Câu chuyện cô gái mất 1 chân vì u xương và nghị lực theo đuổi ước mơ ở Sài Gòn khiến nhiều người nhận ra “Nếu không xoá được quá khứ, hãy tiếp tục với hiện tại”

KA, Theo Helino 09:02 14/06/2019
Chia sẻ

Không chỉ phải tháo đi một chân vì căn bệnh u xương từ năm 12 tuổi, cô gái còn phải vượt qua ngăn cấm của cha mẹ cùng những chông gai của cuộc sống để được đến trường. Cô gái nhỏ đã lựa chọn học khoa Giáo dục đặc biệt để có thể lan toả năng lượng tích cực và giúp đỡ những đứa trẻ giống mình.

Cô gái bị phát hiện u xương năm 12 tuổi: Trong đầu chỉ còn câu hỏi "mất chân hay mất mạng" nên quyết định tháo chân

Những ngày qua, câu chuyện về nghị lực của Trúc Viên - một cô gái Gia Lai mất 1 chân nói dối cha mẹ, quyết tâm lên Sài Gòn tự vẽ lên bức tranh đẹp hơn cho cuộc đời mình khiến bao người xúc động.

Đã từng được chạy nhảy, nô đùa như bao bạn bè đồng trang lứa, thế nhưng sau một cú ngã năm học lớp 6 là cả chuỗi ngày đau đớn, suy sụp vô cùng của cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn. Cùng với chiếc đầu gối sưng tấy là những trận đau âm ỉ, cô học sinh lớp 6 chẳng thể tưởng tượng được rằng mình phải đón 1 tin sét đánh ngang tai: Bác sĩ chẩn đoán cô bị u xương.

Câu chuyện cô gái mất 1 chân vì u xương và nghị lực theo đuổi ước mơ ở Sài Gòn khiến nhiều người nhận ra “Nếu không xoá được quá khứ, hãy tiếp tục với hiện tại” - Ảnh 1.

Cô gái nhỏ Trúc Viên phải cắt bỏ một bên chân vì căn bệnh u xương từ năm 12 tuổi

"Giữa hai lần hoá trị đầu em còn ráng, nhưng qua lần thứ 3 thì em vừa đau vừa nhớ nhà nên đòi ba mẹ cho đi về quê. Vừa lò cò từ xe đò tới nhà thì chiều đó em sốt cao luôn và tối lại nhảy lên xe quay lại Sài Gòn", cô gái trẻ nhớ lại.

Nhớ lại những ngày tháng khi đang điều trị bệnh, cô gái cho biết còn ít tuổi chẳng biết chữ "sợ là gì". Thế nhưng khi chứng kiến bố mẹ khóc khi bác sĩ thông báo em phải tháo chân nếu không khối u sẽ di căn lên phía trên. Có lẽ, lúc này cô đã phần nào biết được tình trạng bệnh của mình. "Khi đời mình bị lược bỏ hết những lựa chọn và mấy cái linh tinh khác, chỉ chừa lại đúng câu hỏi ‘mất chân hay mất mạng’ nên quyết định tháo chân đến rất dễ dàng với em. Ít ra là ở độ tuổi 12 đó".

Và thế là, những ngày tháng sau này của cô gái vẫn sẽ tiếp tục, vẫn sinh hoạt vẫn đến trường... nhưng chỉ với 1 chiếc chân. Thế nhưng, không vì khuyết tật mà buông thả mình, cô bé lớp 6 năm nào cũng đã hoàn thành chương trình cấp 3 và thi đỗ khoa Kế toán của trường Kinh Tế. Thế nhưng cổng trường đại học lại khép lại với Trúc Viên chỉ vì bố mẹ phản đối.

"Ba mẹ nào mà chẳng thương con, mà tự nhiên con mình lại trở nên không lành lặn như người thường lại càng xót con nhiều hơn. Lúc nhận được giấy trúng tuyển, chưa kịp vui hết ngày thì nhân vật phản diện mang tên cô hàng xóm xuất hiện. Ba mẹ em nghe bả nói ra nói vào nào là học kế toán rồi biết làm cái gì mà ăn, rồi xuống Sài Gòn khó kiếm việc lắm người ta có tiền mà còn chưa xin được việc kia kìa… Ba mẹ em nghe nói thấy có lý nên nhất quyết không cho em đi", Trúc Viên chia sẻ.

Dù hiểu lòng bố mẹ, nhưng cô gái không muốn thanh xuân của mình chỉ quanh quẩn với cây cà phê, với xóm làng nhỏ nên đã quyết tâm lên Sài Gòn. "Tuy hiểu rằng, họ dành cả cuộc đời cho nương cho rẫy nên suy nghĩ của họ cũng không chạy ra xa quá mấy cây cà phê, nhưng không biết cái thôi thúc trong em với Sài Gòn ở đâu ra mà em khóc quá chừng khóc, cả một tuần đẫm nước mắt. Được cái vừa khóc vừa bấm điện thoại, em tìm được một công việc ở một xưởng may gia đình ở Hóc Môn. Lúc đó em bất lực rồi, không cho đi học thì bà đây đi làm! Nhất định là phải xuống Sài Gòn!".

Chấp nhận lắp chân giả để giải phóng đôi tay lâu nay chỉ để chống nạng

Và thế là, Trúc Viên đã nói dối bố mẹ là đi khám để trở lên Sài Gòn làm việc trong một xưởng may. Thế nhưng, chỉ vì mất một chân, vì tật nguyền nên sau 1 tháng làm việc miệt mài, ròng rã cô gái trẻ khi ấy mới 18 tuổi chẳng nhận được một đồng tiền lương.

"Lúc đó em mới thấm, dù muốn dù không, người ta vẫn định nghĩa em thông qua những cái em đã mất đi chứ không phải dựa trên những thứ mình đang có…", Trúc Viên kể.

