôi. Bỏ qua đi anh, lần sau lại làm việc tốt chắc chắn sẽ nhận được lời cảm ơn chân thành'' - bạn Minh Khánh để lại bình luận.
''Lòng tốt là cho đi là không cần nhận lại, còn nếu đã kể công như thế này thì mình nghĩ lòng tốt của bạn đã không còn đúng như lúc ban đầu nữa rồi.Và bạn còn đăng lên đây để kể thì mình nghĩ bạn cũng chẳng phải một lòng muốn giúp người khác'' - bạn Hà Linh bình luận.
Ngoài những người không đồng tình với cách làm của cậu thanh niên kia thì cũng có một số người ủng hộ và cho rằng ''350 nghìn nó không là gì cả, nhưng đến lời cảm ơn cũng tiết kiệm thì quả thật không thể chấp nhận được. Nếu không có anh ấy giúp thì chẳng biết chuyện gì sẽ đến, chúng ta có thể nghèo về vật chất chứ lương tâm nhất định phải giàu có''.
Bạn Hoàng Bảo Quyên chia sẻ ''Làm phúc còn mua bực vào người, nói thật đọc bình luận mà thấy tức lộn cả ruột. Một khi đã không quen biết, mà người ta bỏ tiền, bỏ thời gian ra để giúp mình thì ai người ta đi tính toán 350 nghìn ấy mà mấy ông kêu nhà người ta nghèo sợ đòi tiền với cả giúp người không nên đòi hỏi...
Thà 2 vợ chồng nói cảm ơn một câu cho xong, đằng này 1 câu cũng không có lại còn chủ động xin số điện thoại hẹn trả tiền rồi mất hút cả tháng. Khi đã gọi thì dù cho là sợ người ta đòi tiền đi chăng nữa cũng nên xin lỗi và cảm ơn một câu, ai lại cứ im im xong rồi không nghe máy như vậy''.