Mặc dù không vì cú vấp ngã đầu đời mà Trúc Viên nản chí, nhưng nó khiến cô gái trẻ nhận ra mình là một người khuyết tật và bản thân cô cũng khó có thể thuyết phục người ta nhìn vào mình theo cách mình mong muốn. "Sau cú sốc bị lừa ở xưởng may... khiến em nhận ra một sự thật rằng: Em vẫn còn chưa tin em là người khuyết tật".

"Hồi lớp 9, sau khi tháo chân xong, ba mẹ có để dành mua cho cái chân giả bảo lắp vào vì dù sao cũng là con gái... Em không có ưa cái chân giả đó xíu nào, tại nó vừa cứng vừa thẳng, đi luôn phải cà nhắc và cực kỳ khó lái xe, lắp vào thì rất đau! Tại không những tháo chân, em phải tháo luôn cả 1/3 xương chậu nữa! Nên chỉ để đó chứ không bao giờ em thèm đụng vào. Và điều em ghét nhất, là nó luôn nhắc em nhớ mình bị khiếm khuyết".

Câu chuyện cô gái mất 1 chân vì u xương và nghị lực theo đuổi ước mơ ở Sài Gòn khiến nhiều người nhận ra “Nếu không xoá được quá khứ, hãy tiếp tục với hiện tại” - Ảnh 2.

Đôi chân mới giúp cô di chuyển linh hoạt hơn và không phụ thuộc vào nạng nữa

Dường như, việc bị lừa khi mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn khiến Viên nhận ra, bản thân cô phải thích nghi với việc mình chỉ có một chân, mình có khiếm khuyết. "Nhưng, bây giờ, em sẽ phải chấp nhận cuộc sống của mình từ nay về sau sẽ luôn xoay quanh cái chân-không-còn này, hoàn toàn không thể tách rời nó khỏi những định nghĩa về em. Nó vẫn yên lặng ở đó, nhìn chằm chằm vào em mỗi sáng em thức dậy. Nó là em. Em phải tôn trọng phần lịch sử này trong em thì em mới có thể làm được chuyện đổi thay lớn lao về sau".

Được biết, sau đó, Trúc Viên đã đi học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, chuyên ngành trẻ em Khiếm Thị, Tự Kỷ và Chậm Phát Triển của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Không những thế, những cơ duyên và may mắn cũng đến với cô gái nhỏ khi được tặng một chiếc chân mới, mềm mại, uyển chuyển hơn. "Chị nói, em đã đi được rồi, bây giờ em cần đi nhanh hơn nữa. Chân giả rất đau và rất khó, nhưng bù lại em sẽ giải phóng được đôi tay lâu nay vốn chỉ sử dụng để chống nạng. Thêm đôi tay, em có thể đi xa hơn nhiều trong chuyện giúp những đứa trẻ giống em, cùng gỡ những định kiến ngoài kia dán lên bọn em. Nên mấy nay tuy hơi khó chịu nhưng em vẫn chăm chỉ hàng ngày tập với chân mới".

Vượt lên chính mính, cùng với sự phản đối của gia đình trước đó, Trúc Viên sau 3 năm ở Sài Gòn đã có thể thích nghi được với cuộc sống nơi phố thị. Và hơn hết, cô đã có cuộc sống độc lập không phụ thuộc vào gia đình, không phải phụ thuộc vào chân trái. "Đường đi sắp tới sẽ rất khó, em biết chớ, nhất là một người theo đuổi ngành giáo dục đặc biệt, phải học thêm rất nhiều, về ngôn ngữ kí hiệu, chữ nổi, các lớp học tâm lý… không ai sẽ đi dùm đoạn đường này cho em cả, nhưng ít ra, em biết mình đang đi đúng hướng và ở Sài Gòn vẫn có nhiều người sẵn sàng bước đi cùng em, vậy là đủ.".

Câu chuyện về khoảng thời gian thích nghi và chấp nhận việc mình là người khuyết tật và mình phải chung sống với khiếm khuyết ấy cả đời cùng như nghị lực để được làm công việc mình yêu thích, được cống hiến và giúp đỡ mọi người đã khiến nhiều người nể phục. Chỉ sau ít giờ đăng tải câu chuyện của Trúc Viên đã nhận được khá nhiều lượt thích và chia sẻ.

"Cả câu chuyện này vốn là một hình ảnh đẹp về con người và nghị lực. Cảm ơn em về những chia sẻ: nhỏ bé, đáng yêu, kiên cường, lạc quan, quả cảm... Những người khuyết tật, họ đã biến nỗi đau thành sức mạnh để rồi mạnh mẽ phi thường. Cũng chúc cho cô gái thật nhiều năng lượng để bước tới thành công", tài khoản L.T.N chia sẻ.

"Chị là 1 người khiếm khuyết, nhưng chị khiếm thính. Chị cũng từng ước giá như mình lành lặn, giá như mình không phải nghe bằng máy trợ thính thì chắc đời chị cũng không đến nỗi nào. Chị đã từng chán chường ghét bỏ, và sợ hãi chính mình. Có nhiều đêm (đến tận bây giờ) chị ám ảnh việc mình không làm tốt, sợ hãi đến mức chị nghĩ rằng mình không xứng đáng có 1 cơ hội thứ 2. Cảm ơn em đã khiến chị nhận ra mình đã không thể xóa được quá khứ, thì nên tiếp tục ở hiện tại. Dù sao đi nữa, cả chị hay em, đều rất đặc biệt và mạnh mẽ! Thế nên hãy vững bước, luôn giữ niềm tin chính mình em nhé!", một người phụ nữ khiếm thính cũng chia sẻ sự đồng cảm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày